Tổng thống Nga Putin đang thúc đẩy thanh toán song phương không sử dụng đồng Đô la do bị Mỹ và phương Tây cấm vận quá ngặt nghèo. Nhưng đó là thanh toán qua ngân hàng. Khác xa với thanh toán tiền mặt ở biên giới Việt – Trung mà Thông tư số 19/2018TT-NHNN pháp định hóa. Hệ lụy của Thông tư số 19/2018TT-NHNN đang còn trùng điệp phía trước mà những người cho ra đời nó không thể tiên liệu hết.

nhan dan te
Đồng 100 nhân dân tệ. (Ảnh: Shutterstock)

Đúng một tuần, Thông tư số 19/2018TT-NHNN ngày 28/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có hiệu lực. Không phải gió Bấc mà cái rét ớn tủy xương của đồng Nhân dân tệ đang bắt đầu tràn qua biên giới.

Thông tư số 19/2018TT-NHNN cho phép bắt đầu từ ngày 12/10/2018 được thanh toán đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc, bằng tiền mặt hay qua ngân hàng, trong thương mại biên giới Việt – Trung. Dẫu rằng có điều kiện hạn chế, nhưng thực chất đây là quyết định mở một phần cánh cửa biên giới để đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thêm chiếc ô hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư số 19/2018TT-NHNN là hiện thực hóa điều 8 của Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung quốc ký ngày 12/9/2016 tại Bắc Kinh. Điều 8 quy định thanh toán bằng tiền Việt Nam, hay tiền Trung Quốc, hay ngoại tệ chuyển đổi cho thương mại biên giới Việt -Trung.

Những lý luận mong manh

Dẫu có người biện hộ rằng, Thông tư số 19/2018TT-NHNN “phù hợp với thực tiễn thanh toán thương mại biên giới Việt – Trung” và “đã có những quy định tương tự từ 24 năm trước đây như Thông tư số 06/TT-NH8 ngày 18/3/1994 cũng như Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 7/6/2004 của Ngân hàng Nhà nước”, nhưng trên thực tế về bản chất, Thông tư số 19/2018TT-NHNN phá bỏ vị thế duy nhất của Đồng tiền Việt Nam theo quy định của Hiến Pháp. “Phù hợp với thực tiễn thanh toán thương mại biên giới Việt – Trung” không có nghĩa là bắt Hiến pháp phải thay đổi theo thanh toán biên giới Việt – Trung.

Ở mặt khác, Thông tư số 19/2018TT-NHNN đã bỏ qua các nguyên tắc quản lý tài chính kinh điển của một quốc gia có chủ quyền, không tồn tại trong thực tiễn hoạt động tài chính của các quốc gia văn minh hiện đại.

Mặc dù Thông tư số 19/2018TT-NHNN đã đưa ra những điều kiện hạn chế, và rằng đồng Nhân dân tệ chỉ được lưu thông cho thương mại biên giới Việt -Trung, thì trên thực tế, trong trạng thái xã hội bây giờ, đồng Nhân dân tệ sẽ lưu thông từ Lạng Sơn qua Nha Trang cho đến Phú Quốc, trên khắp các tỉnh thành cả nước. Ở đâu người Trung Quốc đến, ở đó đồng Nhân dân tệ lưu hành.

Còn nữa là hai tự an ủi mong manh sau đây.

Một là, cho rằng Thông tư số 19/2018TT-NHNN y hệt như đã cho phép đồng Kip của Lào và đồng Riel của Campuchia đã được phép lưu thông ở biên giới.

Hai là, Thông tư số 19/2018TT-NHNN cho phép thương nhân Trung Quốc sử dụng tiền VN bình đẳng như phía Trung Quốc cho phép thương nhân VN sử dụng đồng Nhân dân tệ của TQ.

Biết rằng, trong quan hệ quốc tế tồn tại nguyên tắc “có đi có lại”. Cụ thể là “điều kiện cho anh như thế nào thì điều kiện cho tôi như thế đấy”. Về mặt ngôn từ và số học thì đây là điều kiện bình đẳng. Nhưng thực ra thì không hẳn như vậy.

Để dễ hiểu hơn, lấy thí dụ về giảm vũ khí hạt nhân. Nếu nước A có 10.000 đầu đạn hạt nhân và nước B có 5.000 đầu đạn hạn nhân với công suất mỗi đầu đạn hạt nhân như nhau. Áp dụng quan hệ “có đi có lại”, “điều kiện cho anh như thế nào thì điều kiện cho tôi như thế đấy”, mỗi nước cắt giảm đi 4.000 đầu đạt hạt nhân. Rõ ràng là sòng phẳng như nhau. Nhưng chắc chắn là nước B không đồng ý, vì đã ở thế bất lợi còn bị đẩy vào thế bất lợi hơn.

Tương tự như vậy là thí dụ về cho phép xe đi qua biên giới. Lượng xe của Trung Quốc ở Vân Nam và Quảng Tây nhiều gấp nhiều lần lượng xe của các tỉnh biên giới phía Việt Nam. Nên khi cho phép xe qua biên giới, một ngày có thể có 1.000 xe Trung Quốc, sang Việt Nam mà phía VN thì không có đến 100 xe qua Trung Quốc. Đó là chưa nói đến thay biển giả thì xe từ khắp Trung Quốc có thể dễ dàng qua biên giới Việt Nam.

Viện dẫn ra điều trên, để thấy được: Cho đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Kíp của Lào, đồng Riel của Campuchia lưu thông ở biên giới cùng một văn bản y hệt nhau mà thực tế lại không như nhau.

Cho thương nhân Việt Nam tiêu tiền Trung Quốc và thương nhân Trung Quốc, tiêu tiền Việt Nam y hệt điều kiện mà hóa ra lại không bình đẳng.

Không như nhau bởi vì đồng Nhân dân tệ khuynh đảo được thị trường Việt Nam mà Kip và Riel thì không có thể. Còn Việt Nam Đồng lại càng không thể “sủi bọt” ở thị trường Trung Quốc.

Không bình đẳng vì lượng hàng hóa của Trung Quốc bán sang Việt Nam thì nhiều vô kể mà lượng hàng hóa của Việt Nam bán sang Trung quốc lại nhỏ nhoi đến mức tủi lòng.

Vì thế, không chỉ không như nhau, không chỉ không bình đẳng, mà cho đồng Nhân dân tệ lưu thông trong bất cứ hạn chế nào trái với thông lệ quốc tế, là nguy hiểm cho Việt Nam. Dưới đây là 11 hệ lụy nguy hiểm của Thông tư số 19/2018TT-NHNN.

11 hệ lụy nguy hiểm của Thông tư số 19/2018/TT-NHNN

1. Tự nguyện từ bỏ lợi ích tài chính hợp pháp theo thông lệ quốc tế

Khi đi đến một quốc gia nào bạn chỉ có thể sử dụng được đồng tiền của quốc gia đó. Bạn buộc phải đổi tiền. Sang Thái Lan phải tiêu bằng đồng Bạt. Sang Singapore phải dùng đồng Đô la Singgapore. Đến Liên minh Châu Âu phải dùng đồng Euro…

Đến phải đổi tiền – mất phí chuyển đổi. Đi phải đổi tiền – lại mất phí chuyển đổi. Tối thiểu là hai lần mất phí chuyển đổi cho nước mình đến.

Một quốc gia có nhiều khách nước ngoài mua hàng hóa và đến du lịch hay công tác sẽ thu được một khoản lợi khổng lồ từ tác nghiệp chuyển đổi ngoại tệ.

Nay Thông tư số 19/2018TT-NHNN NHNN cho phép thương nhân biên giới, cả người VN lẫn TQ được thanh toán CNY trực tiếp mà không qua chuyển đổi sang tiền Việt Nam, tức là đã từ bỏ lợi ích chuyển đổi ngoại tệ hợp pháp mà tất cả các nước đều thực thi, một quyết định mang lại tổn thất tài chính không nhỏ cho Việt Nam. Nhớ rằng hàng hóa TQ xuất sang VN lớn hơn nhiều so với hàng hóa VN xuất sang TQ. Cho nên thương nhân TQ có được lợi thế nhiều hơn thương nhân VN.

Như vậy, Thông tư số 19/2018TT-NHNN thêm một lần nữa minh chứng sự tùy tiện lạc lõng của Việt Nam trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đừng viện vào những nước nghèo ở châu Phi. Mà hãy học theo các nước phát triển.

2. Thúc đẩy buôn lậu

Nếu trước đây, mọi tác nghiệp mua bán phải thanh toán qua ngân hàng, thì Thông tư số 19/2018TT-NHNN sẽ góp phần hợp pháp hóa hàng buôn lậu. Vì tất cả các hàng hóa buôn lậu sẽ được trả tiền trực tiếp tay đôi giữa hai bên mua bán, mà không qua ngân hàng, không phải lo tìm cách cách đổi và chuyển tiền lậu qua biên giới.

Có người phản bác rằng, theo quy định của Thông tư số 19/2018TT-NHNN thì chỉ được giữ đồng CNY trong 7 ngày là phải nộp vào ngân hàng. Chưa có Thông tư số 19/2018TT-NHNN mà đồng CNY đã nghênh ngang trên thị trường, huống chi là cho phép mang công khai đồng CNY trong 7 ngày. Sau 7 ngày không nộp, trong 7 ngày làm được những thương vụ gì ?– hãy tự đi buôn, hay hỏi thương nhân thì khắc biết.

Lại lập luận rằng cầm đồng CNY là chỉ có thương nhân pháp nhân Việt Nam ở biên giới được phép. Người Trung Quốc có thể trở thành thương nhân pháp nhân Việt Nam ở biên giới không? Hằng hà sa số!

Sau Thông tư số 19/2018TT-NHNN, hàng hóa Trung Quốc buôn lậu sang Việt Nam sẽ tăng lên và đạt những con số còn khủng khiếp hơn. Nhất là trong bối cảnh Mỹ đánh thuế gắt gao lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải đẩy hàng hóa sang các thị trường khác. Thông tư số 19/2018TT-NHNN là một thang thuốc chống lưng cho Trung Quốc cầm cự với Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

3. Tổn thất về thu thuế

Không chỉ mất phí chuyển đổi ngoại tệ trong giao dịch thương mại, Chính phủ Việt Nam còn mất một khoản thu lớn nữa do không thể đánh thuế lên hàng hóa buôn lậu. Mà khối lượng này sẽ mỗi ngày một tăng, đạt con số nhiều tỷ USD hàng năm. Chính phủ đang thiếu tiền, mà lại chủ động từ bỏ nguồn thu thuế chính đáng này để tận thu ở những khoản khó khăn khác. Quả là đường quang không đi lại quàng vào bụi rậm. 

4. Không kiểm soát được thị trường hàng hóa

Công dân Liên minh châu Âu đến Thụy Sĩ không cần Visa và ngược lại. Lưu thông giữa Thụy sĩ và Liên minh châu Âu không khác gì một khối thống nhất. Vậy mà đồng Euro phải chuyển đổi sang đồng Franc Thụy Sĩ nếu muốn tiêu ở Thụy Sĩ. Vì thế Thụy Sĩ kiểm soát hoàn toàn nguồn hàng hóa bán ra mua vào trên lãnh thổ của mình qua đồng Franc Thụy Sĩ.

Nay người Trung quốc sang Việt Nam tiêu tiền Trung Quốc thì Bộ Công Thương không kiểm soát được thị trường. Kéo theo Chính phủ Việt Nam không thể kiểm soát được nguồn hàng hóa mua vào bán ra. Còn Tổng cục thống kê không thể đưa ra số liệu sát thực về tổng sản phẩm xã hội.

5. Mất quyền kiểm soát và điều hành thị trường tài chính

Cùng với mất quyền kiểm soát hàng hóa là mất quyền kiểm soát tài chính. Bộ Tài chính sẽ không kiểm soát được dòng tiền. Nguy hiểm hơn, Thông tư số 19/2018TT-NHNN đã tự nguyện san sẻ quyền điều hành nguồn tài chính cho Trung Quốc.

6. Trở thành thị trường thuộc địa của Trung Quốc

Nếu trước đây, hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập Việt Nam, nhưng giao dịch chính thức vẫn bằng đồng tiền Việt Nam thì Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền thị trường của mình.

Ba nhân tố cơ bản để hình thành nên thị trường là con người, hàng hóa và tiền tệ. Trung Quốc đã có hàng hóa và con người tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều Trung Quốc đang thiếu là tiêu đồng Nhân dân tệ hợp pháp tại Việt Nam.

Nay với Thông tư số 19/2018TT-NHNN thì tiền Trung Quốc được giao dịch tại thị trường biên giới Việt Nam. Từ đây, về mặt pháp ly, lý luận và thực tế, một phần lãnh thổ Việt Nam đã trở thành thị trường của Trung Quốc.

Như vậy Thông tư số 19/2018TT-NHNN là phép mở rộng biên giới thị trường Trung Quốc sang lãnh thổ Việt Nam. Trên cùng một thị trường cùng có hai đồng tiền của hai quốc gia được lưu thông, thì một trong hai sẽ là thị trường thuộc địa. Nghĩa là, một phần lãnh thổ Việt Nam, nơi đồng Nhân dân tệ được hợp pháp lưu thông, đã trở thành thị trường thuộc địa của Trung Quốc.

Đừng bào chữa bằng thị trường Đô La chợ đen. Một đằng là hợp pháp. Một đằng là bất hợp pháp.

7. Tiếp tay cho tham nhũng

Những người quyết định ra đời Thông tư số 19/2018TT-NHNN, cho phép đồng Nhân dân tệ lưu thông tự do hợp pháp tại khu vực biên giới Việt – Trung, có thể đã không dự liệu được một hậu quả nguy hại khác, đó là tiếp tay cho tham nhũng phát triển.

Ai cũng biết doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu là nhờ vào hối lộ. Không chỉ ở Việt Nam mà khắp mọi nơi trên thế giới. Như tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã lưu ý, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng lại quả tối thiểu là 30% “tiền tươi”. Đó là trong thời kỳ đồng tiền phải chuyển qua ngân hàng, mọi giao dịch bị kiểm soát trên bảng thanh quyết toán. Việc rút tiền mặt hối lộ phải biến hình qua nhiều công đoạn tinh vi, để tránh sự phát hiện của chế tài chống tham nhũng.

Nay đồng Nhân dân tệ lưu thông và chuyển đổi tự do hợp pháp trên thị trường biên giới Việt Nam thì các doanh nghiệp Trung Quốc tha hồ đút lót mà không sợ bị phát hiện, không phải vất vả thu xếp nguồn tiền. Một cách vô tình, Thông tư số 19/2018TT-NHNN đã trở thành vũ khí tiếp tay cho tham nhũng.

8. Giúp cho Trung Quốc thâu tóm các dự án kinh tế

Xa hơn, Thông tư số 19/2018TT-NHNN là phương tiện giúp cho Trung Quốc thắng thầu các dự án kinh tế trọng điểm, thao túng đấu thầu cổ phiếu để sở hữu các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong tiến trình cổ phần hóa. Nguy hiểm nữa là tăng cơ hội giúp cho Trung Quốc thâu tóm đất đai.

9. Thao túng tiền tệ và đe dọa phá giá tiền Việt Nam

Những điều nêu trên chưa phải là tất cả. Một ‘bí kíp” trong “liên hoàn cước” hạ đo ván Việt Nam của Trung Quốc đang được cất giấu. Đó là khi Trung Quốc nhờ Thông tư 19/2018TT-NHNN mà dự trữ được một lượng lớn tiền Việt Nam ngoài ngân hàng, và một lượng khổng lồ đồng Nhân dân tệ trên thị trường Việt Nam, ngoài tầm kiểm soát của NHNN Việt Nam, thì một phép chuyển đổi tiền tệ của Trung Quốc sẽ là “cú đấm thôi sơn” lên nền tài chính “hom hem” của Việt Nam, làm đồng tiền Việt Nam mất giá theo ý muốn của Trung Quốc.

10. Ảnh hưởng đến quyền kiểm soát nền kinh tế của Chính phủ

Khi mà Bộ Tài chính không kiểm soát được thị trường tài chính, khi mà Bộ Công Thương không kiểm soát được thị trường hàng hóa, khi mà Tổng cục thống kê không có số liệu chính xác về tổng sản phẩm xã hội, thì thử hỏi Chính phủ có kiểm soát được nền kinh tế quốc dân không? Đó là chưa nói đến các bất lực khác đã đề cập ở trên: bị thâu tóm các dự án kinh tế, bị thao túng đấu thầu cổ phần hóa, bị đe dọa phá giá đồng tiền Việt Nam ngoài ý muốn của Chính phủ.

11. Đe dọa an toàn xã hội và an ninh quốc gia

Còn nữa là những cú đâm lén. Cứ nghĩ đến đặc khu Vân Đồn và quyết định của NHNN Việt Nam cho lưu thông đồng Nhân dân tệ trong thương mại biên giới Việt – Trung mà rùng mình.

Rồi đây các băng nhóm tội phạm chạy từ Trung Quốc sang, cùng với hoạt động của xã hội đen, sẽ đem đến bất an cho toàn xã hội.

Rồi đây thương nhân Trung Quốc sẽ thêm phương tiện để tung hoành mà phá hoại nền kinh tế Việt Nam.

