Ngày 7/5, Bs Hoàng Công Lương sẽ bị TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra xét xử với cáo buộc “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mức án dành cho Bs Lương từ 7 – 12 năm tù.

Cùng chung tội danh với Bs Lương còn có Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư – BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh).

bs hoang cong luong
Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn đang làm nhiệm vụ thăm khám, cấp cứu bệnh nhân trong thời gian chờ ra Toà. Ảnh: BS Lương (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện. (Ảnh: FB Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu)

Tóm tắt sự việc

– Ngày 20/4/2017, hệ thống máy chạy thận nhân tạo bị hỏng, Bs Lương cùng ông Sơn ký tờ trình xin sửa.

– Tháng 5/2017, Bệnh viện ký hợp đồng sửa chữa với Công ty Thiên Sơn. Sau đó Thiên Sơn ký chuyển nhượng hợp đồng cho Công ty Trâm Anh.

– Cuối tháng 5/2017, ông Quốc sửa máy và để tồn dư hóa chất trong các cột lọc máu.

– Ngày 29/5/2017, Bs Lương nghe báo lại đã sửa xong máy, có biên bản bàn giao, nên ra y lệnh chạy thận nhân tạo. Đến 8 giờ 20 phút, tất cả 18 bệnh nhân có biểu hiện bất thường. Bs Lương cùng đồng nghiệp đã nhận ra có vấn đề nghiêm trọng, họ cho dừng lọc máu và lao vào cứu bệnh nhân ngay lập tức. Cả hệ thống y tế vào cuộc, nhưng các chuyên gia hàng đầu đã bất lực, họ không thể đảo ngược sự tàn phá, 8 bệnh nhân đã chết.

– Ngày 22/6, Bs Lương bị khởi tố và bắt tạm giam.

– Ngày 5/7/2017, VKSND tỉnh Hòa Bình ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho phép Bs Lương tại ngoại.

Căn cứ buộc tội

Cơ quan điều tra và VKS lập luận: Bs Lương chủ quan không kiểm tra lại hệ thống máy, không xác minh lại thông tin, không báo cáo với trưởng khoa.

Trong thực tế, chương trình đào tạo y khoa trên toàn thế giới, không ở đâu dạy bác sĩ kiểm tra hóa chất tồn dư trong các cột lọc máu. Vì thế mà Bs Lương không thể làm được công việc mà bản thân anh không biết.

Nếu Bs Lương xác nhận lại thông tin, rồi thông báo với trưởng khoa. Sau đó trưởng khoa thông báo với giám đốc bệnh viện, thì giám đốc bệnh viện cũng chỉ biết lệnh cho Bs Lương chạy thận chứ không thể kiểm định. Nghĩa là sẽ có thêm ông trưởng khoa và ông giám đốc phải đứng trước vành móng ngựa vì cái lý do này?!

Bởi vậy, những căn cứ mà cơ quan điều tra và VKS lập luận để buộc tội Bs Lương, nó không thể làm thay đổi bản chất vụ án. Ngược lại, mối quan hệ nhân quả đã được xác định rõ, nguyên nhân gây nên cái chết cho 8 bệnh nhân chính là hóa chất tồn dư trong cột lọc, người gây ra nó là bị cáo Quốc và Sơn.

Việc truy tố Bs Lương với tội danh “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” rõ ràng là không thỏa đáng, Bs Lương không phạm tội trong trường hợp này.

Điều gì sẽ xảy ra khi BS Lương phải đi tù?

Có một vấn đề trở thành văn hóa cốt lõi trong câu hỏi này.

Đó là sự quan tâm của toàn xã hội. Đặc biệt là sự quan tâm của tất cả những người làm trong ngành y, họ đều lên tiếng phản đối, bởi điều đó không chỉ xâm phạm đến quyền tự do của 1 con người, mà là quyền tự do của toàn xã hội, quyền an toàn của bác sĩ và bệnh nhân.

Với cá nhân Bs Lương, 13 ngày trong trại tạm giam và 1 năm trời sống và làm việc với danh nghĩa một bị can, nó đủ làm cho anh hoảng sợ. Trước ngày bị đưa ra xét xử, Bs Lương đã phải viết một bức tâm thư trong nước mắt, gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước như một lời kêu cứu.

VKS đã truy tố Bs Lương chỉ vì trông anh có những hành vi giống như phạm tội.

bs hoang cong luong
BS Lương trong một lần thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: FB Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu)

Nếu bị kết án, thì trong 7 – 12 năm tù, Bs Lương không chỉ đau khổ về tinh thần và thể xác, mà anh sẽ phải đối diện với việc mất niềm tin của vợ con và gia đình, phá hủy mọi thứ mà anh từng yêu thương ấp ủ.

Cuộc sống của Bs Lương và những người liên quan sẽ như thế nào sau 7 – 12 năm được mãn hạn? Chắc chắn Bs Lương sẽ bị nghiền nát, vì kiến thức chuyên môn rơi rụng hết, anh sẽ mất việc làm, mất cơ hội hồi sinh, không còn được đồng nghiệp công nhận, không có sự ngưỡng mộ của bệnh nhân như anh đã từng gây dựng.

Với toàn xã hội sẽ là thất bại khi đưa một bác sĩ vô tội vào tù.

Bởi lẽ, một khi tòa án sẵn sàng xuống tay với một bác sĩ không có tội, thì đó sẽ là mối đe dọa cho tất cả những người đang sống dưới quyền phán quyết của tòa án ấy. Cảnh sát, công tố viên, thẩm phán; họ là đại diện của xã hội. Sẽ không chỉ bác sĩ, mà mọi công dân đều trở nên run rẩy trước họ.

Đại thi hào Goethe đã khẳng định, tội lỗi không bao giờ được phép tha bổng, nhưng sự bất công khi kết án một người vô tội sẽ là nguyên nhân gây ra rối loạn.

Tự do là quyền cơ bản nhất của con người

Luật gia nổi tiếng người Anh William Blackstone đã từng viết: “Thà bỏ sót 10 người phạm tội còn hơn để một người vô tội phải chịu án oan.

Đây là nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nhiều quốc gia. Tỷ lệ 10/1 đã trở thành công thức Blackstone nổi tiếng mà bất cứ ai làm về luật cũng phải thuộc lòng.

Công thức Blackstone có nguồn gốc từ sách Sáng thế ký và sách Xuất hành. Trong vụ án thành Sodom, tất cả những cư dân đã bị giết chết, nhưng Đức Chúa Trời không cho phép trừng phạt những người vô tội, nên Ngài đã cứu thoát 4 thành viên trong một gia đình.

BS Hoang Cong Luong
“Thà bỏ sót 10 người phạm tội còn hơn để một người vô tội phải chịu án oan.” – William Blackstone (1765). (Hình ảnh dẫn qua en.wikiquote.org)

Triết gia Aristotle cho rằng: “Bỏ sót một tên tội phạm là cực kì nguy hiểm, nhưng sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều khi kết án một người không có tội”.

Hoàng đế La Mã được phong thánh Trajan cũng quan niệm, không thể quy tội cho một con người chỉ vì nghi ngờ là họ có tội, thay vì trừng phạt khi chưa có bằng chứng chắc chắn thì hãy tha cho họ.

Thế kỉ thứ X, luật gia người Tây Ban Nha Moses Maimonides khi diễn giải những điều Chúa răn dạy, ông đưa ra quan điểm rất cụ thể “Thà bỏ sót một tên tội phạm còn hơn giết chết một con người bị oan”. Bắt đầu từ đây, tỷ lệ 1:1 được chú ý và đa số đều cho rằng nó phải tăng lên, như “một vài”, thậm chí là 100, 1000, hay nhiều hơn nữa.

Công thức Blackstone với tính khoa học và vẻ đẹp nhân văn của nó, đã trở thành bất tử với rất nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, nó thể hiện giữa quyền tự do cá nhân và xã hội.

Một quốc gia văn minh, pháp luật sẽ quan tâm tới quyền tự do của một cá nhân nhiều hơn là lợi ích của xã hội. Ai đó bị kết án trong khi họ không phạm tội, nghĩa là tòa án đã đánh cắp tự do và cuộc sống của một một con người không có tội lỗi, sẽ đẩy những người liên quan vào một sống khó khăn, đe dọa sự an toàn của cả cộng đồng.

Vụ án Bs Lương cũng vậy.

Tôi rất thông cảm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, bởi những người gây ra 8 cái chết của bệnh nhân là hết sức nguy hiểm, đó là một tình huống khó khăn từ bước điều tra cho đến khi kết án.

Nhưng tại sao chúng ta lại bỏ tù một bác sĩ vô tội, nếu chỉ để giảm bớt nỗi đau cho gia đình các nạn nhân, hay để thỏa mãn tư tưởng trả thù của một số ít người nào đó nhằm vào hệ thống y tế?

Tôi cho rằng, việc kết tội Bs Lương chính là đi ngược lại công thức Blackstone. Nghĩa là chúng ta thà kết án nhầm 10 người vô tội còn hơn để 1 tên tội phạm trắng án. Điều đó vô hình trung sẽ đẩy hệ thống pháp luật vi phạm phải lỗi “thiếu tinh thần trách nhiệm” và chắc chắn sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tôi không muốn nhìn thấy Bs Lương phải đứng chờ công lý ở phía trước bức tường của nhà tù.

Theo Facebook Bác sĩ Trần Văn Phúc

Xem thêm: