Mỗi ngày trôi qua, tình trạng nguy cấp và đường vào cõi chết lại đón thêm nhiều loài động vật trên mọi miền đất nước. Máu đã nhuộm đỏ các cánh rừng, con suối nhỏ, và bỗng chốc mọi âm thanh tan đi hết, chỉ còn lại tiếng ve sầu rầu rĩ và âm u. Cứ như vậy, thế giới của các loài động vật hoang dã chỉ toàn là màu đen.

con hy vong nao cho bao ton o viet nam
Voọc chà vá chân nâu bị bắn chết ở Sơn Trà ngày 30/4/2015. Vì không tìm được người đi săn, vụ việc bị rơi vào im lặng. (Ảnh: Bùi Văn Tuấn)

Nhìn xuyên suốt mọi vấn đề, mọc ngóc ngách ở từng tỉnh, từng huyện sẽ thấy 3 vấn đề nổi trội: Diện tích rừng ngày càng giảm, săn bắn và buôn bán động vật trái phép, và việc thực thi pháp luật không đến đâu. Đó là 3 nguyên nhân chính đẩy đất nước được đánh giá có đa dạng sinh học cao trên thế giới thành một đất nước mà loài nào cũng hiếm, cũng nguy cấp, cũng sắp tuyệt chủng. Ở các hội nghị bảo tồn ở thế giới, lúc nào Việt Nam cũng có trong danh sách thách thức bảo tồn, tồn tại mãi mà chưa giải quyết được.

Rừng – diện tích giảm, các cây quý hiếm, giá trị cao thì đều đã không còn bóng dáng trên bản đồ phân bố, nếu có chăng thì đang ở dạng phiến, phách trong các ngôi nhà nghìn tỷ ở phố. Trồng 10 cây, sống được 1, và 50 năm sau mới được như bây giờ. Nhưng phá đi 100 ha, chỉ cần 1 tuần thôi. Thủ tướng có yêu cầu nghiêm cấm phá rừng cũng vậy thôi – có lẽ các tỉnh nghe nhầm rằng, “phá nốt đi các bạn, rồi ta lại trồng mới”. Khi rừng đã hết, các loài động vật cũng đâu còn đất để sống, đâu còn thức ăn để ăn, đâu còn chỗ để ngủ. Vậy là chết theo thôi. Thêm vào những nhu cầu chăm sóc sức khỏe bổ dưỡng bằng máu tươi, thịt tươi, thịt sạch, cường dương, bổ thận… Thiên la địa võng bẫy, súng săn, thuốc nhử độc… giăng kín mọi lối đi trong rừng. Với lý thuyết “Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, không có con nào có cơ hội tồn tại. Mọi tiếng kêu trong rừng trở nên nhỏ dần và biến mất. Bạn sẽ sợ cái cảm giác bước đi trong yên lặng như vậy.

Chính sách được ban hành nhiều, nhiều vô kể. Không một ai, kể cả các anh Kiểm lâm bảo vệ rừng cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu luật, và nên áp dụng cái nào khi xử lý vụ việc. Nhưng rồi, ai làm ra luật sẽ biết cách thiết chế, biết nó lỗi chỗ nào để tìm cách lách qua. Vậy nên, nếu đi khai thác rừng nhỏ lẽ sẽ bị bỏ tù, bị bắt… chứ khai thác hàng trăm ha sẽ dễ dàng chui qua cửa tử và bước vào ánh hào quang. Ngày hôm nay đất này là rừng, nhưng ngày mai nó là khu du lịch, khu thủy điện… cây bút bị nam châm tiền hút vào chỗ phần ký tên đóng dấu. Vậy nên, không còn gì để hy vọng với các nguyên nhân đã kể ở trên. Xu hướng “Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đâu” nên được nghĩ đến bay giờ.

Vậy hy vọng nào cho các loài động vật hoang dã tội nghiệp kia. Chỉ còn niềm hy vọng duy nhất từ giáo dục, niềm mong mỏi cuối cùng từ các hạt mầm chưa vướng bận bụi trần. Người già, cán bộ già, chúng ta bây giờ rồi cũng sẽ chết đi, mọi thể chế cũng có thể được thay đổi phù hợp. Do vậy, giáo dục từ bây giờ để giữ lại niềm hy vọng, những đứa trẻ con lớn lên sẽ yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên hơn bố mẹ của chúng. Hãy dạy cho con trẻ biết yêu thương, chia sẽ, và tha thứ….đừng oàn trách ông bà, bố mẹ, những người đi trước đã phá đi một di sản của thiên nhiên, mà đáng ra họ phải ra sức bảo vệ chúng.

Và cuối cùng, niềm hy vọng sẽ sẽ được nẩy mầm, sẽ lan tỏa đủ lớn để ngăn lại những hành vi sai lầm của bố mẹ chúng bằng những câu hỏi ngộ nghĩnh “Bố ơi, tại sao phải giết con này, con kia? Tại sao phải ăn thịt rừng? Tại sao bố ngâm rượu rắn? Tại sao người ta lại phá rừng? Bố ơi… mẹ ơi… ông ơi… con muốn được ngắm nhìn các loài động vật ngoài tự nhiên….

Tôi tin điều đó, còn bạn thì sao?

Theo Facebook Chuyên viên bảo tồn đa dạng sinh học Bùi Văn Tuấn

Xem thêm: