“Xã hội văn minh là xã hội không áp đặt suy nghĩ, chính kiến, sở thích của mình cho người khác, cái gì mình thấy đúng, thấy hay, thấy ngon, thậm chí thấy tuyệt vời không có nghĩa là những người khác cũng thấy như vậy.”

pexels-photo-27891

Năm 2006 tôi mua chiếc xe Lexus, dòng LS460L, chiếc BMW 318i cũ đi từ năm 2000 chuyển cho con gái.

Đa số mọi người đều thích xe sang bởi vừa đẹp, vừa tiện nghi, vừa sang trọng, nhưng nhà tôi thì gặp rắc rối: Cậu con trai 9 tuổi thì nằng nặc đòi đi xe cũ vì “đi xe này có nhiều chú cứ chạy xe máy bên cạnh nhìn chằm chằm, con ngại lắm”, còn vợ thì cứ chê xe kín, ngột ngạt, dễ say xe.

Thấy xe BMW đã cũ, tôi định bán, mua cho con gái xe mới, con gái nói không cần. Từ đấy đến nay nhiều lần tôi nói đổi xe mới đi, nhưng con gái vẫn nhất quyết không đổi, nói xe đi vẫn tốt, đến nay vẫn đi xe cũ, mặc dù xe đã sử dụng 16 năm.

Thời tôi đi bộ đội, tôi cũng bị say xe, đi xe khách, xe con đều say cả, nên tôi chỉ thích đi xe tải không mui, ngồi trên thùng chở hàng của xe thấy sảng khoái khi gió thổi tung mái tóc, tự do hít thở khí trời.

Quanh chuyện chiếc xe đã thấy mỗi người mỗi ý thích, không thể áp đặt, quan niệm, suy nghĩ của mình cho bất cứ ai. Đối với nhà sản xuất xe và đa số mọi người trong xã hội thì xe hạng sang luxury, vừa đẹp, lịch lãm, sang trọng, tiện nghi, nhưng với tôi thời đi bộ đội thì xe số 1 là xe tải thùng để trần, vợ tôi thì xe luxury lại ngột ngạt, dễ say, cậu con trai thì đi xe luxury chỉ gặp phiền phức, cô con gái thì đi xe cũ rích thuận tiện hơn đi xe mới.

Trong một bữa tiệc sang trọng tại gia, chủ nhà mang ra một chai rượu và giới thiệu là chai rượu 100 năm do một bà chủ người Pháp của một hãng rượu nổi tiếng thế giới tặng. Biết chai rượu cực quí (không có giá trên thị trường, giá chai rượu chỉ 60 năm thôi thì giá đã lên đến cỡ 50.000 USD) nên tôi đề xuất với chủ nhà một thí nghiệm: chọn 10 người biết uống rượu nhắm mắt lại và lần lượt rót 2 ly, một ly rượu 100 năm và một ly rượu 21 năm, mỗi người lần lượt uống cả 2 ly, kết quả số người đoán đúng chỉ 50%. Tức ít nhất 50% số người dự tiệc thấy rượu 100 năm không ngon hơn rượu 21 năm, mặc dù giá có thể gấp nhau hàng trăm lần.

Từ chuyện chiếc xe luxury và chai rượu 100 năm, chúng ta càng thấu hiểu: không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác; mình nghĩ thế này là đúng, là hay, là chân lý, nhưng đối với người khác chưa chắc đã hay, chưa chắc đã đúng. Mình uống rượu, bia thấy thích, nhưng với một số người thì rượu, bia là một thứ uống rất khó chịu. Mình ăn món này thấy ngon tuyệt trần, nhưng đối với người khác có khi là rất dở. Tôi không ăn được hành, tỏi và sợ mùi cà ri, nên tôi rất ngại đi ăn cỗ, bởi nhỡ may ngồi cùng người lạ, gặp người “lịch sự” cứ tự động gắp món ăn cho mình, mà phần lớn trúng món mình không ăn được. Tôi không thích thú đi ăn tiệc, bởi mọi người hay ép nhau nâng cốc 100%, không chỉ một lần mà hết lần này qua lần khác. Gần đây xã hội cởi mở hơn nên tôi cương quyết không uống rượu, đã vài lần ngồi cùng bàn với bộ trưởng một bộ, cả dàn bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch một tỉnh tôi cũng xin phép chỉ cụng ly xã giao mà cương quyết không uống dù chỉ một giọt.

Xã hội văn minh là xã hội không áp đặt suy nghĩ, chính kiến, sở thích của mình cho người khác, cái gì mình thấy đúng, thấy hay, thấy ngon, thậm chí thấy tuyệt vời không có nghĩa là những người khác cũng thấy như vậy.