Nhiều luật sư và những người công tác trong hệ thống lập pháp, tư pháp Việt Nam đã phân tích rất nhiều điều trong vụ án thảm họa lọc thận Hòa Bình, làm 9 bệnh nhân tử vong.

Điểm chung của các phân tích này cho thấy, hoàn toàn không có cơ sở để kết tội BS Hoàng Công Lương, cho dù đứng dưới bất kì góc độ pháp lý hay cảm tính nào. Vậy thì, tại sao vụ án có thể nói là khá đơn giản và rõ ràng này lại cứ tiếp tục làm tốn nhiều giấy mực đến như vậy?

bs hoang cong luong
Các gia đình bị hại động viên BS Hoàng Công Lương tại phiên tòa ngày 28/5/2018. (Ảnh: FB Luong Hoang)

Năng lực hay nguyên nhân nào khác?

Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Hòa bình đã 3 lần thay đổi tội danh của BS Hoàng Công Lương, từ tội “Vi phạm quy định khám chữa bệnh”, sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, và bây giờ là tội “Vô ý làm chết người”.

Lý do nào mà một vụ án, không có tình tiết nào thay đổi trong quá trình điều tra, lại dẫn đến thay đổi tội danh của một bị cáo đến 3 lần? Ông Đinh Văn Quế Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC, đã đặt vấn đề: Nhưng nếu các tình tiết của vụ án không có tình tiết nào thay đổi, mà Cơ quan cảnh sát điều tra thay đổi tội danh thì ít nhiều cũng phải đặt ra dấu hỏi về sự “bình thường hay không” về năng lực của cán bộ điều tra.

Nếu năng lực của các CQĐT và VKSND Hòa Bình không đủ để điều tra một vụ án khá đơn giản như vụ này, thì họ có nên tiếp tục điều tra, giữ quyền công tố đối với vụ án này hay không? Điều buồn cười là đối với cả 3 tội danh mà CQĐT và VKSND Hòa Bình gán cho BS Hoàng Công Lương, thì theo tất cả các luật sư, đều không có cơ sở hợp lý, dù xét về mặt chủ thể hay khách thể, chủ quan hay khách quan.

Nhưng có lẽ không đơn giản là năng lực. Trong khi CQĐT và VKSND Hòa Bình lúng túng, thay đổi tội danh của BS Hoàng Công Lương đến 3 lần, thì chính họ lại từ chối sự trợ giúp của các chuyên gia trong các ngành chuyên môn liên quan. Điều này cho thấy, đây là sự cố ý.

Họ có động cơ để cố ý hành động như vậy hay không? Có đấy. Việc họ cố tình không truy tố ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện (thời điểm xảy ra thảm họa), và ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn, cho thấy họ có động cơ trong việc tìm mọi cách kết tội BS Hoàng Công Lương.

Đấy là chưa kể, trong vụ án lần trước, việc cố tình sửa chữa hồ sơ sau khi sự việc xảy ra, để hướng hồ sơ đến các chứng cứ giả nhằm kết tội BS Hoàng Công Lương được các nhân chứng khai ra tại Tòa. Nhưng điều này đã bị cả Tòa án, CQĐT và VKSND Hòa Bình lờ đi khi điều tra bổ sung. Rõ ràng là CQĐT và VKSND Hòa Bình đã cố gắng làm giảm mức độ phạm tội của ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn.

Điều này cũng dễ hiểu. Nếu kết luận BS Hoàng Công Lương có tội, dù cố ý hay vô ý, trong việc để xảy ra thảm họa lọc thận Hòa Bình, thì các ông Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn sẽ được nhẹ tội hơn. Dễ hiểu hơn nữa, khi hai ông này quản lí toàn bộ số tiền lọc thận mang lại, dù nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí lọc thận ở Bạch Mai, nhưng vẫn không đủ tiền trả lương cho các bác sĩ trực tiếp lọc thận.

Nếu BS Hoàng Công Lương bị kết tội, hệ quả gì sẽ xảy ra?

Trong quá trình làm việc, BS Hoàng Công Lương đã thực hiện đúng mọi quy trình làm việc liên quan đến lọc thận của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. BS Hoàng Công Lương hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong việc nguồn nước RO bị nhiễm độc.

Việc sử dụng nước RO do hệ thống được quản lý bởi phòng Vật tư Y tế của bệnh viện để lọc thận cũng giống như việc dùng thuốc do khoa Dược cung cấp để chữa bệnh. Việc bảo đảm nguồn gốc, chất lượng thuốc, cũng như chất lượng nước, là do khoa Dược, hoặc Phòng Vật tư Y tế. Bác sĩ, Điều dưỡng chỉ chịu trách nhiệm khi có những thay đổi có thể nhận thức dễ dàng bằng cảm quan, như đổi màu, đổi mùi, rách nát, vón cục, có cặn…

BS Lương và các nhân viên của đơn nguyên Thận nhân tạo đã làm cái việc kiểm tra ấy, bằng việc xem xét cái đồng hồ đo độ pH nước RO. Việc đồng hồ lắp đặt sai vị trí, hoặc thiếu đồng hồ, thuộc trách nhiệm của các ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn.

Như vậy, nếu BS Hoàng Công Lương bị kết tội, dù là “Vi phạm quy định khám chữa bệnh”, hay “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc “Vô ý làm chết người”, thì có nghĩa là, cho dù nhân viên y tế có làm đúng tất cả mọi quy định, vẫn phải bị kết tội do lỗi của người khác.

Tất nhiên, nhân viên y tế sẽ không ngu để trở thành kẻ đổ vỏ cho người khác. Họ sẽ có nhiều lí do để từ chối chữa bệnh. Và bệnh nhân, nhân dân sẽ là người nhận lãnh hậu quả. Hãy đừng ai đòi hỏi y đức ở nhân viên y tế. Y đức như BS Lương là cùng chứ gì, khi cả 9 gia đình nạn nhân của thảm họa lọc thận Hòa Bình đều đứng ra bảo vệ cho anh ấy.

“Năng lực bất thường”, hay những điều “bất thường” đang diễn ra một cách rất bình thường ở CQĐT và VKSND Hòa Bình đang trực tiếp thách thức y đức của cả hệ thống y tế nước nhà.

Theo Facebook BS Võ Xuân Sơn

Xem thêm: