Theo tác giả bài viết, nền tảng lý luận của Chính sách sinh sản theo kế hoạch tại Trung Quốc dựa trên tiền đề giả thuyết: Hiệu quả sản xuất bình quân của Trung Quốc là con số âm, nhiều người Trung Quốc sống trên đời này chỉ làm tiêu hao lương thực, vì thế họ không nên tồn tại trên thế gian. Tác giả nhận định đây là một lý luận sai lầm và tàn độc, việc áp dụng chính sách sinh sản theo kế hoạch đã để lại hậu quả xã hội đặc biệt nghiêm trọng.

Tội lớn nhất của ông Đặng Tiểu Bình nằm ở chính sách sinh sản theo kế hoạch kéo dài gần nửa thế kỷ.
Tội lớn nhất của ông Đặng Tiểu Bình nằm ở chính sách sinh sản theo kế hoạch kéo dài gần nửa thế kỷ.

Bất kể công trình Tam Hiệp (đập Tam Hiệp chặn Trường Giang tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc) lãng phí hàng trăm tỷ Nhân dân tệ, hay sự kiện Thiên An Môn 1989 tàn sát hàng ngàn sinh viên vô tội cũng không phải tội ác lớn nhất của ông Đặng Tiểu Bình. Tội ác lớn nhất của ông này chính là làm cho hàng triệu thai nhi nữ bị vứt bỏ khiến ngày nay hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc không thể lập gia thất, dẫn đến cả trăm triệu người già Trung Quốc không có người phụng dưỡng, chính sách này có thể khiến nền kinh tế quốc dân hiện nay đứng trước nguy cơ suy sụp. Thảm cảnh này bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền và kéo dài suốt non nửa thế kỷ. Chỉ có “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa” của ông Mao Trạch Đông mới có thể sánh được với chính sách tàn bạo hoang đường này của ông Đặng Tiểu Bình: Quốc sách sinh sản theo kế hoạch.

Bây giờ, một lần nữa nhắc lại chính sách này là thảm họa lịch sử có lẽ nhiều người Trung Quốc không tiếp thu, vì nó đang trong quá trình diễn ra. Tương tự như trong Cách mạng Văn hóa, nếu có người lên án đám Hồng vệ binh điên cuồng là thảm họa lịch sử của Trung Quốc, có thể người đó sẽ lập tức bị đám đông bủa vây xâu xé, vô số người Trung Quốc sẽ hào hứng giải thích cho bạn hiểu Cách mạng Văn hóa vĩ đại như thế nào, nên làm đến cùng như thế nào…

Chính sách sinh sản theo kế hoạch chính là một tội ác hoang đường không thua gì Cách mạng Văn hóa. Nền tảng lý luận của toàn bộ chính sách này dựa trên tiền đề giả thuyết nực cười: Sức sản xuất bình quân của Trung Quốc là con số âm, nhiều người Trung Quốc sống trên đời này chỉ làm tiêu hao lương thực, vì thế họ không nên tồn tại trên thế gian.

Thực tế, vài chục năm trước, giới kinh tế học và xã hội học đã ý thức rằng vấn đề quan trọng không phải là kiểm soát nhân khẩu mà là nâng cao chất lượng nhân khẩu, đó chính là nâng cao trình độ giáo dục, nền tảng giáo dục tốt làm cho mỗi công dân có được sức lao động dồi dào, có thể tạo ra giá trị lớn hơn nhiều so với tự thân họ tiêu phí, đây mới chính là phương pháp căn bản giải quyết nghèo đói. Chỉ nghĩ đơn giản khống chế nhân khẩu một cách man rợ là làm trái quy luật xã hội, tất dẫn đến những hậu quả tai hại.

Ông Đặng Tiểu Bình thường tự cho bản thân là người “thực tế cầu thị”, lấy “thực tiễn làm tiêu chuẩn duy nhất kiểm tra chân lý”. Thế nhưng trong lý luận sinh sản theo kế hoạch, dường như chưa có người Trung Quốc nào lấy thực tiễn Trung Quốc ra để đối chiếu: Mật độ dân số ở phía Đông của Trung Quốc Đại Lục trong vài chục năm qua luôn cao hơn nhiều lần so với phía Tây, nhưng kinh tế phát đạt hơn nhiều, trong khi phía Tây dân cư thưa thớt hơn và cho dù được thiên nhiên ưu đãi,  tài nguyên phong phú, nhưng vẫn là khu vực lạc hậu nhất Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xưa nay quy giá trị sản xuất quốc dân (GDP) quá thấp cho nguyên nhân vì dân số quá đông. Nhưng đến nay, bình quân GDP đầu người của người Trung Quốc chỉ bằng 1/20 – 1/30 các nước Âu Mỹ phát triển. Nếu nguyên nhân vì dân số gây ra thì khi dân số Trung Quốc giảm đi khoảng 95% – 98% thì giá trị sản lượng bình quân theo đầu người mới hy vọng đạt đến trình độ của Âu Mỹ. Tính hoang đường của lý luận về dân số này chẳng phải rất dễ nhận ra hay sao? Xin tùy tiện nói một lời, nếu dân số Trung Quốc chỉ giảm đi 3% thì với trình độ phát triển của Ý hoặc Canada, chức vụ béo bở là Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã sớm bị đổi chủ.

Nếu so sánh Trung Quốc với những nước láng giềng châu Á thì càng rõ hơn, mật độ dân số trên mỗi km2 của Trung Quốc Đại Lục khoảng 130 người, còn Đài Loan là 700 người, Nhật Bản là 300 người, Hàn Quốc là 400 người. Cho dù mật độ dân số của những nước này cao hơn Trung Quốc vài lần nhưng họ vẫn bị áp lực thiếu nguồn lao động. Chính phủ những nước châu Á này không những không hạn chế sinh sản mà còn khích lệ các gia đình sinh con cái.

Nếu nhìn toàn cảnh thế giới thì Tây Âu là vùng có mật độ dân số cao nhất, vượt xa so với Phi châu thưa thớt và châu Nam Mỹ phát đạt. Diện tích toàn Phi châu là 30,2 triệu km2, gấp ba lần Trung Quốc Đại Lục, nhưng dân số chỉ có 748 triệu người, Phi châu là một châu lớn với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, thế nhưng có bao nhiêu nước Phi châu tiến vào hiện đại hóa?

Lý luận về sinh sản theo kế hoạch mà ĐCSTQ dựa vào thực tế chỉ là căn cứ theo giả thuyết của một số học giả, chưa qua kiểm nghiệm thực tiễn về kinh tế học và xã hội học chặt chẽ. Sau khi ĐCSTQ thành lập Ủy ban Sinh sản theo kế hoạch, cho dù đây là tổ chức có quyền lực lớn thuộc cấp trung ương nhưng lại chưa từng áp dụng phương pháp khoa học, áp dụng lý luận về mối quan hệ giữa dân số và môi trường, dân số và kinh tế để tiến hành điều tra, lấy mẫu phân tích, dùng chứng cứ giúp mọi người tin phục để chứng minh cho giá trị xã hội của chính sách sinh sản theo kế hoạch.

Ủy ban Sinh sản theo kế hoạch dùng toàn bộ nguồn lực công quốc gia để xây dựng một bộ máy quan lại khổng lồ, tàn bạo và sa đọa, tại nhiều vùng nông thôn phụ nữ mang thai bị bức hại điên cuồng, ép bỏ thai, số tiền phạt bòn rút được của mỗi hộ đến hàng chục ngàn Nhân dân tệ, ngoài ra là thực hiện độc quyền buôn bán sản phẩm tránh thai để vỗ béo nhóm lợi ích. Nhiều thập niên qua, chính sách này đã gây không biết bao nhiêu tội ác, không sách nào ghi hết tội. Cộng đồng quốc tế cũng đã vạch trần tội ác này, tiêu biểu như nhà Hán học người Mỹ Steven Mosher đã tự thu thập thông tin tổng hợp lại viết thành sách, bản dịch tiếng Trung tựa «Sinh tử kiếp», do Thang Bản (Shang Ben) dịch và được Đài Loan Trung Hoa thư cục xuất bản, được Nhật báo Thế giới đăng nhiều kỳ, đã gây tiếng vang trên quốc tế. Học giả Steven Mosher nói được tiếng phổ thông Trung Quốc và tiếng Quảng Đông, ông đã đi lại 15 lần tại các địa bàn Quảng Đông, Quảng Tây, Hà Bắc, Giang Tây, đã khảo sát tại Quảng Đông suốt một năm ròng.

Ngày nay, ngoài những tội ác hình sự đầy máu và nước mắt, hậu quả xã hội tràn lan do chính sách sinh sản theo kế hoạch gây ra đang lộ rõ trong xã hội Trung Quốc. Chính sách được giới trí thức và tầng lớp thu nhập cao cực lực ủng hộ này đã khiến dân số tại những khu đô thị sụt giảm nghiêm trọng, còn dân số tại vùng nông thôn thu nhập thấp tuy cũng giảm mạnh, nhưng tỷ lệ sinh vẫn cao hơn nhiều so với đô thị. Vì thế về tổng thể, nó làm tố chất người Trung Quốc thuyên giảm.

Chính sách sinh sản theo kế hoạch, trong một thời gian ngắn ban đầu (20 năm) giúp giảm gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc rất nhiều: Hàng loạt thanh niên trai tráng thoát được cảnh nuôi nhiều con; nhìn bề mặt thì nền kinh tế Trung Quốc phát triển tăng vọt, nhưng vài thập niên sau đó xã hội rơi vào tình trạng dân số già, đặc biệt là tiền dưỡng lão tại vùng đô thị Trung Quốc hiện trong tình cảnh thu không đủ chi, trong hai ba chục năm tới nữa có thể chế độ tiền dưỡng lão tại các đô thị Trung Quốc sẽ sụp đổ; còn tại vùng nông thôn, người ta cần có con cháu để đỡ đần khi tuổi già, nếu thế hệ sau này thuyên giảm trầm trọng thì bức tranh xã hội nông thôn sẽ vô cùng đen tối! Tóm lại, chính sách sinh sản theo kế hoạch sẽ làm cho nền kinh tế quốc dân Trung Quốc rơi xuống vực thẳm.

Chính sách này khiến tình trạng giết thai nhi nữ trở nên phổ biến, khiến tỷ lệ chênh lệch nam nữ của Trung Quốc hiện nay lên đến 117/100, cao hơn 10 điểm so với nhiều nước khác, làm hàng chục triệu nam giới trưởng thành không thể kết hôn, một tai họa ngầm khủng khiếp cho ổn định xã hội Trung Quốc trong tương lai.

Về nguy hại của chính sách sinh sản theo kế hoạch, nhà nghiên cứu Thủy Hàn (Shui Han) đã nhiều lần nhắc đến, bài này không muốn nói thêm nữa. Thực tế cách nay nửa thế kỷ, không chỉ có Trung Quốc áp dụng chính sách này mà cả Đài Loan và Singapore cũng có chính sách tương tự. Chẳng qua đến thập niên 70 thế kỷ trước ông Đặng Tiểu Bình thấy chính sách của Singapore mới hạ quyết tâm phát huy nó một cách võ đoán. Nhưng Singapore không dùng thủ đoạn tàn bạo như thế, nhờ có một Chính phủ dân chủ nên họ nhanh chóng điều chỉnh chính sách, đến thập niên 1990 thì bỏ hẳn, cho dù mật độ dân số của Singapore lên đến hơn 7000 người/km2 nhưng họ vẫn khuyến khích mọi người sinh thêm con cái.

Người viết bài này không phải chuyên gia về nhân khẩu, cũng không chủ trương Trung Quốc lập tức áp dụng mọi biện pháp khích lệ sinh sản, nếu làm một cách cực đoan chẳng khác nào lại dẫm lên vết xe đổ của hai ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Từ công trình Tam Hiệp cho đến chính sách sinh sản theo kế hoạch, Mao và Đặng đều sai lầm như nhau, quản trị một nước lớn như Trung Quốc nếu không biết áp dụng phương pháp khoa học và dân chủ mà mê tín vào những lý luận vụn vặt, chuyên chế độc đoán thì cuối cùng bi kịch sẽ từng bước đến với dân tộc này.

Ngày trước khi chưa có mạng internet, nhân dân Trung Quốc chỉ có thể nghe được những khẩu hiệu tuyên truyền từ trung ương, kẻ độc tài tuyên truyền bao nhiêu chính sách hoang đường, mê tín, tàn bạo… nhưng đa số người dân cũng chỉ biết phục tùng nghe theo. Cộng thêm tình trạng bị một số văn nô thô bỉ quảng cáo rùm beng làm cho những tai vạ cứ dồn dập kéo đến.

Theo Chung Quốc Nhẫn (Nguyễn Đoàn dịch)

Xem thêm: