Người dân Liên Xô dù đói khổ nhưng vẫn rất có khiếu hài hước. Không tin bạn hãy đọc những mẩu chuyện dưới đây: 

lien
Chuyện tiếu lâm Xô Viết, hài hước trong đói khổ.

1. Đi chợ

Một người đàn ông đi vào một cửa hàng. Anh ta hỏi người bán: “Cửa hàng này không có thịt à?” Người bán trả lời: “Không phải, chúng tôi không có cá. Cửa hàng không có thịt ở bên kia đường kìa”. 

2. Giai đoạn chuyển tiếp

Nguyên tắc của giai đoạn chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản là gì: Chính quyền giả vờ như đang trả lương, công nhân giả vờ như đang làm việc, nhân dân giả vờ như đang hạnh phúc, quốc gia giả vờ như đang chiến thắng mọi kẻ thù. 

3. Khẩu hiệu

Lenin nghĩ ra một khẩu hiệu mới về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ trở thành hiện thực nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp: “Chủ nghĩa Cộng sản sẽ đạt được bằng sức mạnh của Xô Viết cộng với việc điện hóa toàn bộ đất nước”. Người dân Liên Xô sau đó chỉnh lại như sau: “Sức mạnh Xô viết là Chủ nghĩa cộng sản mất điện, còn điện thì sẽ có được bằng chủ nghĩa cộng sản bỏ đi sức mạnh Xô Viết”.

Một khẩu hiệu khác trong thời đó là: “Con cháu chúng ta sẽ sống trong chủ nghĩa cộng sản!” Một anh bolshevik cảm thán với bạn: “Đúng vậy, bạn tôi à, chúng ta sẽ không sống đủ lâu để thấy chủ nghĩa cộng sản, nhưng con chúng ta, ôi những đứa con tội nghiệp của chúng ta!”

4. Nguyên tắc khi sống dưới thời Xô Viết dành cho giới trí thức:

  • Không nghĩ.
  • Nếu nghĩ thì đừng nói.
  • Nếu nghĩ và nói thì đừng viết
  • Nếu nghĩ, nói và viết thì đừng ký tên.
  • Nếu nghĩ, nói, viết và ký tên, thì đừng ngạc nhiên. 

5. Tự do ngôn luận

Một anh Mỹ nói với một anh Nga rằng ở Mỹ mới có tự do ngôn luận thực sự bởi vì anh ta có thể đứng trước Tòa Bạch Ốc mà hô lớn: “Đả đảo Reagan!” Người Nga nghe và bảo rằng anh Mỹ thật là thiếu hiểu biết vì ở đây ai cũng có thể chạy ra quảng trường Đỏ và hét lên: “Đả đảo Reagan!” mà không bị sao cả. 

6. Một chuyện thành công Xô Viết:

Một cuộc mít-tinh tại cơ sở Đảng Cộng sản khu vực được tổ chức để kỷ niệm Cuộc Cách Mạng Tháng 10 vĩ đại . Vị Chủ tịch phát biểu: “Kính thưa các đồng chí! Hãy nhìn vào các thành tựu tuyệt vời của Đảng ta sau cách mạng. Chẳng hạn, cô Maria đây, cô là ai trước khi cách mạng diễn ra? Một nông dân mù chữ; cô chẳng có gì ngoài một bộ quần áo và không có giày. Và giờ? Cô là một cô vắt sữa bò xuất sắc nổi tiếng khắp vùng. Hay hãy xem Ivan Andreev, ông từng là người nghèo nhất làng này; ông không có ngựa, không có bò hay thậm chí là một cái rìu bổ củi. Và giờ? Ông là một người lái xe kéo với 2 đôi giày. Hay Trofim Semenovich Alekseev đây – anh từng là một thằng du côn, nát rượu và bẩn thỉu. Không có ai tin tưởng anh ta, bởi anh ta sẽ ăn cắp tất cả mọi thứ rờ tay vào được. Và giờ? Anh ấy đang là Bí thư Đảng ủy của chúng ta!”

7. Trại lao động

Đài phát thanh Armenia được hỏi: “Có phải điều kiện trong trại lao động của chúng ta là rất tuyệt vời không?” Đài trả lời: “Đúng thế. 5 năm trước một thính giả của chúng tôi cũng đặt câu hỏi tương tự và được gửi tới một trại lao động để điều tra sự việc. Anh ấy vẫn chưa trở ra; chúng tôi được báo lại là vì anh ta thích ở đó hơn”. 

Một người mới đến trại được đưa vào hỏi: “Anh phải ở đây 10 năm vì tội gì?” – “Không gì cả!” – “Đừng nói dối chúng tôi, ở đây ai cũng biết ‘không gì cả’ chỉ bị 3 năm thôi”. 

Một người bị tuyên án 3 năm, ở trong trại 5 năm và sau đó may mắn được ra tù trước thời hạn. 

>> Mười chuyện tiếu lâm hay nhất thời Liên Xô do báo The Times (Anh) bình chọn

8. Hỏi đáp:

Hỏi: Ở chủ nghĩa cộng sản có còn KGB không?

Đáp: Như mọi người biết, dưới chủ nghĩa cộng sản, nhà nước sẽ bị xóa bỏ cùng với tất cả phương tiện đàn áp của nó. Người dân sẽ biết cách tự bắt chính mình. 

(Ghi chú: để hiểu rõ hơn về câu nói đùa này, bạn phải biết thêm về thời kỳ Cheka: ngoài các khoản thuế bắt buộc mà nông dân nào cũng phải nộp, một số nông dân có mùa màng bội thu hơn còn phải đóng góp một phần gọi là “thuế tự thu”, tức là “tự nguyện” nộp thêm một phần hoa lợi nữa; có khi còn phải nộp 2 lần “thuế tự thu” này.)

Hỏi: Làm thế nào xử lý lũ chuột ở Kremlin?

Đáp: Cho hết chúng vào “hợp tác xã”. Một nửa sẽ chết đói, nửa còn lại sẽ bỏ chạy.

Hỏi: Chuyện cổ tích tư bản và Marxist khác nhau như thế nào?

Đáp: Chuyện cổ tích tư bản bắt đầu với: “Ngày xửa ngày xưa, có một…”, còn cổ tích Mar-xít bắt đầu bằng: “Một ngày nào đó, sẽ có…”

Hỏi: Khác biệt giữa Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp Liên Xô là gì khi cả 2 đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận?

Đáp: Đúng, nhưng Hiến pháp Mỹ còn đảm bảo quyền tự do sau khi có ngôn luận. 

Hỏi: Có đúng là Liên Bang Xô Viết là quốc gia tiên tiến nhất thế giới không?

Đáp: Tất nhiên rồi! Ở đây, cuộc sống hôm qua đã tốt hơn ngày mai rồi.

Trọng Đức (dịch, biên tập)

Xem thêm: