Sáng nay, một bị cáo kêu oan đến gặp tôi nhờ giúp đỡ theo giới thiệu của một người bạn từ Văn phòng Chính phủ. Qua xem xét hồ sơ của bị cáo, mới thấy được nỗi khổ của những người bị buộc tội. Họ thật khó thoát ra được cái vòng “kim cô” mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã trót thắt buộc khiến người ta quyết tâm buộc tội đến cùng, nhằm rửa sạch trách nhiệm tư pháp của mình trước số phận của người dân kêu oan.

bs hoang cong luong
Ls Trần Hồng Phúc (trái) cùng bác sĩ Hoàng Công Lương trên các phiên tòa xét xử. (Ảnh: FB LS Trần Hồng Phúc)

Bị cáo làm giám đốc một doanh nghiệp, vay tiền của một số người để xây dựng nhà máy, hàng tháng vẫn trả lãi cho tiền vay gốc, đến khi công ty gặp khó khăn về nguồn vốn để tập trung cho sản xuất kinh doanh thì xin chậm trả lãi (tuy nhiên vẫn xác nhận tiền lãi phải thanh toán đến hạn vào kỳ thanh toán tiếp theo với người cho vay và các bên đều ghi nhận, ký kết đầy đủ), bị cáo có mâu thuẫn với một ngân hàng và đang đi kiện thì bất ngờ bị bắt. Vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam để điều tra ông giám đốc về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, qua xác minh, làm rõ trong tiến trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, thì những người bị hại đều xác định họ không hề tố cáo bị cáo, cơ quan điều tra đã mời họ lên để yêu cầu khai báo khoản vay mà họ đã cho doanh nghiệp của bị cáo vay tiền nhằm hưởng lãi, họ xác nhận công ty của bị cáo vẫn trả lãi đầy đủ, sau đó có chậm trả lãi thì họ đã đồng ý cho ra hạn, thể nên tại phiên tòa, họ đề nghị Hội đồng xét xử cho họ tự thỏa thuận với bị cáo về tiền vay và thời hạn thanh toán gốc, lãi, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thế là hết “thủ đoạn gian dối”, hết “chiếm đoạt tiền vay” để buộc về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khiến bị cáo được chọn tội mới – chuyển sang “Tội kinh doanh trái phép” với lý do bị cáo làm giấy tờ huy động tiền gửi có kỳ hạn, gốc, lãi… như giấy tờ của ngân hàng, công ty của bị cáo không có quyền huy động tiền của cá nhân, tổ chức… nên phạm vào “tội kinh doanh trái phép”. Bản án sơ thẩm áp dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo do sự thay đổi của chính sách pháp luật (BLHS 2015 đã xóa bỏ “Tội kinh doanh trái phép”)… Một cái kết lỡ làng cho các bên và cay đắng cho bị cáo!

Có luật nào cấm doanh nghiệp vay tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh không? Cứ việc tra cứu quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư và ngay chính quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp sẽ rõ. Trên thực tế, có biết bao nhiêu doanh nghiệp đang có giao dịch vay tiền, tài sản để kinh doanh?

Điều tôi muốn nói đến ở đây không chỉ là mất mát, khổ đau của bị cáo, gia đình bị cáo trong những tháng ngày bị tạm giam nơi tù ngục để phải đi tìm công lý mà còn là thiệt hại rất lớn từ sự tan vỡ của một doanh nghiệp, phá nát một nhà máy sản xuất đang trên đà kinh doanh phát triển, người lao động mất việc làm, xã hội mất nguồn lực phát triển kinh tế, các cổ đông mất trắng những thành quả đầu tư…

Chợt nhớ, đôi tuần trước, cũng có phóng viên gọi cho tôi hỏi có phải sẽ thay đổi tội danh cho bác sĩ Hoàng Công Lương sang “Tội vô ý làm chết người” không? Tôi không bất ngờ về câu hỏi này vì luật sư bào chữa chúng tôi đã có rất nhiều ngày tháng cùng ngồi lại để phân tích về việc người ta sẽ chọn tội gì để ép tội cho vị bác sĩ trẻ hiền lương trong vụ án. Sau khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra về “Tội vi pham quy định về chữa bệnh”, đã chuyển sang điều tra về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Lương thì không ngoài dự đoán của chúng tôi, thậm chí ngay cả việc chọn “Tội vô ý làm chết người” cũng là điều chúng tôi đã nghĩ đến và tranh luận rất nhiều với nhau và với các chuyên gia về tội phạm.

Dấu hiệu đặc trưng của “tội vô ý làm chết người” là lỗi vô ý. Bộ luật hình sự quy định vô ý phạm tội ở vào trường hợp: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hay Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước điều này.

Trong khoa học hình sự, có hai hình thức vô ý phạm tội: vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

+ Vô ý vì cẩu thả, nghĩa là do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

+ Vô ý vì quá tự tin, được hiểu là người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Kinh nghiệm tố tụng cho thấy, căn cứ để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội thường dựa vào hoàn cảnh thực tế sự việc xảy ra mà một người bình thường bất kỳ nào cũng có thể thấy trước, dĩ nhiên cũng cần xem xét thêm về độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, nghiệp vụ…

Đặt vào trường hợp của Hoàng Công Lương, bác sĩ nào có thể biết việc sửa chữa bảo trì hệ thống RO dùng cho chạy thận ngày hôm trước đã thao tác ra sao, sử dụng hóa chất gì để tẩy rửa và dẫn đến chết người? Ai có thể biết việc khởi động hệ thống RO, rửa máy, test máy an toàn vẫn có thể làm chết người? Ai có thể biết việc đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số đủ điều kiện chạy thận vẫn có thể làm chết người v.v…? Đó là chưa kể sự mâu thuẫn về hành vi khách quan của bác sĩ với hậu quả của vụ án khi buộc tội danh này vì mọi vấn đề chuyên môn liên quan đến trách nhiệm của bác sĩ đều đã được điều tra, xem xét và đình chỉ ở tội danh đặc thù của nghề y.

Thú thực, đến lúc này tôi không hiểu người ta sẽ nghĩ thêm về những tội danh gì nữa để chọn cho bác sĩ Lương, nhưng giả sử thông tin phóng viên hỏi tôi là sự thật thì càng chọn, càng thấy sự yếu kém về chuyên môn, sự xuống cấp về đạo đức của người tiến hành tố tụng.

Một vụ án oan không đơn thuần chỉ là nỗi khổ gây ra một con người bị buộc tội oan mà còn tạo ra hệ lụy chất chồng của nhiều vấn đề xã hội.

Chức năng nghề nghiệp cho người tiến hành tố tụng đặc quyền truy cứu, buộc tội nhưng đừng coi đó là một đặc ân mà là nghiệp báo. Làm đúng được gặp nghiệp lành, làm sai thì gặp nghiệp ác. Không ai muốn lịch sử gọi tên, không ai muốn lưu danh muôn đời tai tiếng…Thế nên, người ta có thể làm mất đi nhiều thứ, nhưng đừng đánh mất lương tri.

Đừng chọn tội tránh oan, đừng gây hoang mang tư pháp!

Theo Facebook Luật sư Trần Hồng Phúc

Xem thêm: