Dưới đây là bài viết của blogger Hàn Băng phân tích về cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela theo quan điểm cá nhân của tác giả, được giản lược nhưng vẫn giữ nguyên ý chính:

Vài ngày trước, tôi đã ăn tối với một vài người từng là nhà đầu tư ở Venezuela, cảm giác chung của mọi người đều giống như mới trải qua một cơn ác mộng. Năm 2010, tỷ lệ quy đổi giá trị đồng tiền Bolivar của Venezuela so với đồng USD là 8:1, đến năm 2013 là 30:1 và đến nay là 10.000:1. Tiền tệ của Venezuela đã trở thành một cơn ác mộng đối với người dân quốc gia này…

800x 1

Bolivar giảm giá trị đến mức đáng ngạc nhiên trong những năm qua. Năm 2013, 20 USD đổi được 629 bolivar, song đến năm 2014, 20 USD đổi được hơn gấp đôi con số trên là 1.521 bolivar. Năm 2015, 20 USD ngang giá 13.648 bolivar và năm 2016, 20 USD tương đương 20.216 bolivar. Ở thời điểm ngày 27/7 vừa qua, 20 USD đổi được đến 195.755 bolivar.

Trên thực tế, nhiều người Venezuela phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tháng 10/2016, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo lạm phát tại Venezuela trong năm 2017 sẽ tăng lên đến 1.642%. Và đúng là “không phụ dự đoán này”, kinh tế Venezuela suy sụp đến không ngờ, chẳng mấy chốc đã “cán mốc” lạm phát mà IMF đưa ra. Không chỉ nghèo đói cùng cực, người dân Venezuela hiện còn đang phải chịu cảnh hỗn loạn do những biến động về chính trị trong nước.

Cơ sở kinh tế của Venezuela tương đối đơn giản, chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ. Phụ thuộc vào dầu mỏ cơ bản không phải là vấn đề gì nghiêm trọng, bởi có rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ trên thế giới hiện rất giàu có, hơn nữa trữ lượng dầu mỏ của Venezuela rất lớn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2013 đã công bố rằng trữ lượng dầu mỏ của Venezuela lớn nhất thế giới. Nhưng đầu tư dầu mỏ của Venezuela không tăng trưởng năng suất cũng không tăng. Điều này là bởi nguyên nhân gì?

Chính vì bản thân Venezuela không có tiền đầu tư, nên các nước khác cũng không dám đầu tư vào Venezuela. Kể từ khi ông Hugo Chavez trở thành Tổng thống Venezuela năm 1999, đã đưa ra chính sách xóa bỏ sở hữu kinh tế tư nhân, và quốc hữu hóa hầu hết các doanh nghiệp tư doanh và gia tăng khống chế đối với hoạt động khai thác dầu mỏ cũng như đầu tư của các quốc gia khác. Hàng loạt công ty dầu mỏ của Mỹ đã bị ép phải rút lui khỏi thị trường Venezuela. Một ví dụ không thể bỏ qua, chính là Chính phủ Venezuela tìm đủ mọi cách để chiếm hữu hãng dầu khổng lồ Exxon Mobil trị giá 12 tỷ USD của Mỹ tại địa phương, tiến hành quốc hữu hóa, sau đó ra phán quyết bồi thường cho Exxon Mobil chỉ có 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Ủy ban trọng tài của Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm số tiền này xuống còn 188 triệu USD và trả làm nhiều lần.

Rõ ràng, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào mà bị chính phủ Venezuela lấy danh nghĩa quốc hữu hóa cướp trắng tiền. Với tập đoàn của Mỹ, một cường quốc mà Venezuela còn đối xử như vậy, thì thử hỏi với các quốc gia khác kết quả sẽ ra sao, hoàn toàn có thể tưởng tượng được. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc tín dụng nhà nước bị mất đi, không còn quốc gia nào dám đầu tư vào Venezuela nữa, cũng chính vì vậy mà sản lượng khai thác không thể tăng lên được. Từ khi tiến hành phong trào quốc hữu hóa, chỉ trừ một số người Trung Quốc dám đầu tư tiền vào Venezuela, rất ít các nước khác dám đầu tư hay cho “đế chế dầu mỏ” này vay tiền.

Đầu tư không tăng lên, thì sản lượng dầu tất yếu cũng sẽ không tăng. Thực tế, không lâu sau khi Venezuela tiến hành quốc hữu hóa, sản lượng dầu đã bắt đầu giảm đi. Sau khi ông Maduro lên làm Tổng thống, cho dù không được kế thừa uy quyền của Tổng thống Chavez, nhưng lại kế thừa tính độc đoán chuyên quyền của người tiền nhiệm, dẫn đến đầu tư bên ngoài giảm thiểu càng nhanh hơn, và sản lượng dầu cũng giảm đến chóng mặt.

Không chỉ sản lượng dầu thô giảm, mà do thiếu vốn đầu tư, nên công suất của các nhà máy lọc dầu Venezuela cũng suy giảm nghiêm trọng. Theo thông báo mới nhất của Bloomberg, công suất hoạt động ở nhà máy lọc dầu Venezuela chỉ còn 15%.

Do 95% nguồn thu ngoại hối đến từ dầu mỏ, nên sự suy giảm của giá dầu liên tục thời gian qua đã khiến cho ngoại hối của Venezuela ngày càng suy giảm, nền kinh tế cũng ngày một suy yếu và bất ổn hơn, tình hình đất nước cũng hỗn loạn hơn. Thực tế,  nếu như không phải tại Venezuela luôn náo loạn đòi nâng giá dầu, thì giá dầu có thể đã tăng lên. Tổng thống Mỹ Donald Trump rất ghét chính quyền Venezuela, điều này cũng không khó hiểu, bởi nhiều công ty của Mỹ đã bị cướp phá tại Venezuela.

Ngày 26/7 vừa qua, chính phủ Mỹ đã tuyên bố áp dụng biện pháp trừng phạt 13 quan chức cấp cao Venezuela. Nếu như Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt thêm nữa về lĩnh vực kinh tế, thì việc xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sẽ càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí không giữ vững được tình thế như hiện nay. Giả sử, Mỹ trực tiếp tuyên bố trừng phạt các công ty dầu mỏ của Venezuela, cấm tham gia giao dịch với các ngân hàng cũng như công ty của Mỹ, thì hoạt động kinh doanh dầu mỏ vốn đang “thoi thóp” của Venezuela sẽ còn bị hủy diệt hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc các món nợ của Venezuela sẽ không thể hoàn trả được.

Do thiếu vốn chính phủ Venezuela tuyệt vọng mà không ngừng phát hành thêm tiền tệ. Nhằm che đậy lượng tiền tệ phát hành, Venezuela đã không công bố dữ liệu lạm phát suốt cả năm. Nhưng bất ngờ là ngày 24/3 năm nay, Venezuela công bố rằng số tiền mà quốc gia này phát hành đã tăng 202,9% so với năm ngoái.

Những nhà đầu tư người Trung Quốc từng rót vốn vào Venezuela, ai cũng đều coi như đổ tiền vào sông vào bể, giấc mơ tỷ phú dầu mỏ tan thành mây khói. Nguyên nhân thực sự hết sức đơn giản, chính là đồng tiền Bolivar mất giá quá nhanh. Một nhà đầu tư đã phải nhận định: “Venezuela có một giai đoạn khởi sắc hơn lên đôi chút, người nào thông minh thì liền tháo chạy, nếu chưa rót tiền vào thì lập tức dừng lại mà chạy cho nhanh, đầu tư nữa thì sau này có muốn chạy cũng khó, vì tiền càng mất giá lại càng không cam tâm, lại gắng gượng, nhưng thực tế là tiền chỉ có mất giá càng lúc càng lớn, sau cùng thì không thay đổi được gì nữa, tiền đầu tư cũng sẽ mất hết…”

Blog Hàn Băng

Xem thêm: