Ngày 19/3, ông Lưu Hạc đã được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề kinh tế, phụ trách các lĩnh vực tài chính và công nghiệp, bao gồm quản lý giám sát Ngân hàng Trung ương. Có nhận định cho rằng “Phó Thủ tướng có quyền lực hơn Thủ tướng”.

Lưu Hạc
Ông Lưu Hạc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2018

Ngày 20/3, Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, ngày 19/3 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua tái bổ nhiệm chức Thủ tướng cho ông Lý Khắc Cường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cử. Sau đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, các Ủy viên và nhân sự cấp Bộ trưởng. Đến đây, toàn đội hình Chính phủ Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình đã được thành lập xong.

Tại Đại hội 19, ông Lưu Hạc trở thành thành viên Bộ Chính trị, hiện lại nhậm chức Phó Thủ tướng. Ngoài ra, Lưu Hạc có thể sẽ tiếp tục làm Chủ nhiệm Văn phòng của Ban Lãnh đạo Tài chính Trung ương, đây là ủy ban hậu trường trong công tác chỉ đạo kinh tế – tài chính của ĐCSTQ.

Một số nhận định về vị thế của ông Lưu Hạc

Theo bài viết trên Chosun Ilbo của Hàn Quốc nhận định, ông Lý Khắc Cường trên danh nghĩa là cấp trên trực tiếp của Lưu Hạc, nhưng thực tế với vị thế của Lưu Hạc, ông Lý Khắc Cường sẽ bị lép vế. Trước đây vị trí Thủ tướng có tiếng nói rất mạnh về kinh tế, nhưng vì ông Lưu Hạc có quan hệ rất chặt chẽ với “hạt nhân”  Tập Cận Bình nên vị thế của ông Lý Khắc Cường sẽ suy yếu.

New York Times tại Mỹ cũng có nhận định, sau khi ông Tập Cận Bình sáp nhập Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc để tập trung kiểm soát ngành công nghiệp tài chính thì quyền lực của ông Lưu Hạc được tăng lên nhiều. Mối quan hệ gần gũi giữa Lưu Hạc và Tập Cận Bình cũng sẽ làm tăng sức ảnh hưởng của ông.

Thông tin Tài chính Hồng Kông (Hong Kong Economic Journal) đưa tin, Phó Thủ tướng Lưu Hạc là cố vấn kinh tế của ông Tập Cận Bình, ngoài ra những nhân vật mới khác như Chủ nhiệm Ban Cải cách Phát triển Quốc gia Hà Lập Phong (He Lifeng), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Sơn (Zhong Shan), Bộ trưởng Xây dựng nhà ở Vương Mông Huy (Wang Menghui), Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn (Liu Kun) đều là cán bộ cũ hoặc thân tín của ông Tập Cận Bình, cho thấy ban bệ của ông Tập kiểm soát chặt lĩnh vực kinh tế trong Chính phủ Trung Quốc.

Tháng 05/2016 Nhân dân Nhật báo Trung Quốc công bố liên tiếp hai bài viết của một người tự xưng là “chuyên gia uy tín” chỉ trích chính sách kinh tế của ông Lý Khắc Cường, qua đó chủ trương cải cách bên cung và tăng trưởng về chất. Sau đó, thuật ngữ “kinh tế học Lý Khắc Cường” biến mất, được thay thế bằng “kinh tế học Tập Cận Bình”. Có nhận định cho rằng, “chuyên gia uy tín” có thể khiến “kinh tế học Lý Khắc Cường” biến mất chính là ông Lưu Hạc.

Bạn thân thời trung học của ông Tập Cận Bình

Ông Lưu Hạc hiện nay 66 tuổi, là bạn học thời trung học của ông Tập Cận Bình, hai người là bạn thân mấy chục năm qua, Lưu Hạc còn được xem là cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập. Chuyên gia này cũng là người soạn thảo các chính sách kinh tế cho hai người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.

Ông Lưu Hạc từng du học tại Mỹ trong nhiều năm, nói tiếng Anh thông thạo, từng nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Seton Hall (Seton University Hall) bang New Jersey, Mỹ. Ông có được bằng Thạc sĩ về quản trị công tại trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Giống như Lưu Hạc, vị Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng được xem là “quan chức học giả”. Ông Dị Cương (Yi Gang) cũng đã được đào tạo ở Mỹ, từng là Phó giáo sư tại Đại học Indiana. Tuy nhiên, Đài phát thanh Deutsche Welle của Đức dẫn lời một chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới của ông Dị Cương sẽ không bằng người cũ Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), có thể chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho Lưu Hạc.

Phong Vân

Xem thêm: