Một năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Thời điểm đó, tất cả mọi người từ bản thân ông Putin cho đến thế giới bên ngoài đều tin rằng Ukraine sẽ sớm bị lực lượng quân sự Nga đánh chiếm. Nhưng thực tế một năm đã trôi qua, Nga không chỉ không giành được thắng lợi quân sự, ngược lại còn khiến mình rơi vào vũng lầy chiến tranh.

shutterstock 2175684997
Ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 4/2022 (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Bên cạnh diễn biến của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, ngoại giới cũng quan tâm đến việc liệu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có rút ra bài học gì từ cuộc chiến Ukraine trong cân nhắc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan hay không. Nói cách khác, ông Tập liệu sẽ chọn cách tiếp cận thực tế và thận trọng hơn trong vấn đề Đài Loan vì thất bại quân sự của Nga và việc nước này phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Về vấn đề này, dư luận chủ đạo dường như đang khẳng định rằng ông Tập Cận Bình sẽ xem xét lại việc có nên sử dụng vũ lực với Đài Loan hay không sau khi chứng kiến ​​cảnh khốn cùng của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, tôi lại không thấy lạc quan về điều này.

Đối với ĐCSTQ, cái gọi là “bài học từ Chiến tranh Nga – Ukraine” chẳng qua là 3 điểm: Thứ nhất, ngay cả khi ĐCSTQ có lợi thế quân sự, điều đó không có nghĩa là hoạt động quân sự sẽ thành công; thứ hai, một khi phát động chiến tranh, sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế tàn khốc do trừng phạt toàn cầu gây ra; thứ ba, một khi cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan thất bại, có thể gây nguy hại cho chính quyền.

Tuy nhiên, liệu ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình có thực sự nghĩ vậy không?

Trước hết, chưa nói đến việc ĐCSTQ liệu có hoài nghi về ưu thế quân sự của mình so với Đài Loan thông qua tiến triển của cuộc chiến Nga – Ukraine hay không. Ngay cả khi ĐCSTQ đánh giá nội bộ rằng các hoạt động quân sự chống lại Đài Loan có thể thất bại, thì cũng không đủ căn cứ cho việc họ sẽ có thái độ thận trọng hơn trong vấn đề Đài Loan.

Lý do rất đơn giản, Đài Loan có thực sự bị chiếm đóng hay không, không phải là điều ĐCSTQ quan tâm nhất. Theo tôi, cốt lõi của vấn đề Đài Loan là ĐCSTQ cần dùng chiến tranh để củng cố nền tảng cai trị có thể bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, là cần tạo thù ngoài để tái củng cố đoàn kết nội bộ trên cơ sở chủ nghĩa dân tộc. Về vấn đề này, ngay cả khi hành động quân sự nhắm vào Đài Loan thất bại do sự can thiệp của Mỹ và các nước khác, ĐCSTQ chỉ có thể sử dụng cơ hội này để tạo dư luận rằng “các nước phương Tây kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc”, từ đó kích động hơn nữa tình cảm dân tộc chủ nghĩa.

Một khi chiến tranh nổ ra, tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên, và đây chính là điều mà ĐCSTQ mong chờ nhất. Có người nói chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân dẫn đến xung đột ở eo biển Đài Loan, nhưng rất có thể sự thật ngược lại, chủ nghĩa dân tộc sẽ là một loại “chiến lợi phẩm” khác của chiến tranh và là kết quả của chiến tranh. Nhưng điều mà ĐCSTQ coi trọng hơn, kỳ thực là kết quả của chiến tranh.

Tiếp theo, ĐCSTQ đương nhiên hiểu rất rõ ràng rằng một khi phát động chiến tranh thì sẽ phải chịu lệnh trừng phạt kinh tế chung của các nước lớn phương Tây giống như Nga. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đã sa sút lại càng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nhìn lại tư duy ra quyết sách của ĐCSTQ trong vài thập kỷ qua, có thể thấy rằng giữa an toàn của chế độ và an toàn của nền kinh tế, ĐCSTQ nhất định sẽ đặt an toàn chế độ lên hàng đầu.

Sự kiện ngày 4/6/1989 (Sự kiện Lục Tứ hay Thảm sát Thiên An Môn) là một ví dụ. Khi ông Đặng Tiểu Bình quyết định trấn áp bằng súng, không phải ông ta không tính đến việc ĐCSTQ sẽ bị phương Tây trừng phạt kinh tế, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyết tâm trấn áp của ông ta. Vào thời điểm đó, sức mạnh kinh tế tổng thể của Trung Quốc kém xa so với ngày nay, ĐCSTQ có thể không tiếc cái giá của nền kinh tế phải trả cho cuộc đàn áp này. Ngày nay năng lực chịu chế tài kinh tế của ĐCSTQ đã vượt xa so với năm 1989, ông Tập Cận Bình liệu có thật sự không màng đến suy thoái kinh tế? Nói cho cùng, suy thoái kinh tế có liên quan đến hạnh phúc và lợi ích của người dân, nhưng ĐCSTQ có khi nào thực sự coi trọng hạnh phúc và lợi ích của người dân? Chừng nào bộ máy bạo lực nhà nước còn nằm trong tay ĐCSTQ, họ sẽ không quan tâm đến sự gia tăng xung đột xã hội do suy thoái kinh tế gây ra.

Tóm lại, mọi quan điểm cho rằng ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ sẽ rút ra bài học từ Chiến tranh Nga – Ukraine đều dựa trên cơ sở lý luận, đó là cho rằng ĐCSTQ sẽ theo tư duy lý tính và logic thông thường để điều chỉnh vấn đề Đài Loan theo sự phát triển của thế giới. Chiến tranh Nga-Ukraine Chính sách này thực chất là “lấy lòng quân tử để đo dạ tiểu nhân”. ĐCSTQ có lối tư duy và ý tưởng riêng, và một loạt tính toán khác, cộng đồng quốc tế không nên quá lạc quan.

Vương Đan, RFA
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả.)