Không cần dùng đến hình thức bình phong “Vải thưa che mắt thánh” kiểu Vũ Nhôm, Cơ quan tình báo Trung Quốc tha hồ mà múa võ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trên đây là 11 hệ lụy nguy hại mà Thông tư số 19/2018TT-NHNN sẽ mang đến cho Việt Nam. Còn những nguy hại khác nữa chưa thể kê khai đầy đủ ở đây. Điều mà người dân lo lắng cuối cùng, chính là an nguy của Tổ Quốc. Do đó không thể không đặt vấn đề tại sao lại xuất hiện Thông tư số 19/2018TT-NHNN vào lúc này, và làm thế nào để giảm thiểu tai họa của nó. 

Ai khát khao hiệp định thương mại biên giới?

Theo báo cáo gần nhất của Bộ tài chính, từ 2013 đến hết quý I/2018 Việt Nam xuất sang Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD và mua của Trung Quốc 250 tỷ USD. Mỗi năm thâm hụt trung bình 25 tỷ USD. Đó là chưa kể hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập lậu mỗi năm qua biên giới từ Trung Quốc mà Bộ Tài chính không có số liệu.

Dẫn ra điều trên để khẳng định rằng, Trung Quốc khát khao Hiệp định thương mại biên giới hơn Việt Nam nhiều lần. Và chính Trung Quốc đã hối thúc để sớm ra đời Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước.

Câu hỏi là tại sao lại là lúc này?

Không biết Trung Quốc đã ban hành quyết định cho lưu thông đồng tiền Việt Nam trên lãnh thổ Trung Quốc hay chưa, nhưng nhiều người Việt Nam bất ngờ về thời điểm ra đời Thông tư số 19/2018TT-NHNN của NHNN Việt Nam.

Một cách ngẫu nhiên, Thông tư số 19/2018TT-NHNN ngày 28/8/2018, được ban ra ngay trước ngày 2/9 (Quốc khánh của Việt Nam) và có hiệu lực vào ngày 12/10 (cách 12 ngày sau Quốc khánh Trung Quốc). Tại sao lãnh đạo của NHNN Việt Nam không thể chờ được ít tuần nữa?

Không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc hối thúc Việt Nam triển khai điều 8 Hiệp định thương mại biên giới càng sớm càng có lợi cho Trung Quốc. Nhưng sức nóng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung buộc Trung Quốc phải nhanh chóng mở rộng thị trường, bù vào sự thâm hụt của thị trường Mỹ. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến Trung Quốc gia tăng áp lực để điều 8 của Hiệp định thương mại biên giới phải thực thi sớm hơn dự định của đối tác Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã gián tiếp ép “đẻ non” Thông tư số 19/2018TT-NHNN.

Quyết định ấy có sáng suốt không? Trong suốt mấy chục năm tồn tại, NHNN Việt Nam đã có những quyết định sai lầm, gây ra nhiều tổn thất cho nền tài chính nước nhà. Điển hình nóng hổi là những quyết định về thành lập và sát nhập ngân hàng từ sau năm 2000 đến nay, đã làm điêu đứng nền tài chính Việt Nam, mà hậu quả là một loạt các vụ án lớn về ngân hàng đang phải xét xử. Nhưng hậu quả của các quyết định đó không thể so với hệ lụy của Thông tư số 19/2018TT-NHNN.

Cần phải chỉ thẳng ra rằng các Thống đốc NHNN Việt Nam không đủ giỏi để bỡn cợt với tài chính mà đi ngược với thông lệ quốc tế. Và cũng chưa đủ già giặn để hiểu hết Trung Quốc.

Trung Quốc đang dùng kế sách “Một vành đai một con đường để thâu tóm thế giới”. Thủ tướng Malaysia Mahathir gọi đó là Chính sách Thực dân mới. Còn Việt Nam thì đã bị Trung Quốc giăng lưới “Liên hoàn kế” bao vây nhừ nát khắp mọi nơi rồi. Nay lại tự mình chui dần vào rọ thì không ai có thể cứu giúp được.

Có cách nào để thay đổi không? “Quay đầu lại là bờ”. Đừng nghĩ rằng các điều trên là phóng đại, là hoang tưởng. Cũng không phải do thế lực thù địch xúi giục để phá hoại tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Càng không phải “tự diễn biến” để chống phá Nhà nước.

Như con gà xù lông trước vòng lượn của con diều hâu trên trời cao, như con bò lồng lên trước một trận động đất sắp xảy ra, lòng yêu nước của nhân dân là cảm ứng kế biến thiên trước sự xuất hiện mọi đe dọa an ninh nước nhà. Không phải cảnh giác, mà không thể ngủ được khi Tổ Quốc bị đe dọa.

Theo Facebook TS Nguyễn Ngọc Chu

(*) Bản đăng có chỉnh sửa so với nguyên gốc.

Xem thêm: