Loài ‘cá mập ma’ kì lạ dưới đây mang tên chimera – một con quái vật trong thần thoại Hy Lạp – đã được ghi hình lần đầu tiên ở bán cầu Bắc một cách hoàn toàn tình cờ.

(ảnh chụp/Youtube)
(ảnh chụp/Youtube)

Với cặp mắt tròn có phần u ám, những vây đặc trưng cùng các đường kẻ kì lạ chạy khắp thân thể màu xanh trắng tai tái, dễ hiểu tại sao nó được đặt cho cái tên “cá mập ma”.

Theo National Geographic, đây là một thành viên của lớp cá sụn (gồm cá mập, cá đuối…) chuyên sống dưới biển sâu nên chúng ta biết rất ít về chúng.

Cuộc chạm trán tình cờ

Năm 2009, Viện nghiên cứu hải dương vịnh Monterey ở California đã tiến hành một vài chuyến thăm dò bằng tàu ngầm điều khiển từ xa ở độ sâu lên tới 2km ngoài khơi California và Hawaii. Nhưng họ không phải đi tìm cá mập, mà là thăm dò địa chất.

“Thường thì người ta cũng không tìm ở khu vực đó, vì thế video này cũng có chút ‘may hơn khôn’”, Dave Ebert – giám đốc chương trình của Trung tâm nghiên cứu cá mập Thái Bình Dương cho biết.

(ảnh chụp/Youtube)
(ảnh chụp/Youtube)

Nhóm nghiên cứu đã tình cờ quay được hình ảnh loài sinh vật này, vào 6 lần khác nhau khi họ tiến hành khảo sát dưới biển sâu.

Chưa ai từng quay phim được loài chimera xanh mũi nhọn này trong môi trường sống tự nhiên. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng đây là một chủng loài khác, vì theo các ghi chép đã biết, loài này không sống ở Bán cầu Bắc.

>> Cá mập Greenland 400 tuổi là loài có xương sống thọ nhất thế giới

Chúng tôi tin rằng “Loài cá có tên khoa học Hydrolagus cf. trolli trước đây chỉ sống ở vùng biển nam Thái Bình Dương ngoài khơi Australia, New Zealand và New Caledonia,” viện nghiên cứu viết trong báo cáo.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về loài cá trong video, trừ khi có mẫu ADN để phân tích, mà điều này thì không hề dễ dàng.

Có một điểm khác biệt với các sinh vật sống dưới đáy sâu, loài cá mập ma này dường như rất thích máy quay và đèn pha sáng của chiếc tàu ngầm thăm dò. Ông Dave Ebert cho biết, “Nó khá vui tính, nó cứ đến cụng mũi vào ống kính, sau đó bơi một vòng rồi quay lại.”

Theo NatGeo, Cnet,
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: