Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu một quốc gia có trở nên thành công và thịnh vượng. Giáo dục chỉ thành công khi ở đó có tự do tư tưởng, trao đổi, nghiên cứu và giảng dạy.

Trong danh sách chỉ số thịnh vượng của quốc gia (The Legatum Prosperity Index) được công bố bởi Viện Legatum, một viện nghiên cứu chính sách toàn cầu có trụ sở tại Anh, các quốc gia Bắc Âu đều nằm trong số những nước thịnh vượng nhất.

Chỉ số thịnh vượng được tính toán và xếp hạng mức độ thịnh vượng của các quốc gia dựa vào các tiêu chí khác nhau bao gồm sự giàu có, mức tăng trưởng kinh tế, giáo dục, sức khỏe, phúc lợi, và chất lượng cuộc sống. Trong bảng xếp hạng năm 2016, Nauy đứng thứ 2, Phần Lan đứng thứ 3, Thụy Điển và Đan Mạch lần lượt đứng đứng 8 và thứ 9, tiếp theo sau đó là Anh và Đức. Hoa Kỳ đứng thứ 17.

tien sy
Hình chụp tại một buổi lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kinh tế tại trường Đại học BI Norwegian Business School ở Nauy. Một thành viên hội đồng phản biện đã tham dự phản biện qua Skype. (Ảnh: Nguyễn Huy Vũ)

Sự thịnh vượng và phát triển của các nước Bắc Âu có được một phần lớn nhờ ở những nỗ lực đầu tư và các chính sách trong giáo dục. Khác với các quốc gia phát triển khác vốn có dân số đông, các nước Bắc Âu đều là các quốc gia thưa thớt về dân số. Ngoại trừ Thụy Điển với dân số hiện nay gần 10 triệu người, các nước Nauy, Đan Mạch, Phần Lan đều có dân số chỉ hơn 5 triệu người. Sự thưa thớt về dân số kéo theo sự thưa thớt về nhân lực. Việc thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao, là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của một quốc gia. Và ở đây, câu chuyện mà các nước Bắc Âu, dù với một dân số thưa thớt, biết tận dụng nguồn nhân lực và đưa ra các chính sách phát triển giáo dục đáng để các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, học hỏi.

Bài này tập trung vào giới thiệu những kinh nghiệm trong đào tạo tiến sỹ ở Bắc Âu, đặc biệt là Nauy. Nhìn chung, mô hình giáo dục bậc tiến sỹ của Nauy là sự kết hợp giữa mô hình của các đại học truyền thống châu Âu và Hoa Kỳ.

Kể từ sau bậc đại học, các chương trình đào tạo của Bắc Âu chủ yếu dùng tiếng Anh. Nếu như trước kia các tài liệu tiếng Anh chủ yếu dùng để tham khảo và việc giảng dạy chủ yếu dùng ngôn ngữ quốc gia, thì giờ đây tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chủ yếu để giảng dạy. Ở bậc đại học, ngày càng nhiều môn học và khóa học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Việc giảng dạy và tham khảo bắt buộc bằng tiếng Anh không những giúp các sinh viên ra trường mặc nhiên sở hữu được khả năng tra cứu và trao đổi bằng tiếng Anh một cách thông thạo, mà còn giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt được các kiến thức và công nghệ cập nhật của thế giới.

Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến trong giảng dạy và nghiên cứu còn đem lại một ưu điểm to lớn khác đó là nó giúp thu hút những sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế dễ dàng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và giáo dục ở trường. Sự có mặt của những nhân tố quốc tế giúp cho môi trường nghiên cứu và giáo dục tiếp tục cập nhật các kiến thức mới và giúp cơ sở giáo dục mở rộng mối quan hệ và ảnh hưởng với thế giới bên ngoài. Để cập nhật tri thức mới, ngoài việc gửi các nhà nghiên cứu đi trao đổi nghiên cứu ở các viện nghiên cứu trên thế giới, các viện nghiên cứu ở Bắc Âu luôn có chính sách đón chào các nhà nghiên cứu nước ngoài đến trao đổi trong một khoảng thời gian ngắn ở đây.

Các trường đại học có quyền chủ động trong việc chọn lựa và đào tạo tiến sỹ, và do đó, quy trình xét tuyển có thể khác nhau giữa các trường. Khác với các trường đại học ở Hoa Kỳ nơi mà sinh viên có thể đăng ký làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, để bắt đầu quá trình làm tiến sỹ ở Nauy, sinh viên phải có bằng thạc sỹ. Quá trình xét duyệt hồ sơ để chọn lựa các nghiên cứu sinh của các trường khá cạnh tranh và hoàn toàn dựa chủ yếu vào khả năng sinh viên có thể hoàn thành được luận án tiến sỹ cũng như có hướng nghiên cứu phù hợp với trường.

Ở Nauy, luật quy định rằng các trường chỉ có quyền nhận nghiên cứu sinh khi đảm bảo được nguồn tài chính hỗ trợ cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu. Nguồn tài chính này có thể đến từ trường đại học, các công ty, hoặc chính phủ. Do vậy, một khi được nhận vào chương trình nghiên cứu sinh điều đó đồng nghĩa với việc các nghiên cứu sinh không phải lo nghĩ về vấn đề tài chính trang trải việc học tập và nghiên cứu nữa, mà chỉ cần chuyên tâm tập trung vào nghiên cứu và hoàn thành luận án tiến sỹ của mình.

Chương trình học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh ở Nauy gần tương tự như ở Hoa Kỳ. Trong hai năm đầu, sinh viên được học các môn để hoàn thành một số lượng tín chỉ nhất định. Thường, các môn học chỉ có hai thang điểm là “đậu” hoặc “rớt”, và sinh viên bắt buộc phải đậu tất cả các môn. Song song đó, sinh viên cũng có thể tự đăng ký học các môn học khác với trình độ tương đương ở các trường đại học của Nauy và có thể chuyển điểm về. Sau khi đậu một khóa học ở trường đại học khác, sinh viên sẽ được cấp một chứng chỉ bởi trường đó ghi môn học, giáo sư dạy, số tín chỉ cùng chữ ký của giáo sư. Sinh viên chỉ việc về trường mình, điền đơn và gửi bản sao chứng chỉ là đủ để hoàn tất quy trình chuyển điểm. Các trường đại học công của Nauy miễn học phí nên việc học và lấy tín chỉ hoàn toàn miễn phí.

Các nước Bắc Âu thưa dân và thiếu nguồn nhân lực nên họ rất tiết kiệm và cố gắng tối ưu hóa việc đầu tư cho giáo dục. Để tối ưu hóa lượng kiến thức lan tỏa và góp phần hình thành một cộng đồng tri thức, các trường đại học, viện nghiên cứu ở Nauy và các nước Bắc Âu khác thường có mối liên hệ hợp tác khá chặt chẽ. Khi một trường hay viện nghiên cứu ở Bắc Âu mời một giáo sư hàng đầu ở nước ngoài về giảng dạy tại một cơ sở của họ, họ thường gửi giấy mời đến các sinh viên ở các nước Bắc Âu khác đến học chung để cùng tiếp nhận và trao đổi tri thức. Bằng cách như vậy, các nước Bắc Âu hình thành nên một cộng đồng văn hóa chung, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và hợp tác với nhau.

Một điểm khác biệt của hệ thống đào tạo nghiên cứu sinh của Nauy so với một số nước đó là việc bảo vệ luận án giữa kỳ (pre-doc defense). Chương trình đào tạo tiến sỹ thường kéo dài bốn đến năm năm, và sau khi kết thúc năm thứ ba của chương trình nghiên cứu sinh, các sinh viên bắt buộc phải trải qua một buổi bảo vệ giữa kỳ. Để bảo vệ luận án giữa kỳ, sinh viên phải trình bày một bài báo hoàn thành của mình cùng với hai ý tưởng đề xuất cho hai bài báo kế tiếp. Thành phần ủy ban sẽ đánh giá triển vọng về hướng nghiên cứu của sinh viên và liệu sinh viên có thể tiếp tục công việc để hoàn thành luận án tiến sỹ hay không. Nếu cảm thấy sinh viên không có triển vọng hoàn thành luận án tiến sỹ, ủy ban sẽ đề nghị chấm dứt chương trình nghiên cứu sinh của sinh viên. Ủy ban đánh giá luận án giữa kỳ sẽ bao gồm ba người: giáo sư hướng dẫn sẽ đóng vai trò là chủ tọa, người thứ hai là một giáo sư khác cùng khoa, và người thứ ba bắt buộc là một giáo sư của trường khác, thường là một trường đại học ở Nauy.

Sau khi bảo vệ thành công luận án giữa kỳ và nhận các góp ý, sinh viên mới được tiếp tục công việc để hoàn thành luận án và bảo vệ. Mỗi một luận án tiến sỹ sẽ có ít nhất ba chương, tương đương với ba bài báo. Trong ba bài báo này, bắt buộc phải có một chương là đơn tác giả, nghĩa là sinh viên là người duy nhất thực hiện công việc nghiên cứu bài báo đó. Các bài báo khác sinh viên có thể phát triển cùng với các tác giả khác. Tuy vậy, trong trường hợp mà một bài báo có nhiều tác giả quá thì bắt buộc sinh viên phải có thêm bài báo khác để chứng tỏ đóng góp của mình. Ở Nauy, sinh viên được phép nộp luận án tiến sỹ mà không cần phải có sự cho phép của giáo sư hướng dẫn. Nhưng thường, giáo sư sẽ đề nghị là liệu rằng luận án có đủ chất lượng để nộp hay không.

Sinh viên nộp luận văn bằng cách gửi một email kèm bản mềm bằng tập tin pdf, xác nhận đủ số tín chỉ đã yêu cầu, và kèm với một đơn yêu cầu đánh giá luận văn. Hội đồng phản biện thường sẽ đánh giá luận văn trong 3 tháng trước khi gửi thông báo rằng luận văn có đủ chất lượng để tiến hành một buổi phản biện, bảo vệ luận án công khai hay không.

Hội đồng phản biện luận án tiến sỹ này gồm ba người. Người đầu tiên, và là chủ tọa hội đồng phản biện, là một giáo sư thành viên của khoa, nhưng không phải là giáo sư hướng dẫn. Thành viên này thường là giáo sư của khoa đã tham dự buổi bảo vệ luận án giữa kỳ. Thành viên thứ hai là một giáo sư của một trường đại học khác, thường là ở Nauy, và thành viên này cũng thường là người đã tham gia trong buổi bảo vệ luận án giữa kỳ. Thành viên thứ ba bắt buộc là một giáo sư ở ngoài trường, và thường là ở nước khác, bên ngoài Nauy. Các giáo sư bên ngoài trường được chọn vào hội đồng phản biện bắt buộc phải là những người không có mối quan hệ hợp tác với giáo sư hướng dẫn nhằm tạo ra một sự khách quan trong đánh giá. Và thường, các giáo sư tham dự hội đồng là các chuyên gia quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu của luận án.

Việc quy định sự có mặt của một giáo sư ở một trường khác trong Nauy và một trường khác bên ngoài Nauy trong hội đồng phản biện có một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá luận văn cũng như giúp nâng cao được uy tín của trường. Nó giúp trường khẳng định chất lượng đào tạo với các trường khác trong Nauy và thế giới, khiến trường và các giáo sư nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu và đào tạo nhằm bắt kịp với thế giới.

Về phần sinh viên, việc có mặt của những giáo sư uy tín trong lĩnh vực tham dự hội đồng giúp nâng cao được giá trị của luận án và buộc sinh viên phải nỗ lực rất nhiều để có được những nghiên cứu nghiêm túc nhằm thuyết phục được những thành viên phản biện bên ngoài trường.

Cách quy định sự hiện diện của hai vị giáo sư bên ngoài trường trong hội đồng phản biện, mà một vị phải ở ngoài Nauy và thường là từ một trường đại học uy tín của thế giới, còn đem lại một kết quả quan trọng và then chốt nữa, đó là nó sẽ tự động giúp chấm dứt nạn đào tạo tiến sỹ kém chất lượng. Những luận án tiến sỹ thành công do đó phải là những luận án có trình độ ngang tầm với thế giới.

Trong ngày bảo vệ luận án tiến sỹ, người tổ chức và giới thiệu buổi lễ là chủ tịch chương trình tiến sỹ. Buổi sáng sinh viên sẽ trình bày một bài giảng cho đại chúng khoảng một tiếng về đề tài nghiên cứu của mình, và nghỉ ăn trưa. Buổi chiều, sinh viên sẽ trình bày vắn tắt lại chi tiết các chương trong luận án tiến sỹ của mình, trong khoảng 45 phút. Sau khi trình bày xong, hội đồng phản biện sẽ đặt câu hỏi cho sinh viên. Sau khi sinh viên trả lời hết các câu hỏi cho các thành viên hội đồng phản biện thì người chủ tọa buổi lễ sẽ hỏi công chúng ở dưới rằng có ai muốn đặt câu hỏi gì không. Nếu không có câu hỏi nào thì buổi phản biện kết thúc. Hội đồng phản biện sẽ họp kín trong vòng 10 phút để quyết định liệu có cho nghiên cứu sinh đậu bằng tiến sỹ hay không. Để đậu bằng tiến sỹ, tất cả ba giáo sư tham dự hội đồng phải đều đồng ý với quyết định.

Trong hoàn cảnh đột xuất khi mà vị giáo sư thành viên phản biện ở nước ngoài không thể có mặt ở Nauy để phản biện, việc phản biện có thể được thực hiện qua các phương tiện truyền thông khác chẳng hạn như Skype. Trong một buổi bảo vệ luận án tiến sỹ của một người bạn tôi, thành viên phản biện thuộc một trường đại học ở Hoa Kỳ không thể có mặt ở Nauy để tham dự buổi lễ, và thế là vị giáo sư ở Hoa Kỳ tham dự phản biện thông qua Skype và sau đó là trao đổi qua điện thoại.

Trong chương trình đào tạo tiến sỹ, các sinh viên được khuyến khích ra nước ngoài để học hỏi. Họ có thể tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc các chuyến viếng thăm và trao đổi nghiên cứu ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới kéo dài tới một năm. Thường sinh viên học các khóa học ngắn hạn ở các trường đại học hàng đầu châu Âu và đến nghiên cứu trao đổi ở các trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, quyền lợi của các nghiên cứu sinh thường được bảo vệ và tư vấn bởi hội đoàn nghiên cứu sinh.

***

Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu một quốc gia có trở nên thành công và thịnh vượng. Giáo dục chỉ thành công khi ở đó có tự do tư tưởng, trao đổi, nghiên cứu và giảng dạy. Trên nền tảng đó, với những quốc gia nơi mà nhân lực chất lượng cao còn thiếu, việc tập trung vào xây dựng những trường đại học nghiên cứu chất lượng cao ngang tầm thế giới đóng vai trò quyết định vào việc định hình sự phát triển của quốc gia. Những bài học trong các chính sách giáo dục ở các nước Bắc Âu, những nơi vốn thiếu thốn về nhân lực, để lại nhiều bài học quan trọng đáng để tham khảo cho các chính sách giáo dục của Việt Nam.

Theo Blog TS KT Nguyễn Huy Vũ 

Xem thêm: