Trong dịp tết Đoan Ngọ truyền thống tại Trung Quốc, Reuters đã phơi bày một thông tin độc quyền: Lầu Năm Góc sắp định tính 20 doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm cả Huawei là doanh nghiệp “do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát”, bước tiếp theo nữa là thực thi chế tài công nghệ, thương mại, tài chính với các công ty này. 

Bài viết của Nhị Đại Gia thể hiện quan điểm và lập trường riêng của cá nhân tác giả.

huawei
Ảnh từ Shutterstock

Các doanh nghiệp trong danh sách này, ngoài Huawei, đều là những tuyển thủ đầu bảng: Hikvision, China Mobile, China Telecom, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc, Tập đoàn điện tử Panda, v.v, bao phủ nhiều doanh nghiệp cỡ lớn trong nhiều lĩnh vực và đều là các công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.  

Thông tin này của Reuters không phải là tin vỉa hè, mà đã được nguồn tin từ quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chứng thực, đồng thời cho biết văn kiện đã được trình lên Quốc hội Mỹ. 

Mỹ chế tài Huawei đã có thời gian tương đối dài, lần này có thêm nhiều doanh nghiệp cỡ lớn cùng bị nhận định là “doanh nghiệp quân đội sở hữu hoặc kiểm soát”, Mỹ muốn chơi thế nào đây?

Cần chú ý rằng lần này là Bộ Quốc phòng Mỹ trình báo cáo liên quan chứ không phải là Bộ Thương mại. Năm 1999, Quốc hội mỹ đã đặc biệt thông qua một đạo luật, trao quyền cho Bộ Quốc phòng biên chế danh sách công ty của quân đội nước đối địch “sở hữu hoặc kiểm soát” – dù những công ty này hoạt động trong bất cứ lĩnh vực gì, ngay cả không liên quan đến quân sự, chỉ cần nhận định rằng sự thật là có quân đội đứng sau, thì Tổng thống có thể tuyên bố quốc gia bước vào trạng thái khẩn cấp, cần dùng biện pháp cần thiết để chế tài các công ty liên quan. 

Đây không phải là ý nghĩ nông nổi của Mỹ. Thực tế, từ tháng Chín năm ngoái, lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã phối hợp cùng nhau gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, yêu cầu chế định danh sách liên quan nhắm vào Trung Quốc. 

Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn vào thời điểm này đưa ra danh sách các công ty Trung Quốc để trình Quốc hội, hiển nhiên là có dụng ý về thời điểm, dưới tiền đề là cuộc tiếp xúc Mỹ – Trung tại Hawaii giải tán trong buồn bã, đây có thể được coi là hành động bước tiếp theo của Mỹ. 

Lúc đầu khi Mỹ khởi động chế tài cách đây 2 năm, mặc dù rất nhiều người Trung Quốc ủng hộ Huawei không tin rằng Mỹ có thể triệt để hạ gục Huawei, nhưng thực tế, hiện tại tính mạng của Huawei đang ngàn cân treo sợi tóc. Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/5 tuyên bố quy định mới, yêu cầu các doanh nghiệp khi sử dụng công nghệ hoặc thiết kế chip bán dẫn của Mỹ xuất khẩu cho Huawei, cần phải có được giấy phép xuất khẩu của Chính phủ Mỹ, dù là nhà sản xuất sản phẩm ở bên ngoài nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Sau khi chính sách này được đưa ra, nhà cung cấp lớn nhất Đài Loan TSMC vốn vẫn có thể “chơi bóng sát biên” đã buộc phải rút ra. 

Dù cho Huawei có “bỏ lại mồi ngon để thoát thân”, muốn nhường thị phần điện thoại di động để đổi lấy sự hợp tác của Samsung, nhưng Samsung cũng từ chối không chút nể nang. Dưới áp lực từ phía Mỹ, không ai muốn làm Lôi Phong (hình tượng làm người tốt của ĐCSTQ) với Huawei cả. Sắp đến, chuỗi cung ứng chip cho Huawei ở nước ngoài đã sắp bị cắt đứt. Theo tờ Tin tức Kinh tế Nhật Bản (Nihon Keizai Shimbun) đưa tin, lấy ví dụ mẫu điện thoại cao cấp nhất của Huawei là phiên bản 5G của dòng điện thoại Mate 30, linh kiện sản xuất trong nước nâng từ 25% lên 42%, còn linh kiện của Mỹ sản xuất giảm từ 11% xuống còn 1% … trong một số tình huống mà không cách nào có thể thay thế được chip nhập khẩu, thì sẽ tạo ra ảnh hưởng chí mạng tới chất lượng sản phẩm và ứng dụng. 

Không chỉ có vậy, chế tài của Mỹ cũng trở thành mũi tên chỉ hướng cho nhiều đồng minh của Mỹ. Cuối tháng trước, nước Anh đã tuyên bố sẽ cố gắng giảm khả năng Huawei tham gia và dự án mạng 5G xuống bằng 0, dường đây như là cách nói uyển chuyển cho việc từ bỏ Huawei; Chính phủ Séc từng có mối quan hệ mật thiết với Huawei cũng lên tiếng nói rằng Huawei “tạo thành mối đe dọa tiềm ẩn cho an ninh quốc gia”; chính quyền Đan Mạch cũng biểu đạt thái độ cho biết sẽ chỉ sử dụng nhà cung ứng 5G được coi là nước đồng minh an toàn…

Còn Canada từng bình an yên ổn, ba công ty viễn thông lớn của Canada đã chuyển sang lựa chọn đối thủ cạnh tranh chính của Huawei – Ericsson và Nokia để xây dựng mạng 5G.

Nếu trừng phạt về công nghệ và thương mại chỉ như dao cùn cắt thịt (đánh từ từ bên ngoài), thì trừng phạt tài chính có thể là thuốc độc thực sự, trừ phi 20 công ty bị Mỹ liệt vào danh sách này, nguồn vốn ra vào hoàn toàn bỏ qua hệ thống thanh toán bằng đồng đô la. Ngay cả khi họ có thể tìm được cách khác, thì khách hàng của họ ở nước ngoài có chấp nhận rủi ro đi cùng họ dưới áp lực cao của Hoa Kỳ hay không.

Phía Trung Quốc từng cảnh cáo, nếu Mỹ tiến thêm bước nữa hạn chế chuỗi cung ứng của Huawei, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả, bao gồm cả việc khởi động chế tài doanh nghiệp nước ngoài trong “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, hạn chế và điều tra các công ty bao gồm cả các công ty khoa học công nghệ của Mỹ như Qualcomm, Cisco Systems, Apple, và tạm thời ngừng mua máy bay do công ty Boeing sản xuất, v.v. Nhưng thử nghĩ, những công ty công nghệ hàng đầu này, đều có công nghệ cốt lõi không ai sánh được, và không phải là dựa vào thị trường Trung Quốc để tồn tại … Thực tế rất nhiều thứ của Trung Quốc đều phải dựa vào họ – ví dụ nếu chế tài Boeing, ước chừng 2/3 máy bay trong nước sẽ không thay linh kiện được. Ngay cả cái gọi là máy bay sản xuất trong nước, thì động cơ vẫn là nhập của người ta.

Các trận đấu quyền Anh không cùng thứ hạng thì luôn rất khó coi. 

(Tiêu đề gốc: Mỹ sẽ định nghĩa 20 doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm cả Huawei là “quân đội sở hữu”, sẽ tiếp tục thực thi vòng chế tài mới)

Nhị Đại Gia
(Bài viết thể hiện quan điểm và lập trường của cá nhân tác giả)