Giáo dục không cần can thiệp nhiều, trên đường phố cũng chẳng thấy những khẩu hiệu hô hào bảo vệ môi trường. Đám trẻ lớn lên, trong cộng đồng hòa bình giữa con người với thiên nhiên. Chúng nhìn hệ sinh thái ấy như một điều tất yếu…

thien nhien
Cái cây khô và khoảng đầm lầy ở Shenandoah, Texas. (Ảnh: Nguyễn Danh Lam)

Chiều nay ghé một khu thương xá lớn ở gần nhà, đậu xe trong parking lot xong, mình ngước mắt lên thì thấy một cái cây khô. Thực ra cây khô ở xứ này rất nhiều, ngó đâu cũng thấy, nhiều cây cao hàng chục mét, đường kính nửa mét, vì một lý do nào đó tự nhiên chết đi, người ta cứ để nó đó, tự gãy, tự mục, thành chất mùn bón cho đất, đúng một vòng sinh thái, chớ không ai xẻ lấy gỗ. Không chỉ ở Mỹ mà nhiều nước có quỹ đất eo hẹp, chật chội, người ta cũng vẫn làm như vậy.

Trong khi chờ người nhà, mình lững thững lại gần cái cây khô, ngó chơi. Bỗng nghe tiếng ếch nhái, côn trùng kêu râm ran. Ngó gần hơn, hiện ra một khoảng đầm lầy, với đầy đủ sắc thái tự nhiên nhất, với cây, cỏ, bèo, cá, cua… không chừng còn có cả cá sấu(!). Mình tự nhiên… đắm đuối với khoảng đầm lầy ấy- nó là một thế giới hoàn toàn khác biệt, nhưng cũng rất đỗi hòa bình với những thứ ngay sau lưng mình. Trong ảnh là bãi đậu xe và khu thương xá sầm uất bên trái “khu sinh thái nhỏ”.

thien nhien
Bên trái đầm lầy là khu thương xá, ở Shenandoah, Texas. (Ảnh: Nguyễn Danh Lam)

Nếu ở vào độ tuổi 40, hầu như ai trong chúng ta cũng có một ký ức gắn với chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, ếch nhái, tôm cua… Nhưng hệ sinh thái ấy giờ đây ra sao, ai cũng biết rồi. Mình mới đọc một bài báo của nhà thơ TTD, kể về một đêm tại miệt vườn miền Tây Nam Bộ vừa đây. Nửa đêm ông đứng ngoài sân, nơi vùng lõi “miệt vườn”, vậy mà không hề nghe bất cứ tiếng côn trùng nào- thay vào đó là tiếng… karaoke nối từ làng trên xuống xóm dưới.

Cắc cớ thay, sau hàng chục năm sống ở quê nhà- một đất nước gắn liền với đồng ruộng, sông ngòi, đặc trưng nông nghiệp, nhưng cào cào châu chấu đã xa mù mịt- mình đã gặp lại đầy đủ chúng giữa một đất nước công nghiệp, trong một đại đô thị đông dân hàng thứ tư nước Mỹ. Đêm đêm nhìn lên bầu trời, ánh đèn của những chiếc phi cơ hiện đại đan ngang đan dọc, nhưng bên tai vẫn inh ỏi tiếng côn trùng, còn dưới chân đầy ếch nhái, thậm chí cả rắn rết… Chẳng khó để thấy những con thú hoang băng ngang đường, bầy nai lạc vô siêu thị, hay những con ngòi trong vắt, đầy cá, tôm, cua… ở ngay trong khu dân cư. Dân trong khu mình nhiều nhà vẫn mua các loại đồ ăn cho thú trong siêu thị, đêm đêm rải ra vườn cho mấy con thú hoang từ rừng ra ăn. Họ luôn nói, đất này là của chúng, con người tới ở nhờ, chúng là chủ.

Và đám trẻ lớn lên, trong cộng đồng hòa bình giữa con người với thiên nhiên. Chúng nhìn hệ sinh thái ấy như một điều tất yếu. Ai đó giết một con vật, dù là rắn, cũng là sự ngỡ ngàng đối với chúng. Giáo dục không cần can thiệp nhiều, trên đường phố cũng chẳng thấy những khẩu hiệu hô hào bảo vệ môi trường. Và khi những công ty tư bản khổng lồ muốn thực thi một dự án đụng chạm tới môi trường, người dân từ khắp các tiểu bang, có thể xa hàng ngàn cây số vẫn đáp máy bay tới tận nơi để cùng nhau biểu tình. Rất bình thường, như một sự tất yếu gắn liền với quyền công dân của họ.

Nguyễn Danh Lam (Nhà văn)

Đăng theo Facebook Nguyễn Danh Lam. Vui lòng đọc bản gốc tại đây.

Xem thêm: