Lần đầu tiên tôi tiếp cận đề tài sông Mekong, đó là khái niệm được một phóng viên đàn anh giới thiệu. Giấc mơ lớn của Lào: trở thành cục pin của Đông Nam Á.

vo dap thuy dien tai Lao
Thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại tỉnh Attapeu (Lào) vỡ trong đêm 23/7. Hãng thông tấn nhà nước Lào (KPL) mới đây vừa công bố, tính đến trưa 25/7, có 19 người chết trong sự cố vỡ đập thủy điện. Mặc dù vậy, vẫn còn hàng trăm người mất tích.

Trong cuộc họp báo với phóng viên phương Tây, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản của Lào năm đó, ông Viraphonh Viravong hỏi: Các bạn không thể nào cứ nghĩ mãi về nước Lào như một quốc gia kém phát triển. Lào cần phải phát triển, và thủy điện là cơ hội của Lào. Quốc gia nào có quyền bảo một quốc gia khác hy sinh sự phát triển vì họ?

Tôi vẫn còn nhớ, trong cuộc họp báo đó, nhiều phóng viên im lặng, đặc biệt là phóng viên từ các nước Đông Nam Á, nơi khái niệm “phát triển” là một lý lẽ đủ hùng hồn để người ta gạt bỏ mọi quan ngại khác về môi trường hay sự an toàn của người dân.

Năm 2017, cả nước Lào có 46 nhà máy thủy điện, và có khoảng 54 nhà máy khác đang xây dựng hoặc lên kế hoạch. Một số nhà máy lớn nằm trên dòng chính sông Mekong như Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng.

Lý lẽ “không thể bảo quốc gia khác hy sinh sự phát triển vì mình” đủ thuyết phục để mớ hàng xóm như Việt Nam hay Campuchia, Thái Lan im miệng không phản đối gì dù những thủy điện đó thực sự đe dọa nguồn cá, phù sa, nguồn nước, hoạt động nông nghiệp… của người dân sống bên dưới vùng thủy điện. Nhưng sâu sa hơn, 2/3 số điện Lào sản xuất ra là bán cho Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Thái Lan mua khoảng 10.000 MW và Việt Nam khoảng 5.000 MW mỗi năm (1). Trong khi đó, Campuchia, Việt Nam cũng không hề kém cạnh, thời điểm đó họ cũng đang ráo riết phá rừng để xây nhà máy thủy điện khắp nơi.

Bức tranh phát triển dễ dàng phớt lờ những dấu hỏi đen, vì không ai muốn nhà mình “mất điện”. Không ai muốn sản xuất bị đình trệ vì thiếu điện. Cũng không ai muốn mình trở thành quốc gia kém phát triển.

Đến năm 2020, Lào sẽ có thể có 100 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, hòng “thoát nghèo”, và được đeo danh hiệu “cục pin của khu vực” như Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản nói.

Mấy ngày trước, đập Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu vỡ khiến hơn 6.000 người mất nhà cửa. Tới giờ ít nhất đã có 17 thi thể được tìm thấy. Trước đó 1 ngày, công ty xây dựng SK Engineering & Construction, một liên danh của Hàn Quốc đang thi công thủy điện này, nói họ đã thấy vết nứt trên đập. Con đập này vỡ chứng tỏ rất nhiều thứ như đánh giá tác động môi trường, việc lập kế hoạch, xây dựng đập trước tác động thời tiết cực đoan… đều có vấn đề. Nó để ngỏ câu hỏi liệu sau khi xây dựng và đi vào hoạt động, có gì sẽ đảm bảo sẽ không xảy ra sự cố vỡ đập lần nữa khi mưa lũ xảy ra ở địa phương này?

Thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, giấc mơ thủy điện của Lào vẫn hùng hồn và kiêu hãnh như thời gian đầu họ ráo riết lên kế hoạch xây đập khắp các vị trí trên dòng chính Mekong, giữa rừng già hay các dòng nhánh lớn.

Có rất nhiều phát biểu đẹp lòng mà chính trị gia có thể nhồi đầu người dân và cánh nhà báo để vuốt ve trí tưởng tượng của họ.

Để rất nhiều năm sau, quả đắng như thế này sẽ đổ lên đầu người dân vô tội.

(1) https://www.mekongeye.com/2017/07/12/laos-expects-to-have-100-hydropower-plants-by-2020/

Theo Facebook Nhà văn, người viết tự do Khải Đơn

Xem thêm: