Gần đây, nhiều kênh truyền thông tại Trung Quốc liên tiếp đưa tin Viện Nghiên cứu số 3 thuộc Bộ Công an Trung Quốc đưa ra hệ thống nhận dạng thân phận trên internet (eID). Có bình luận cho rằng, eID có thể thay thế hệ thống chứng minh thư truyền thống, nhưng cũng có phân tích nói, eID sẽ trở thành công cụ để chính quyền “giám sát toàn dân”.

Tổng hợp thông tin từ nhiều kênh truyền thông tại Trung Quốc, eID mà Viện Nghiên cứu số 3 của Bộ Công an Trung Quốc đưa ra là một hệ thống nhận dạng thân phận trên internet, với tiền đề là không tiết lộ thông tin người dùng. Căn cứ vào các loại hình cung cấp khác nhau, eID hiện được chia làm 2 loại thông dụng là eID và SIMeID, trong đó eID thường được nhúng vào IC trong các thẻ ngân hàng, thẻ an sinh xã hội, khóa USB, còn SIMeID chủ yếu được nhúng trong thẻ SIM.

Được biết, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã phát hành thí điểm hơn 80 triệu thẻ ngân hàng sử dụng IC nhúng eID trên phạm vi toàn quốc. Trong tương lai, eID sẽ được áp dụng rộng rãi trong nhiều loại thẻ ngân hàng, thẻ SIM điện thoại di động.

Thông tin về eID khiến không ít cư dân mạng quan tâm, các nội dung thảo luận liên quan chủ đề này cũng thuộc top những chủ đề hot được tìm kiếm nhiều trên trang tìm kiếm Baidu tại Trung Quốc.

Tờ Đông Võng (Hồng Kông) đưa tin, eID được cho là có thể thay thế công năng của chứng minh thư truyền thống, nhưng cũng làm dấy lên lo lắng sự khoa trương “chế độ thực danh” sẽ bị biến tướng. Có ý kiến cho rằng, sau khi eID được phổ cập, cơ quan công an sẽ càng dễ dàng giám sát nhất cử nhất động của người dân. Nếu không có quy định pháp luật tương ứng để hạn chế chính quyền lạm dụng công quyền, có lẽ eID sẽ trở thành công cụ đắc lực để chính quyền giám sát người dân.

Trên thực tế, từ năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh áp dụng eID. Tháng 6/2015, Bộ Công an Trung Quốc lấy lý do ngăn ngừa tiết lộ thông tin, để áp dụng eID cho người dân. Tháng 12/2015, tại “Triển lãm mật khẩu thương mại toàn quốc 2015” do Bắc Kinh tổ chức, Bộ Công an Trung Quốc đã trình diễn công nghệ nhận dạng thân phận inernet eID. Tháng 7/2016, tại “Diễn đàn an ninh mạng” tổ chức tại Thượng Hải, Bộ Công an Trung Quốc lại một lần nữa giới thiệu về việc áp dụng eID.

Mấy năm trước, chính quyền vẫn luôn tuyên bố, việc sử dụng eID là để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Điều đáng chú ý là, tháng 3/2015, trang tin Caixin từng đưa tin, Trung Quốc nghiên cứu phát triển eID có 3 mục đích, trong đó mục đích đầu tiên là “ghi lại chính xác hành vi trên internet”, tiếp đó là “ngăn chặn lừa đảo qua mạng” “phạm tội qua mạng”.

Bản tin đăng không lâu, một bài viết ký tên Vương Hải Đào cũng nói về vấn đề này rằng, eID “là hệ thống nhận diện thân phận có thể thực hiện giám sát hành vi trên internet theo thời gian thực và lưu lại lịch sử sử dụng, nó có thể thực hiện giám sát mạng ngang hàng (P2P).

Bài viết chỉ ra, tại các nước khác trên thế giới có công nghệ mạnh hơn Trung Quốc, nhưng họ cũng không sử dụng rộng rãi eID. Nguyên nhân chủ yếu là tại các nước này, eID phải “đối mặt với hàng loạt các vấn đề pháp luật nan giải, những trở ngại này, cũng có thể nói là bức bình phong bảo vệ quyền lợi của công dân, tuy nhiên tại Trung Quốc không hề có chuyện này”.

Bài viết còn phân tích: “Tại Trung Quốc, với hệ thống giám sát mạng hiện có, không áp dụng eID, thì vẫn có thể tìm được chính xác những người cần tìm, hơn nữa lịch sử sử dụng internet của người dùng đều có thể bị tải lên máy chủ”, còn việc sử dụng eID có thể là “để tăng cường giám sát mạng hơn nữa”.

Trí Đạt

Xem thêm: