Lần nào về Đà Lạt, mấy anh chị em nhà tôi cũng đến uống cà phê ông Tường. Không thể gọi là quán vì chỉ có mấy cái bàn, bếp lửa ấm chén với ba dãy ghế thấp dài chừng một mét. Cà phê cũng không có gì đặc sắc mà sao hấp dẫn vậy.

14853266_10154772595486122_4269507841126108438_o
Ảnh: “cộng đồng” cà phê quán ông Tường.

Ông Tường, chủ quán là một người đàn ông có tuổi, nét mặt gầy gò chằng chịt nếp gấp thời gian mà nụ cười rất trẻ, tương phản với giọng nói, cách thăm hỏi thì trầm ấm, nghiêm nghị, không quá vồn vã mà vẫn không giấu sự quan tâm mong chờ. Lâu dữ mới lên, mọi người mới nhắc anh chị hôm qua.

À, có lẽ thu hút nhất là …tất cả không gian nhỏ ấy và cả mọi người, những người đàn ông mặc đồ vét, áo len, áo gió màu tối xúm quanh mấy cái bàn thấp, mà tất cả đều là người thân của nhau, chuyện trò ở đâu ra mà nói hoài không hết, đủ đề tài thế thái nhân tình, chuyện con nít đi thi, người già sắp chết, chuyện đất bị ăn, rừng bị nuốt…Có xe ôm, taxi, có cán bộ nội chính về hưu, có doanh nhân lỡ thời, có ông thầy giáo dạy võ hiền khô mãi chưa lấy vợ…

Mỗi người không ngồi quá lâu vì gần 7g sáng là ông Tường phải trả góc phố lại cho một ông thợ sửa đồng hồ, trừ phi hôm nào có những ông khách quá “già chiện” thì ông sửa đổng hồ vui vẻ chờ. Họ chia nhau góc phố mà sống thuận hòa mấy chục năm qua. Ông Tường là lính VNCH, sau 75 đi học tập ngắn, về bôn ba một thời gian rồi chọn góc phố nhỏ này, nuôi hai đứa con, đứa con trai giờ đã có vườn cà phê, con gái tốt nghiệp đại học đã đi làm (mà có lẽ không muốn “sống nhờ” con nên ông vẫn tiếp tục “sự nghiệp” quán cà phê này?).

Nhiều lần tôi tự hỏi, điều gì cứ khiến tôi, mới hơn 5g sáng, trời Đà Lat có khi mưa cả đêm lạnh buốt cũng lục đục dậy, khăn áo chỉnh tề ra trình diện ông Tường và mấy ông bạn già góc phố ? Có vẻ là do cảm xúc nhớ nhung cái ấm áp thân tình bền lâu mà mình trân trọng, gìn giữ ? Sáng nay, xong cử cà phê, ông Tường “thối lại” 2.000 bạc lẽ và mời mai trở lại. Tôi cầm tờ 2.000 cũ mèm, ngần ngừ, không dám biếu ông luôn chỉ hẹn sáng mai.

Không có thói lờ tiến phải trả lại như mấy anh taxi, cũng không có thói mắng mỏ sỗ sáng như mấy bà bún mắng cháo chửi, người Đà Lạt “gốc” nhẹ nhàng chân tình vậy. Bán cái cảm xúc, lòng quý trọng, ông Tường chắc chẳng biết mình đã bán gì ngoài cà phê, càng không phải cao cường về marketing như hệ thống bán lẽ Aeon Mall của người Nhật khiến người tiêu dùng Việt mê vì biết bán cái cảm xúc tinh tế hơn là hàng hóa.

Những người bán hàng hay bán dịch vụ của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh giữ khách bằng cái “chất” căn cơ của mình: sự chân thành, tận tụy, tự trọng và hiếu khách. Cứ đúng “chất” đã rồi nâng dần bản lĩnh marketing lên, thay cho lắm chiêu dụ, lừa, chụp giựt, đá đểu…