Dưới thời Mao Trạch Đông nắm quyền cai trị Trung Quốc Đại Lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khống chế xã hội và người dân vô cùng chặt chẽ. Nếu như tổng hợp các phương thức khống chế và tẩy não này lại, thì có thể khiến người ta phải giật mình kinh sợ.

ĐCSTQ trường kỳ thông qua “đấu tranh giai cấp” và các phong trào vận động quần chúng mà kiểm soát người dân.
ĐCSTQ trường kỳ thông qua “đấu tranh giai cấp” và các phong trào vận động quần chúng mà kiểm soát người dân.

1. Hạn chế thông tin

Trong thời đại Mao Trạch Đông, giao lưu quốc tế bị hạn chế tối đa. Các tin tức quốc tế đều do Tân Hoa Xã phát hành. Cơ quan này thường có xu thế chọn lọc và giải thích thông tin theo định hướng nhất định (dựa theo nhu cầu chính trị trong nước để lựa chọn các tin tức quốc tế cho phù hợp). Các báo khác dựa trên Tân Hoa Xã mà nhất loạt đưa tin theo, thống nhất văn phong, nên hầu như toàn bộ dư luận xã hội đều hình thành hiệu ứng “tam nhân thành hổ” (Ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật).

Thêm nữa, khi đưa tin tức quốc tế thì truyền thông Trung Quốc chỉ đưa những tin xấu mà không đưa tin tốt. Trái lại, tin tức trong nước lại chỉ đưa tin tốt mà bỏ qua tin xấu.

Vấn đề tài vụ, phát hành, và ngay cả việc đọc báo cũng có đơn vị quản lý sắp xếp. Mỗi buổi tối sẽ có 2 tiếng học tập chính trị và đọc báo.

Chính vì độc giả thông thường không có sự so sánh hay chọn lựa thông tin, nên họ đều tin vào những gì mình đọc. Vì vậy, người dân vẫn cho rằng “trên thế giới còn có 3/4 số người đau khổ đang chờ chúng ta đến giải phóng cho họ”, cuộc sống người dân ở châu Âu, châu Mỹ khổ hơn chúng ta rất nhiều. Từ đó họ cảm thấy thật sự hạnh phúc, mãn nguyện. Nhưng giai cấp thượng tầng của ĐCSTQ có thể thông qua các văn kiện hay tài liệu báo cáo mà hiểu được tình huống thực tế.

Thông qua phương pháp này, nhóm thống trị sẽ hình thành lợi thế không cân xứng về mặt thông tin: Bên trên biết bên dưới, nhưng bên dưới không biết bên trên; bên trong biết bên ngoài, nhưng bên ngoài không biết bên trong.

Một điểm đáng chú ý là, so với thời đại của Mao Trạch Đông, thông tin ở Trung Quốc hiện nay đã mở hơn khá nhiều. Các công cụ tường lửa chặn thông tin đều đã bị vô hiệu hóa. Nhiều người Trung Quốc đã biết nội tình thực sự, và sự bất mãn trong lòng họ cũng tăng thêm nhiều…

2. Kiểm soát hành chính

Kiểm soát hành chính xã hội là cách thức giúp đạt được mức độ kiểm soát chặt chẽ nhất.

Ở xã hội cổ đại, cơ cấu chính quyền chỉ đến mức huyện, chứ không đến cấp thôn xã. Đến thời Cách mạng Văn hóa, quyền lực hành chính thông qua các “đơn vị” đã đạt đến mức độ kiểm soát từng ngóc ngách trong đầu não mỗi người.

Dù là công nhân, nông dân, thương nhân, học sinh hay binh lính, người dân cả nước đều quy về tổ chức “đơn vị” nào đó, chẳng hạn như nông dân thì có công xã quản. “Đơn vị” này không chỉ kiểm soát mỗi người về mặt kinh tế (nông dân thì chia sản lượng, công nhân thì chia tiền lương…) mà còn kiểm soát về mặt hành chính (bất kỳ ai muốn xuất ngoại, kết hôn ly hôn, di cư chuyển nhà, điều động công tác, bồi dưỡng nghiệp vụ… .đều cần phải có sự phê chuẩn của “đơn vị”). Về mặt tư tưởng chính trị thì “đơn vị” cũng kiểm soát với từng cá nhân (như học tập chính trị, báo cáo tư tưởng, đặc biệt là những hồ sơ bí mật cá nhân).

Đáng chú ý hơn nữa, “đơn vị” khi kiểm soát mỗi cá nhân, còn đi sâu đi sát hơn vào phương diện trị an và hình sự. Tổ chức Đảng ủy cấp huyện đoàn có quyền xử lý chính trị với các nhân viên công tác (mức độ nhẹ thì từ những lời phê bình đấu tố của các nhân viên khác mà tiến hành “ẩu đả” một nhân viên nào đó; mức độ trung bình thì tiến hành các “lớp học tập” – một nhà tù biến tướng do đơn vị thành lập; còn nặng thì “chụp” cho người ta cái mũ “kẻ thù giai cấp”, liệt vào danh sách những kẻ nguy hiểm và không còn quyền đảm bảo sinh tồn).

Bởi toàn xã hội thống nhất hành chính hóa cao độ, nên cho dù người ta đến từ địa phương nào, thì đều có “đơn vị” đứng ra quản lý, cho dù người ta thay đổi bao nhiêu “đơn vị”, thì đều có “đơn vị” quản lý cao độ đồng nhất tiếp quản.

3. Đấu tranh giai cấp

“Giai cấp vô sản chuyên chính”, theo đúng tên gọi của nó, chính là giai cấp này trấn áp giai cấp kia.

Giai đoạn đầu của giải phóng, cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp đúng nghĩa. Sau này phong trào “trấn phản” trên toàn quốc đã giết hại hàng triệu người, cũng chính là mở rộng áp dụng đấu tranh giai cấp hơn nữa.

Lúc này, “kẻ thù giai cấp” tương đối đơn giản, chỉ cần là địa chủ phú nông, tư bản giàu có thì đều là kẻ thù chính trị của chính quyền mới (những người cốt cán trong chính quyền cũ đều bị coi là phần tử phản cách mạng).

Sau này, các tội danh tăng lên ngày càng tùy tiện, phạm vi của “kẻ thù giai cấp” cũng ngày một rộng hơn.

Năm 1951, khi Hồ Phong bị Mao Trạch Đông phê phán là “tập đoàn phản động Hồ Phong”, những ai mà hình thái ý thức không theo kịp tư tưởng “tối cao” bị quy vào “phần tử phản động”. (Hồ Phong, một học giả và là một nhà phê bình văn học, đã phản đối chính sách văn học cằn cỗi của ĐCSTQ. Ông bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1955 và bị kết án 14 năm tù).

Từ khi “sự kiện Cao Nhiêu” bắt đầu, Đảng lại quy kết những người thất bại thành “phần tử phản Đảng”. (Cao Cương và Nhiêu Sấu Thạch là hai Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Sau khi bị thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 1954, cả hai bị buộc tội là âm mưu chia rẽ Đảng và sau đó bị khai trừ ra khỏi Đảng). 

Từ năm 1957 khi phong trào “phản hữu” bắt đầu, tất cả những người trí thức có tư tưởng đối lập hoặc vô ý nhận định đúng sai, đều bị gán nhãn “hữu phái”.

Từ năm 1958 khi phong trào “phản hữu khuynh” bắt đầu, Đảng coi những ai có quan điểm bất đồng thành “phần tử cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh”.

Từ những năm 1960, sau khi đề xuất khẩu hiệu “không bao giờ được quên đấu tranh giai cấp”, bất kỳ ai có tư tưởng bất mãn với Đảng, với Mao Trạch Đông hay quan chức các cấp, hay những người dân phổ thông nào bất mãn với hiện thực xã hội, thì đều bị quy kết thành “phần tử hoạt động phản cách mạng”.

Những người dân mà tác phong sinh hoạt bị coi là không đúng đắn (như ngoại tình, không tuân thủ kỷ luật…) thì bị quy kết là “phần tử xấu”.

Đến thời Cách mạng Văn hóa thì càng hỗn loạn hơn, các phe phái khi đấu đá lẫn nhau sẽ gọi đối phương là “phần tử tam phản” (phản Đảng, phản chủ nghĩa xã hội, phản tư tưởng của Mao Trạch Đông).

Trước giải phóng, những ai từng tham gia công tác hoặc làm binh lính cho một tổ chức Đảng khác bị gán nhãn là “kẻ phản bội, gián điệp.”

Thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, tuyệt đại đa số các cán bộ lãnh đạo bị quy kết là “đi theo tư bản chủ nghĩa” và bị đánh ngã tơi tả.

Hàng triệu người nằm trong Hồng vệ binh và phái tạo phản trong Cách mạng Văn hóa đã bị bắt giữ với tội danh “phần tử 516”.

Tóm lại, “đấu tranh giai cấp” càng ngày càng “biến dị”. Tuy nhiên dưới ngọn cờ đấu tranh giai cấp, một cuộc trấn áp quy mô lớn sẽ xảy ra, vừa có thể ra tay trấn áp; lại vừa có thể đưa ra một bộ lý luận cơ bản; đồng thời còn có thể khiến người dân bần cùng nghèo cho rằng cảnh bần than mà mọi người phải gánh chịu là do “kẻ thù giai cấp” gây ra.

4. Vận động quần chúng

Đấu tranh giai cấp chính là dùng hình thức “vận động quần chúng” mà tiến hành, thông thường chia làm 4 giai đoạn:

1/ Giai đoạn động viên

Đầu tiên những người nắm quyền (lãnh đạo đơn vị hoặc cấp trên tại nơi công tác), sẽ tiến hành đại hội tuyên giảng, ban hành các tài liệu học tập, từ đó quần chúng học tập thảo luận biểu thị sự ủng hộ, sau đó thống nhất tư tưởng, đồng thời khoanh vùng đối tượng (những cá nhân nào phản đối có thể bị xử lý áp chế trước nhất).

2/ Giai đoạn kiểm tra

Mỗi người trong quần chúng đều phải viết báo cáo gửi cho cấp trên, trong đó thú nhận những lời nói hay hành động sai lầm của mình, đồng thời cũng chỉ ra những sai sót trong hành động ngôn từ của đồng nghiệp xung quanh. Nói cách khác, người người đều “đấu tố” chỉ ra sai lầm của người khác, người người đều phải chịu người khác “đấu tố”, bao gồm cả việc động viên con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng… Nói theo cách ôn hòa thì kiểu tố cáo này gọi là “phê bình và tự phê bình”, còn nói một cách thẳng thắn thì kiểu tố cáo này gọi là “đấu tranh giai cấp mọi lúc mọi nơi”.

3/ Giai đoạn đấu tranh

Những người cầm quyền căn cứ vào báo cáo của quần chúng và những thông tin nắm bắt được, tiến hành phân loại quần chúng (xác định đối tượng có thể dựa vào được, đối tượng đoàn kết, và đối tượng tiến hành đả kích), và sau này khi cơ cấu lại thì sẽ tiến hành phê bình đấu tố. Theo cách này thì về bản chất là người lãnh đạo nắm quyền kiểm soát tất cả, nhưng trên biểu hiện bề mặt thì quần chúng là chủ lực của đấu tranh. Những ai tại cuộc họp mà phát ngôn phê phán, xuất thủ đánh người, phá cửa tịch thu nhà… thì đều được xem là phần tử tích cực trong quần chúng. Thậm chí, đội ngũ phần tử tích cực này còn được gọi là “đội quần chúng chuyên chính” (cơ quan công an chuyên nghiệp thường không xuất đầu lộ diện, chỉ đóng vai trò là lực lượng răn đe).

4/ Giai đoạn xử lý

Kết quả cuối cùng của vận động chính là đề bạt ra một người để phán xét, rồi tiến tới xử lý cá nhân này (có thể bị chụp mũ, bị khai trừ và kết tội).

Nói tóm lại, chiêu thuật này nhằm “khuấy động cho quần chúng đấu quần chúng”, “lấy quần chúng trị quần chúng”. Tạo ra mâu thuẫn, lợi dụng mâu thuẫn từ đó phân ra để trị, để tiết chế. Từ sau sự kiện “chính đốn tác phong” ở Diên An, chiêu thuật này càng dùng càng linh nghiệm.

“Vận động quần chúng” với người nắm quyền và quần chúng mà nói, thì có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, “vận động quần chúng” khiến người người đều cảm thấy bầu không khí không an toàn, từ đó khiến người ta sinh ra mong muốn tự bảo vệ mình, đề phòng lẫn nhau, theo dõi lẫn nhau, phát hiện ra thông tin gì liền báo cáo để được lòng lãnh đạo. Tất cả những điều này hình thành nên một mạng lưới giám sát và kiềm chế lẫn nhau, khiến cho ai cũng cảm thấy bản thân “chỉ có thể tuân theo quy củ, không dám loạn ngôn loạn động”.

Thứ hai, mỗi lần vận động sẽ sinh ra một người phải chịu phê phán đấu tố, đồng thời sinh ra kẻ đi phê phán được hưởng lợi, cái lợi ích này phát ra từ nội tâm độc ác, lấy việc công báo thù riêng, cũng là lập công để được tiến cử gia nhập Đảng. Thêm nữa còn có một chính sách riêng quy định rằng, nếu như tra xét ra rằng người bị hại là oan uổng, thì sau đó sẽ cố gắng hết sức để giải oan cho họ, nhưng để “bảo vệ tính tích cực của những phần tử tích cực đấu tranh”, thì không thể nào truy cứu những lời cáo buộc sai sự thật.

Thứ ba, những phần tử tích cực mong “trị” được nhiều người, đã thỏa mãn nội tâm độc ác, lại còn mang đến cho họ “cơ may đổi mệnh”, những người này hy vọng khi “trị” được nhiều người thì sẽ có thể lập công giảm phạt, trong số những người có thể bị đưa ra phê phán thì áp lực của mình xem ra sẽ nhẹ hơn chút ít. Cách thức này đã vô hình kích phát mặt ác trong nhân tính của con người.

Vào thời kỳ vận động “Phản hữu”, quần chúng còn chưa hình thành thói quen tấn công lẫn nhau, cấp trên các đơn vị phải áp đặt chỉ tiêu, quy định số lượng người bị đưa ra đả kích, nếu không đạt chỉ tiêu thì những người lãnh đạo sẽ phải thế tên vào danh sách này. Cứ mỗi 10 năm, Mao Trạch Đông lại tiến hành vận động một lần, đến thời Cách mạng Văn hóa, người dân Trung Quốc đã hình thành thói quen tự nhiên, lệnh hô hào vận động vừa phát ra, quần chúng theo thói quen liền lập tức tấn công lẫn nhau.

Do đó, đối với Cách mạng Văn hóa, nhiều người năm đó tích cực đấu tranh đã hát ca ngợi rằng “Đấu với người khác vui làm sao!

(xem tiếp phần 2)

Hồng Ngọc

Xem thêm: