Bên Mỹ, nhằm tìm kiếm hậu thuẫn, một số nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng chủ trương “nhà nước phúc lợi”, “tái phân phối của cải bằng quyền lực chính trị” mà đảng Dân chủ đưa ra là phù hợp với lời dạy của Chúa Jesus Christ trong Thánh Kinh. Một số ông nghị đảng Dân chủ, như ông Bernie Sanders, còn đặt dấu đồng nhất giữa “Dân chủ” với “chủ nghĩa xã hội”.

Tuy nhiên, L.W. Reed trong bài khảo cứu mang tựa đề “Hãy trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar” đã phản biện mọi nhận định này. Vấn đề không nằm ở tuyên ngôn (nghe bùi tai như “tái phân phối của cải”, “nhà nước phúc lợi”) để rồi vỗ tay, mà phải soi xét ở cách làm sẽ chỉ ra bản chất của tuyên ngôn! (tức là: nói vậy mà không phải vậy).

Thế nào là “Dân chủ” (được những người tương cận với Bernie Sanders đồng nhất với “chủ nghĩa xã hội”)? Đó là mô hình tập trung quyền lực (càng nhiều càng thuận lợi) vào tay nhà nước để tạo áp lực mạnh lên mọi người thực thi các chính sách kinh tế; là nhấn mạnh vào sở hữu công, và tái phân phối của cải. Mọi việc thực hiện được thông qua bởi ý chí của nhà nước, và đó chính là mô hình mà nhiều chính trị gia chuyên nghiệp của đảng Dân chủ hiện nay cổ vũ.

Vậy, Chúa Jesus có phải là một nhà “Dân chủ” không? Ngài có kêu gọi chính quyền tái phân phối thu nhập bằng cách cưỡng bách tư sản để giúp đỡ người nghèo không?

Trong cuốn Kinh tế học Kinh Thánh (Economics Biblical), tác giả R. C. Sproul lưu ý rằng Chúa Jesus “muốn người nghèo được giúp đỡ” nhưng không phải bằng sự cưỡng bách của chính phủ.

Hãy xem, điều răn thứ 7 nói gì? “Chớ lấy của người”! Rất cô đọng. Hoàn toàn không thêm vào những đoạn như: “Chớ lấy của người, ngoại trừ trường hợp kẻ khác có nhiều hơn ngươi“; hoặc thêm: “Chớ lấy của người, nhưng sẽ được phép nếu ngươi nhờ người khác (ở đây là nhờ những chính khách đảng Dân Chủ) làm thay ngươi”.

Khi người ta bị cám dỗ nhảy vào tái phân phối tài sản, điều răn thứ 10 trong Thánh Kinh sẽ dập tắt cái ý tưởng đó: “Chớ ham của người!”.

Nói cách khác, cái không thuộc về bạn, thì đừng rớ tay bạn vào.

“Dân chủ” viện dẫn rằng họ thực hiện theo dụ ngôn người Samari nhân hậu.

Trong Tin Mừng theo thánh Luca (10: 29-37) kể rằng: Người Samari nhìn thấy một nạn nhân bị kẻ cướp trấn lột và bị đánh cho nhừ tử đang nằm bất động trên đường. Người Samari không bỏ mặc cho kẻ lâm nguy, mà giúp đỡ nạn nhân kia bằng tất cả những gì mà người Samari có.

Người theo đường lối “Dân chủ” cổ vũ chương trình phúc lợi của nhà nước đối với việc tái phân phối. Cách nào đó thì người Samari nhân hậu có khác nào hình ảnh của “Dân chủ” đâu?

Khác. Hoàn toàn khác!

Bởi vì người Samari không nói với nạn nhân rằng, “Đi gặp nhân viên công tác xã hội để được giúp đỡ”, hoặc “Viết thư lên Hoàng đế mà kiện cáo”, rồi sau đó bỏ đi. Mà đây lại là, vâng, hành động quen thuộc của giới làm chính trị theo đường lối mật ngọt được gọi là “Dân chủ”.

Người Samari nếu hành động theo kiểu “Dân chủ”, ắt hẳn không còn được gọi là “người Samari nhân hậu” mà trở thành “người Samari vô tích sự”!

Dụ ngôn người Samari nhân hậu là minh chứng cho việc tự nguyện giúp đỡ người trong cơn nguy bách vì tình yêu và lòng trắc ẩn.

Quy tắc Vàng (Golden Rule) mà mọi người thường biết tới, được Chúa Jesus rao giảng trong Tin Mừng theo Thánh Matthew 7: 12, “Vậy, những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người ta”.

Nếu chúng ta không muốn tài sản của mình bị sung công (chẳng một ai muốn hết), thì chúng ta đừng nghĩ tới việc lấy tài sản của người khác để sung công.

Rất nhiều người mệnh danh “Dân chủ”, cấp tiến đến mức xã hội chủ nghĩa như ông nghị Bernie Sanders, lại không hề quảng đại vô ngã chút nào khi luôn luôn nói tới tái phân phối lợi tức. Bởi vì, trong thực tế, họ không muốn tái phân phối túi tiền của họ nhưng luôn đòi tái phân phối túi tiền của người khác.

Giáo lý Công giáo thường khuyên người ta hãy tránh xa sự tham lam, bởi vì thông thường mọi người để cho của cải chi phối phẩm cách của họ hơn là làm chủ của cải.

Rộng hơn là sự thận trọng trước mọi cám dỗ – xuất hiện trong nhiều hình thái, không chỉ riêng hình thái về sự giàu có vật chất.

Trong những lời giảng của Chúa Jesus và nhiều phần nơi Kinh Thánh, mọi người đều được khuyên rằng hãy làm cho “tâm hồn thêm cao đẹp,” để giúp đỡ người nghèo, bày tỏ lòng tử tế và duy trì phẩm chất tốt lành.

Ấy vậy mà những lời dạy của Chúa Jesus bị chuyển thành chủ trương “tái phân phối của cải” này kia, và Ngài bị gán nhãn hiệu “Dân chủ”.

Hạng người Pharisêu đạo đức giả, mị dân vẫn không ngừng xuất hiện, thao túng, dán nhãn khắp nơi ngay trong lòng thế giới hiện nay.

Chúa Jesus đến, để cứu rỗi thế giới, vượt lên trên mọi đảng phái thế tục.

Theo Facebook Nguyễn ChươngMt

Xem thêm: