Phiên họp Toàn thể lần thứ hai Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 tổ chức vào ngày 18/1 sắp tới sẽ bàn thảo cả vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp có thể liên quan đến đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp, đưa Ủy ban Giám sát Quốc gia vào Hiến pháp, và loại bỏ quy định nhiệm kỳ Chủ tịch nước không quá hai khóa để mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình. Việc ĐCSTQ dùng toàn bộ phiên họp toàn thể lần thứ nhất để thảo luận về sửa đổi Hiến pháp được xem là hiếm thấy, trong đó đáng chú ý nhất là việc ông Tập mong muốn sửa đổi quy định nhiệm kỳ Chủ tịch nước.

GettyImages 902914794
Thông tin cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ sửa Hiến pháp tại phiên họp toàn thể trung ương lần thứ hai, nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo lần thứ ba (Ảnh: Mark Schiefelbein – Pool/Getty Images)

Ngày 12/1, ông Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị nghiên cứu những đề xuất trong việc sửa đổi Hiến pháp, đã quyết định đề xuất “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” và đệ trình xem xét tại Phiên họp Toàn thể lần thứ hai.

Thông tin từ truyền thông chính thức của ĐCSTQ cho biết, Phiên họp Toàn thể lần thứ hai tổ chức vào hai ngày 18 và 19/1 sắp tới sẽ thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp.

Trên tờ Apple Daily (Hồng Kông) ngày 13/1, bình luận viên về Trung Quốc Lưu Nhuệ Thiệu cho biết, theo thông lệ, các Phiên họp Toàn thể lần thứ hai chủ yếu thảo luận về sắp xếp nhân sự của Chính phủ khóa tới, thảo luận “về việc sửa đổi Hiến pháp” thường rất hiếm.

Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng, việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp là không còn nghi ngờ gì. Đối với những tin đồn việc sửa đổi quy định nhiệm kỳ Chủ tịch nước không quá hai khóa để mở đường cho ông Tập Cận Bình nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, tác giả cho rằng vấn đề này không phải là không có khả năng.

Theo một bài bình luận trên Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) ngày 12/1, thông thường các nhiệm kỳ trước, Phiên họp Toàn thể thứ hai thường cử hành vào nửa sau tháng Hai, nhưng thời gian tổ chức lần này lại sớm hơn trước cả tháng, có lẽ liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm trong sửa đổi Hiến pháp, cần thời gian để cân nhắc thay đổi.

Tác giả nhận định rằng, trong quan điểm của các nhà lãnh đạo hàng đầu ĐCSTQ, tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp cao hơn rất nhiều so với vấn đề nhân sự. Bởi vì nhìn chung từ sau Đại hội 19 tình hình nhân sự đã ổn định, việc quyết định nhiệm kỳ mới vào thời điểm “lưỡng hội” chỉ là thứ yếu. Tuy nhiên, sửa đổi Hiến pháp hoàn toàn khác, là một bước quan trọng để củng cố hệ thống tập trung quyền lực thời đại Tập Cận Bình.

Bài viết chỉ ra ba điểm chính trong sửa đổi Hiến pháp lần này: một là đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp; hai là sửa đổi nhiệm kỳ Chủ tịch nước; ba là vấn đề tăng cường vai trò của Ủy ban Giám sát Quốc gia. Nhưng Ủy ban Giám sát Quốc gia cũng chẳng qua là treo thêm biển cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hợp nhất giữa Đảng và Chính phủ để mở rộng quyền lực, quan trọng nhất vẫn là hai vấn đề đầu.

Đối với đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp, tác giả cho rằng “Lý luận Đặng Tiểu Bình” cũng chỉ được đưa vào Điều lệ Đảng sau cái chết của Đặng, còn “Tư tưởng Tập Cận Bình” lại đưa vào Điều lệ Đảng ngay trong nhiệm kỳ của ông Tập, và chỉ sau Đại hội 19 được vài tháng đã chuẩn bị đưa vào Hiến pháp, liền một mạch thông qua các hình thức pháp lý để tiến thêm một bước thiết lập tư tưởng dẫn đạo và vị trí hạt nhân. Điều này phản ánh tính cấp bách và quan trọng trong sửa đổi hiến pháp lần này.

Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh vấn đề nhiệm kỳ của Chủ tịch nước có thay đổi hay không là một vấn đề rất cấp bách. Hiến pháp hiện hành quy định Chủ tịch nước chỉ có thể tái đắc cử một lần, tức nhậm chức thời hạn 10 năm, cả ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều tuân theo quy định này. Nếu muốn tiếp tục nhậm chức vào năm 2023, ông Tập phải thông qua sửa đổi Hiến pháp lần này để phá bỏ hạn chế, nếu để gần mãn khóa có muốn sửa đổi cũng không kịp.

Về nguyên nhân thực sự khiến ông Tập Cận Bình nóng lòng sửa đổi Hiến pháp mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba, có quan điểm cho rằng vì liên quan đến tình hình đấu tranh quyền lực trong nội bộ. Như giới quan sát từng chỉ ra, tại Đại hội 19 ông Tập không toàn thắng, cuộc đấu tranh phe phái trong cỗ máy quyền lực Trung Quốc chưa thuyên giảm, thậm chí còn dữ dội hơn.

>> Đại hội 19: Tập Cận Bình nhiều lần nhắc từ “tranh đấu”, Giang Trạch Dân như bị tê liệt trên ghế

Ngày 31/12/2017, Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) có bài nhận định cho rằng cái gọi là “Hội nghị đời sống dân chủ trong Đảng” tổ chức vào cuối năm, tất nhiên là xác định việc sửa đổi hiến pháp được thảo luận vào tháng Giêng, liên quan đến việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp, đưa Ủy ban Giám sát vào Hiến pháp, và có thể liên quan đến vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Hai vấn đề đầu tiên chỉ là hình thức, nếu vấn đề cuối thành sự thật, sẽ liên quan đến việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử, có nghĩa là ông Tập sẽ cầm quyền dài hạn. Từ những ngôn từ đưa tin về cuộc họp đời sống dân chủ cho thấy, vấn đề cốt lõi là mọi người phải bảo vệ “Tập hạt nhân”. Theo tác giả, nhìn từ lịch sử ĐCSTQ, việc mở “Hội nghị đời sống dân chủ trong Đảng” thường là vào giai đoạn then chốt, khi cuộc đấu đá nội bộ gay gắt nhất.

Trang Epoch Times có nhận định, trong hơn 5 năm qua, ông Tập Cận Bình “đả hổ” chống tham nhũng đã thanh trừng hàng loạt quan to cầm quyền đại diện cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân khống chế hệ thống công an, quân đội, chính pháp, tiêu biểu như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang…. qua đó đã chạm đến lợi ích then chốt của phái Giang. Nếu bây giờ ông Tập Cận Bình chỉ làm hai nhiệm kỳ, một khi bị mất quyền lực thì bản thân ông và gia đình có thể sẽ gặp chuyện không hay.

Đài VOA (Mỹ) trích ý kiến của biên tập viên Hồ Bình thuộc tạp chí bình luận chính trị ‘Mùa xuân Bắc Kinh’ cho biết, ông Tập Cận Bình đang tiếp tục tìm kiếm quyền lực vào năm 2022 khi Trung Quốc diễn ra Đại hội 20, “bởi vì đã đi đến vị trí này thì không thể dừng lại được nữa, từ bỏ quyền lực sẽ gây nguy hiểm cho ông ta.”

Tuyết Mai

Xem thêm: