(Ảnh: baogiaothong.vn)
(Ảnh: baogiaothong.vn)

Sáng nay, cả nước cùng nhìn về Quảng Trị. Có gì ở đó? Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. 

Cái tên thì hội nghị và dài ngoằng ngoẵng như thế, nhưng ngư dân bốn tỉnh miền trung chỉ muốn hỏi một lời. Cá biển đánh về, đã ăn được hay chưa? Và như thường lệ, câu trả lời tạm thời là: Chúng tôi chưa có câu trả lời.
Trong các sự cố liên quan tới môi trường, thiên tai, thảm họa, cả thế giới đều đồng ý rằng, người nghèo, người ở những vùng khó khăn luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Miền Trung đòn gánh hai đầu, nghèo, và khó khăn thế nào, chắc chả cần phải thêm vài chữ để diễn tả nữa. Ngư dân, khổ sở thế nào trước bão gió thiên tai, trước sự suy kiệt nguồn lợi, sự bấp bênh dâu bể, cũng là chuyện cũ. Trong sự cố môi trường lần này, tới nay đã tròn 4 tháng, cái mà họ ngóng đợi, chỉ là một câu hỏi, cá – sản phẩm mang lại gạo, muối, sách vở cho con cái họ có thể đến trường vào tháng tới, đã ăn được hay chưa? Tức là những thứ họ mang về có bán được hay không.

Nước của các bãi tắm có thể nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Rạn san hô và sinh thực vật biển có thể đang phục hồi. Nhưng với các ngư dân, điều đó có ý nghĩa gì? Vả lại, không ai đi biển để tắm mà không ăn. Không lẽ họ lại phải mang cơm hộp, mì tôm đi du lịch biển.

Không thể trách các nhà Khoa học về Môi trường, Khoa học luôn luôn đòi hỏi sự thận trọng và sự thận trọng, thì đòi hỏi thời gian. Mỗi một cuộc kiểm nghiệm muốn có độ tin cậy cao thì ngoài việc lấy mẫu, số lượng và quy trình lấy, bảo quản mẫu, cho đến sự hiện đại của phòng thí nghiệm và sự thông thái về giả thuyết. Tất cả đều đòi hỏi phải có thời gian. Không ai làm khoa học bằng cảm quan theo cách gắp con cá mú lên chụp hình và nói, cá miền trung là rất an toàn!

Vì khoa học cần thời gian, còn người Ngư dân thì cần sống, nên mới phải có các chính sách hỗ trợ hợp lý. Một câu nói của vị đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết rằng kết quả các mẫu lấy từ tháng 6 lại đây các chất ô nhiễm giảm dần là một câu nói khoa học và thận trọng. Nhưng sự thận trọng đó trong bàn hội nghị, sẽ được dịch ra tương đương với những con thuyền trên bãi, tấm lưới trong vườn và ngư dân với những món nợ cứ tăng dần theo thời gian vì sinh kế đã teo tóp nay càng vô vọng.

Một câu hỏi dễ trả lời hơn trong cuộc họp sáng nay, đó là Độc chất trong biển đã đi đâu. Những người có một chút kiến thức về môi trường sẽ trả lời được luôn đó là khả năng tự phục hồi của biển. Tất nhiên cơ chế phục hồi như thế nào, thì cần phải có một đại dương kiến thức về đại dương. Một hướng trả lời nữa, là chất thải đã khuếch tán… khuêch tán trong nước, cũng có nghĩa là có khả năng khuếch vào bụng của một số loài hải sản mà ngư dân có thể đánh bắt về.

Là một phóng viên làm báo đã gần hai mươi năm, mỗi lần có dịp về các làng biển Miền Trung, nhìn những phiên chợ hải sản đầu sáng, cuối chiều bán vài thứ lèo tèo ngao vẹm, tôm cua, tôi đều thấy xấu hổ vì những cuộc kêu gọi mà mình đã tham gia để ngư dân bám biển. Họ bám gì, vào mớ tôm, mớ cá chợ chiều đó. Và hôm nay, sau 4 tháng vào cuộc quyết liệt của các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các nhà quản lý đầu ngành ở các bộ thiết yếu … ngư dân vẫn hiện ra nguyên vẹn là những người phải chịu ghánh nặng quá sức nhiều lần cho sự cố môi trường Biển miền trung.