Trong một buổi họp của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, 3 thường ủy viên Bộ Chính trị và 46 Ủy viên Trung ương đã yêu cầu thay đổi cơ cấu chính trị thượng tầng, gỡ bỏ các cản trở về mặt quy định với việc ông Tập Cận Bình nắm quyền 3 nhiệm kỳ.

Tap Can Binh

Theo tờ “Động Hướng” số tháng 9, suốt 30 năm gần đây, Phiên họp thứ 6 hay còn gọi là Lục Trung Toàn Hội của ĐCSTQ là nơi giao tranh chính trị quyền lực cho kỳ đại hội tiếp theo, là tiền đề cho cuộc chiến phân chia quyền lực. Các cuộc giao tranh này diễn ra liên tục từ đầu tháng 8 khi bắt đầu Hội nghị Bắc Đới Hà, và kéo dài sau đó tại Hội nghị sinh hoạt của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ mỗi tháng một lần.

Hội nghị sinh hoạt diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua không khí vô cùng căng thẳng, tranh luận kịch liệt đã xảy ra. Theo dự kiến, Hội nghị sẽ kết thúc vào buổi chiều, nhưng thực tế đã kéo dài đến gần 10 giờ đêm.

Nội dung quan trọng nhất trong Hội nghị lần này là việc 3 Thường ủy viên Bộ Chính trị là Vương Hỗ Ninh, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa cùng 46 Ủy viên Trung ương đã yêu cầu thay đổi quy định về cơ cấu chính trị thượng tầng, chủ yếu liên quan đến quy định “7 lên 8 xuống” (trong kỳ đại hội đảng, thường ủy viên 67 trở xuống được giữ lại, 68 trở lên sẽ phải thôi nhiệm). Mục đích để giữ ông Vương Kỳ Sơn lại Thường ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương. Thực chất, việc này mở đường cho ông Tập Cận Bình giữ chức Tổng Bí thư liên tục 3 nhiệm kỳ. Đến Đại hội 19 diễn ra vào năm 2017, ông Vương Kỳ Sơn sẽ 69 tuổi, theo tiền lệ sẽ phải rời khỏi Bộ Chính trị về hưu. Tương tự, đến năm 2022 tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình cũng sẽ 69 tuổi.

Trước đó trong thời gian Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2014, 28 cựu Thường ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đã về hưu, cùng liên danh gửi thư đến Bộ Chính trị Đại hội 18, đề nghị ông Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ đến Đại hội 20.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất cho biết, hiện nay lòng dân ở Trung Quốc đang vô cùng bất an, các vấn đề xã hội và kinh tế đang liên tục bộc lộ, làn sóng toàn cầu kiện ông Giang Trạch Dân đang dâng cao tạo nhiều sức ép quốc tế về cải cách nhân quyền và cơ cấu chính trị. Những sự việc tranh đấu chính trị như thế này có khả năng gây nên “phân liệt” ở mức nghiêm trọng. Hiện nay, vẫn chưa thể biết được liệu Đại hội 19 có thể diễn ra theo cách bình thường như trước kia không.

Tự Minh

Xem thêm: