Quan sát những bước đi trong chính sách của Trung Quốc (TQ), nhiều người sẽ tự hỏi rằng TQ sẽ thực hiện những bước tiếp theo nào và đâu là mục đích cuối cùng.

Bài dưới đây trình bày về chiến lược TQ đang thực hiện, có tên gọi là Chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường”. Sự quan trọng của chiến lược nằm ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trên tất cả các phương diện từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, và ngoại giao. Và do đó, sự hiểu biết một cách rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam là một điều cần thiết. Nó cần thiết không chỉ ở làm sao giữ được một Việt Nam độc lập, bình đẳng, và hòa bình bên cạnh TQ, mà còn ở làm sao Việt Nam có lợi trong một mối quan hệ với TQ, vì dù muốn dù không Việt Nam không thể tự mình cô lập với TQ.

mot vanh dai mot con duong
Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn hình: Xinhua Finance Agency, 2015).

Năm 2013 Trung Quốc phát động chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường – One Belt, One Road (OBOR))” trong nỗ lực vươn lên trở thành một lãnh đạo khu vực châu Á và một cường quốc thế giới.

Chiến lược OBOR hay còn được gọi là “Con Đường Tơ Lụa Mới” là một chiến lược kinh tế và chính trị gồm có hai phần: Một Vành Đai (One Belt) và Một Con Đường (One Road).

Một Vành Đai chỉ “Vành đai Tơ lụa Kinh tế” bắt nguồn từ Tây An băng qua các thành phố lớn gồm Almaty, Bishkek, Samarkand, Tehran, Istanbul, Moscow và Rotterdam trước khi kết thúc ở Venice. Kế hoạch là xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, và hệ thống ống dẫn dầu khí xuyên Trung Á đến châu Âu.

Một Con Đường chỉ “Con đường Tơ lụa Hàng hải Thế kỉ 21″, bắt nguồn từ Phúc Châu (Fuzhou), kết nối các thành phố ven biển từ Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur, Kolkata, Nairobi, trước khi kết nối với “Vành đai Tơ lụa Kinh tế” ở Venice. Để chuẩn bị cho việc hình thành «Con đường Tơ lụa Hàng hải», kế hoạch sẽ là xây dựng các hải cảng và các cơ sở hậu cần đường thủy từ Thái Bình Dương sang biển Baltic. Mà ở Việt Nam đó sẽ là việc xây dựng hệ thống đường cao tốc nối các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với Hà Nội và các hải cảng phía Bắc, đồng thời nâng cấp hoặc xây mới các hải cảng ở vùng này.

Qui mô của chiến lược được dự đoán ảnh hưởng trực tiếp đến 65 nước và 4,4 tỷ người, nối kết một khu vực địa lý tạo ra 55% tổng sản lượng toàn thế giới, đại diện cho 70% dân số toàn cầu, và chiếm xấp xỉ 75% tổng lượng năng lượng dự trữ đã biết. Dự án dự tính cần khoảng 30 đến 35 năm để hoàn thành.

 

Mục tiêu 

OBOR có sáu mục tiêu chính ở tầm mức thế giới và nội địa.

Trước hết, chiến lược là một phương cách nhằm đối phó với các nỗ lực của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các đối tác trong việc hình thành nên các hiệp định thương mại nhằm gạt TQ ra khỏi các mạng lưới liên kết đối tác. Cụ thể là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Nếu cả hai hiệp định này được thông qua thì khi đó hàng hóa có giá trị thấp của các nước châu Á sẽ thay thế hàng TQ trong mạng lưới các nước đối tác, trong khi hàng hóa công nghệ cao của Nhật và các nước châu Âu sẽ cạnh tranh hơn hẳn hàng hóa chất lượng cao của TQ. TQ do đó sẽ bị cô lập về kinh tế. Chiến lược OBOR, bằng cách thắt chặt nền kinh tế TQ với nền kinh tế các quốc gia trong mạng lưới OBOR, sẽ khiến các quốc gia khác chia sẻ một định mệnh kinh tế với mình.

Ở khía cạnh thứ hai, chiến lược như là một cố gắng của TQ trong việc kéo các nước châu Á tích hợp và phụ thuộc vào TQ và nền kinh tế của mình nhằm tạo ra một hệ thống quyền lực mới ở Châu Á đặt trọng tâm tại Bắc Kinh như là một cách để đối đầu và làm thất bại chiến lược xoay trục về châu Á của Hoa Kỳ. Đó là một nỗ lực của TQ nhằm gửi ra một thông điệp đến Hoa Kỳ rằng châu Á là của mình.

Một mục đích thứ ba của chiến lược đó là dùng các tiếp cận kinh tế từ hỗ trợ, đầu tư trực tiếp, cho đến xuất khẩu các chính sách phát triển quốc gia đến các nước châu Á trong khu vực như là một cách nhằm giải tỏa đi các tranh chấp biên giới và hàng hải. Các quốc gia có tranh chấp với TQ gồm Ấn Độ với tranh chấp đường biên giới, Việt Nam và Philippines với các tranh chấp về hải đảo. Bằng cách đưa “củ cà rốt” về lợi ích kinh tế tới các đối tác tranh chấp, TQ muốn họ đồng ý trong những đòi hỏi chủ quyền của mình.

Ở mục đích thứ tư, chiến lược, bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, tận dụng các hiệp định sẵn có và gỡ bỏ đi các rào cản thuế quan, cho phép nền kinh tế TQ tích hợp sâu hơn vào các nền kinh tế năng động khác. Nhờ đó giúp cho nền kinh tế TQ tăng xuất khẩu, giải quyết được khả năng sản xuất vốn đã bị dư thừa, và làm chậm lại quá trình đi xuống của nền kinh tế trong khi TQ đang cố gắng cải tổ nền kinh tế từ sản xuất để xuất khẩu sang tăng tiêu dùng nội địa.

Ở mục tiêu thứ năm, chiến lược cũng là một phương thức nhằm cải thiện hố ngăn cách về xã hội và kinh tế giữa các tỉnh duyên hải và nội địa của TQ. Các hành lang của chiến lược OBOR bắt đất từ các tỉnh nội địa trung tâm và phía Tây của TQ. Các kết nối hạ tầng của chiến lược giúp kết nối các tỉnh nội địa trung tâm và phía Tây, nơi vốn có mức lương thấp, với các thị trường mới ở nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy một sự dịch chuyển các ngành kinh tế ở các tỉnh duyên hải ngược lên các tỉnh này. Bên cạnh đó, theo mô hình kinh tế đàn sếu bay, sự dịch chuyển đến lượt nó thúc đẩy các kết nối kinh tế mạnh mẽ hơn giữa duyên hải và nội địa, đồng thời tạo đà cho các sự phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn ở các tỉnh duyên hải.

Và cuối cùng, chiến lược đóng vai trò như một cách để giải quyết các thách thức về an ninh ở biên giới phía Tây và các vấn đề về an ninh năng lượng. Việc tích hợp về kinh tế của các tỉnh phía Tây Trung Quốc với hệ thống các chuỗi giá trị của thế giới thông qua các liên kết thương mại với các đối tác láng giềng giúp tăng cường khả năng chống khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo trong khu vực, đặc biệt là vùng Tân Cương.

Phương thức thực hiện

Để đạt được ba mục tiêu như vậy, chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường” dựa trên ba trụ cột chính. Đầu tiên, chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các kênh giao dịch thương mại mới.

Thứ hai, chiến lược nhằm tạo ra một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa TQ, các quốc gia và vùng miền khác thông qua các mạng lưới đối tác toàn cầu, mà một trong các phương thức đó là thúc đẩy nhiều hơn các thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ, tạo ra các liên kết hợp tác thông qua các tổ chức đa phương mà TQ nắm quyền chi phối như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB), Ngân hàng Đầu tư mới (New Development Bank), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation), và ASEAN+1.

Và thứ ba, chiến lược tập trung vào châu Á như một phần của chính sách ngoại giao láng giềng mới. Bằng cách xây dựng lại mối quan hệ chặt chẽ hơn về kinh tế với các vùng miền dọc theo Con đường Tơ lụa Mới, Bắc Kinh đang cố gắng thắt chặt sự thịnh vượng của khu vực vào mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giúp hình thành nên một đế quốc kinh tế có trung tâm đặt tại TQ.

Để thực hiện các dự án này, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, TQ dựa phần lớn vào vai trò của các tập đoàn nhà nước. Để hỗ trợ tài chính cho các dự án, ngoài việc hợp tác với các chính phủ liên quan, các dự án còn có sự hỗ trợ nguồn lực tài chính thông qua ba tổ chức chính là quĩ Silk Road Fund với 40 tỷ đô la Mỹ, Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank — AIIB) với 100 tỷ đô la Mỹ, và Ngân hàng Đầu tư mới (New Development Bank) với 50 tỷ đô la Mỹ.

Nói một cách ngắn gọn, chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường” vừa nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế trong nước của TQ, vừa thiết lập một hệ thống kinh tế mới nơi TQ đứng giữa chi phối các nền kinh tế của các quốc gia xoay quanh, khiến họ phụ thuộc vào nền kinh tế TQ, vừa để tránh việc Trung Quốc bị cô lập trên trường thương mại thế giới, và cuối cùng, một hệ thống như vậy còn giúp TQ tranh thủ ảnh hưởng để thực hiện các chính sách khác từ chính trị đến ngoại giao như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay kiến tạo các quan hệ đồng minh.

Tham khảo thêm:

  • “One Belt, One Road (OBOR): China’s regional integration initiative”, Gisela Grieger, European Parliamentary Research Service, July 2016.
  • “One Belt, One Road”: China’s Great Leap Outward, Godement, F., and Kratz A., (eds.), European Council on Foreign Relations (ECFR), June 2015.
  • “China’s Silk Road Strategy”, Chi Lo, The International Economy, Fall 2015.

Theo Blog TS Nguyễn Huy Vũ

Xem thêm: