Trong cuộc gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục TP.HCM, cô bé Phạm Song Toàn khóc và nói: “Đối với các bạn, giáo viên đến lớp giảng bài là điều vô cùng nhàm chán. Nhưng con mong muốn được một lần như vậy. Tại vì giáo viên của con không nói gì cả. Con không hiểu vì sao cô đến lớp chỉ viết bài và giao bài tập cho chúng con làm mà không nói gì cả“.

co giao khong giang bai
Em Phạm Song Toàn bật khóc khi bày tỏ mong muốn cô giáo hãy giảng bài, tại diễn đàn ngành giáo dục ngày 23/3. (Ảnh: Mạnh Tùng/vnexpress.net)

Đó là ngày 23/3.

Hôm nay, 6/4, 13 ngày sau đó, cô học sinh lớp 11 buộc phải “tự nguyện” cấp tập chuyển trường vào thứ Hai tuần sau. Cô bé phải rời khỏi nơi mình theo học vì… cô giáo đã sai phạm.

Là một người không làm trong giáo dục, tôi giở Luật Giáo dục, chương VIII – Khen thưởng và xử lý vi phạm ra đọc. Điều 118 viết, có xử lý vi phạm với hành vi “Tự ý thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục;” và “Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo; ngược đãi, hành hạ người học”.

Những giọt nước mắt của Toàn rơi trên sở với một thỉnh nguyện bình thường như bao đứa trẻ khác: “con mong muốn được một lần” [nghe giảng bài]. Nhưng bà Trần Thị Minh Châu (giáo viên toán trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè), người công chức đang ăn lương nhà nước và học phí của cha mẹ cô bé lại có quyền không thèm giảng bài.

Đọc sơ trên luật, tôi thấy bà đã không giảng bài theo quy định trong chương trình giáo dục. Bà vi phạm trách nhiệm của người lao động: được trả tiền và hành nghề. Có công nhân nào đi làm, tới xưởng ngồi chơi xong buổi chiều lãnh lương ra về không? Có văn phòng nào cho phép nhân viên đến công sở ngồi làm mặt lạnh với đồng nghiệp để cuối tháng lãnh lương không? – Đó là điều mà trường THPT Long Thới, Nhà Bè cho phép xảy ra.

Và như bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM xác nhận trong bài viết sáng nay đánh giá: hành vi lên lớp không nói gì là bạo hành về tinh thần. Nó vô tình trùng với điều khoản “ngược đãi, hành hạ người học” trong Chương VIII của Luật Giáo dục.

Một người lao động không làm việc đúng trách nhiệm. Một nhà giáo bạo hành tinh thần học sinh. Cần nói thêm, sự việc đã được điều tra và xác nhận là cô giáo Trần Thị Minh Châu có hành vi như vậy – đúng như Toàn phản ánh.

Nhưng đổi lại tất cả những thành thật mà nữ sinh bật khóc nói, đổi lại những điều khoản rành đã ghi trong luật, đổi lại kết quả điều tra, là Song Toàn bị cho là: “phá trường, công sức hình ảnh của nhà trường bao nhiêu năm nay bị đạp đổ”- Phó chủ tịch UBND TP tường thuật lại. (News Zing, 6/4/2018)

Chính nghĩa của con trẻ

Lớp 11, Song Toàn đã hình thành ý niệm riêng của cô về thế giới như hầu hết những thiếu niên cùng tuổi. 17 tuổi – ta nhận thức được gần như tất cả xảy ra quanh mình.

Nhưng biết xung quanh có gì, và dán nhãn cho sự việc là đúng hay sai, lại là quá trình cực kỳ dài của trưởng thành nhân cách. Ở đó, ngôi trường và gia đình là hai giáo đường quan trọng. Đứa trẻ bị mẹ mắng là sai khi con nói dối. Học trò bị phạt khi quay bài. Đúng và sai được hình thành từ hàng ngàn ví dụ mỗi ngày trong quá trình sống và được dẫn dắt bởi người lớn.

Với Toàn, có lẽ điều cô bé không thấy ổn là không được nghe giảng bài. Học và nghe giảng quyền bình thường của người học. Cha mẹ trả tiền để con có chữ nghĩa, nhà nước dùng thuế để trả lương cho người giảng. Người học phải nhận được giá trị từ hai dòng đầu tư đó. Cô bé khóc để hỏi về quyền của mình. Cô nhận thức mình là người bị thiệt hại trong mối quan hệ dân sự này, và với tư cách là một đứa trẻ: Cô khóc để xin.

(Lẽ ra, cô có thể đòi hỏi – vì cha mẹ cô là công dân, họ vừa đóng thuế vừa đóng tiền học để trả cho cô giáo Minh Châu kia).

Nhưng trẻ con thường khóc để xin vì yếu thế.

Song Toàn chỉ không ngờ rằng cô trở thành quân cờ domino trong một lâu đài bằng các cây cờ nhựa lỏng lẻo khác. Cô tự ngã xuống. Xô đổ tất cả.

Giáo viên Trần Thị Minh Châu không giảng bài là phạm luật. Giáo viên ấy phải bị kỷ luật.

Tại sao giám thị hay giáo viên chủ nhiệm không biết điều này? – Vậy giám thị và giáo viên chủ nhiệm cũng phải bị kỷ luật.

Tại sao sự việc như vậy mà hiệu trưởng không biết điều này? – Cần nói thêm, hiệu trưởng ăn lương quản lý. Vậy hiệu trưởng cũng phải bị kỷ luật.

Tại sao một ngôi trường lại xảy ra điều tồi tệ này? – Ngôi trường ấy không thể được thi đua, thành tích, khen thưởng gì trong năm nay.

Hàng chục giáo viên trong trường sẽ mất chút tiền thưởng trong năm, hay trong nhiều năm qua họ vẫn có bỏ túi.

Vài chục học sinh trong lớp của Song Toàn bị phiền toái khi phóng viên ào tới phỏng vấn và các quan chức giáo dục cần tìm bằng chứng. Không ai muốn phiền toái rách việc. Có lẽ nên nói dối đại gì đó cho xong?

Chưa kể, vài kỳ thi đua văn nghệ, học sinh giỏi… có thể bị hoãn lại vì chuyện kỷ luật này. “Số má” ngôi trường giảm xuống. Học sinh từ đây ra cũng bị sứt mẻ ít nhiều danh hiệu.

Cả hệ thống bị thiệt hại vì… Song Toàn.

Nếu cô Châu cứ được để yên và nghênh ngang vi phạm Luật Giáo dục như suốt ba tháng qua, có lẽ giáo viên vẫn được thưởng, học trò vẫn được tiếng thơm là học trường ổn, hiệu trưởng vẫn đảm bảo thi đua, giám thị hay giáo viên chủ nhiệm chẳng ai chịu kỷ luật.

Viết tới đây, tôi thấy chính mình chùn lòng lại – vì lựa chọn chính nghĩa (đúng theo luật) cho một đứa trẻ sao mà khó quá.

Cuộc tháo chạy của điều đúng

Thói lệ hành xử trong ngành giáo dục đã cho phép cô giáo như bà Trần Thị Minh Châu tồn tại khắp nơi trong ngành này. Họ ăn lương và không cần làm tròn bổn phận. Họ đi dây giữa sự nhây nhưa và thiếu cương quyết của những thế lực xung quanh, không muốn sứt mẻ tí tiền thưởng và “phẩm giá” nhà giáo nào. Họ bạo hành học sinh. Họ có đủ sức mạnh để nhấn chìm một số phận 17 tuổi xuống bùn, đẩy em khỏi trường, gọi cha mẹ lên hù dọa, dùng bạn bè ép em nghỉ học. Kẻ có quá nhiều quyền luôn có đủ sức mạnh để bóp mũi một phẩm giá yếu ớt.

Ở đây, câu hỏi: “Vậy giáo dục của ta coi ai là trung tâm?” nổi lên.

Học sinh à? – Nếu nền giáo dục ấy đang coi học sinh là trung tâm, thì sự sang chấn tinh thần của Song Toàn, tổn thương của em, kiến nghị về quyền được nghe giảng của em phải được coi trọng. Em phải được đảm bảo quyền tiếp tục đi học mà không bị tống cổ gấp gáp khỏi chỗ ngồi của mình. Em phải được nhìn thấy điều mình nói đúng – thì cần được xem xét – và người dạy làm sai phải bị kỷ luật. Lớp học cần quay lại trạng thái có người giảng bài. Và không ai bạo hành tinh thần và hù dọa em.

Rất tiếc, tất cả hành xử từ trường THPT Long Thới, hiệu trưởng, lớp học, đến sở giáo dục đều thể hiện sự ngược lại: Giáo viên mới là người thắng cuộc trong trò chơi một mất một còn này.

Bởi phó giám đốc sở giáo dục TP.HCM đã vội vàng phải giúp Toàn chuyển trường. Một cuộc tị nạn tháo chạy đúng nghĩa chỉ trong 13 ngày. Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng phải chấp nhận phương án này.

Không ai đủ can đảm nhìn thẳng vào trò chơi Domino mà tôi kể trên.

Cái gì đã cho phép một hành vi phản giáo dục tồn tại suốt ba tháng?

Ai đã cho phép cả hệ thống giáo dục tìm cách tiêu diệt một tế bào của giáo dục là học trò, bằng cách tống cổ nó đi?

Cơ chế nào đã khiến ngay cả những cá nhân bình thường nhất trong nghề và trường học phản bội lại chính hiện thực đang xảy ra sờ sờ trước mắt họ. Nhiều báo tường thuật học sinh trong trường đã nói cô Minh Châu là người rất tốt, để phản bác lại Song Toàn (Kênh 14, 31/3/2018). Dù kết quả điều tra đã có, là bà Châu không hề giảng bài. Những đứa trẻ sẵn sàng nói dối vì điều gì? Và chúng cũng sẵn sàng tẩy chay cả bạn mình dù bạn nói thật – vì sao vậy?

Ngay cả giọt nước mắt thành thật của đứa trẻ 17 tuổi cũng được diễn dịch là “phá trường” – Đó là cách những tổ chức trong ngành giáo dục đang diễn dịch một con người.

Vậy họ còn dám làm gì nữa với con trẻ ngoài kia?

Khải Đơn

(Trí thức VN có chỉnh sửa)

Xem thêm: