Việc thanh trừng trong ngành công an Trung Quốc đột nhiên gia tăng tốc độ trước Đại hội 19. Kênh truyền thông Hồng Kông bình luận, điều này chứng tỏ ông Tập Cận Bình đã bắt đầu thanh trừ ông Tăng Khánh Hồng, được xem là cội nguồn độc hại của Chu Vĩnh Khang.

20160504042800544 small
Ông Giang Trạch Dân (trái) và ông Tăng Khánh Hồng (phải)

Ngày 2/8, Trưởng Ban Chính trị Bộ Công an Hạ Sùng Nguyên và Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an Trương Trí Văn đã bị điều tra.

Trương Trí Văn từng là Bí thư Cảnh vệ của nguyên lão Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Tiên Niệm. Trang Apple Daily tiết lộ, Trương Trí Văn từng làm Cục trưởng Cục 12 Bộ Công an (Cục Kỹ thuật Trinh sát). Theo đó ông Vương Kỳ Sơn và nhiều quan chức cao cấp khác đều nghi ngờ là bị nghe lén trong thời gian Chu Vĩnh Khang nắm quyền.

Hạ Sùng Nguyên là người Giang Tây, nhậm chức suốt thời gian tài trong Ban Tổ chức Trung ương, đến năm 2013 thì thuyên chuyển sang làm Trưởng Ban Chính trị Bộ Công an.

Tờ Đông Phương Nhật báo (Oriental Daily) của Hồng Kông từng xuất bản bài báo viết rằng, ông Tăng Khánh Hồng từng làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, là cấp trên của Hạ Sùng Nguyên, quê quán cũng ở Cát An, Giang Tây rất gần với nhà của Hạ Sùng Nguyên. Mà Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay là Quách Thanh Côn cũng là người Hưng Quốc, Giang Tây, cả ba người này đều là đồng hương, nên khó tránh khỏi người ngoài liên tưởng việc họ có mối liên hệ nhất định.

Bài báo bình luận, trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình nhất định phải nắm quyền kiểm soát ngành công an, quân đội và truyền thông trong tay. Dường như hiện Bộ Công an đang không chỉ thanh trừ những tàn dư độc hại của thời Chu Vĩnh Khang, mà còn bắt đầu thanh trừ nguồn gốc gieo mầm độc lên ông này là ông Tăng Khánh Hồng.

Chu Vĩnh Khang đi lên từ ngành dầu mỏ, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Đất đai, sau đó đến Bộ Công an thì con đường thăng tiến mở rộng nhờ sự “nâng đỡ” của ông Tăng Khánh Hồng. Có thể nói ông Tăng chính là “sếp lớn” của Chu. Quay ngược trở lại, ông Tăng cũng thông qua Chu để kiểm soát chặt chẽ hệ thống chính trị pháp luật.

Bài viết còn nhấn mạnh, hệ thống chính trị pháp luật dưới sự khống chế của ông Tăng, đã không còn đáp ứng được yêu cầu chính trị của ông Tập Cận Bình.

Hệ thống chính trị pháp luật của ĐCSTQ luôn là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của phe phái ông Giang Trạch Dân, nhất là thời kỳ Chu Vĩnh Khang nắm quyền kiểm soát, đã tạo thành một “trung ương quyền lực thứ hai” sau ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Đứng sau Chu Vĩnh Khang kỳ thực chính là ông Giang Trạch Dân và “quân sư” của ông, Tăng Khánh Hồng.

Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, hàng loạt quan chức cao cấp thuộc phe Giang như Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh, Vũ Trường Thuận, Trương Việt… lần lượt ngã ngựa. Trước Đại hội 19 sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, xu hướng thanh trừ dường như đang tiếp tục tiến về phía trước.

Ngày 24/4, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đăng tải bài viết nói rằng, cần phải tiến hành thanh trừ những người còn bị ảnh hưởng độc hại của Chu Vĩnh Khang tại Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Ngày hôm sau, ông Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị chuyên môn của Bộ Chính trị Trung Quốc nhằm kiểm tra báo cáo của các đơn vị trong hệ thống chính trị pháp luật. Từ đó trong giới quan trường Bắc Kinh lan truyền rằng, một cuộc đại thanh trừ sắp diễn ra trong Bộ Công an.

Ngày 9/6, ông Trần Trí Mẫn Thứ trưởng Bộ Công an bị cách chức. Trần Trí Mẫn chính là một quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị pháp luật thời kỳ Chu Vĩnh Khang tại vị.

Ngày 16/6, nguyên Giám đốc Công an Trùng Khánh Hà Đĩnh vốn “biến mất” một thời gian khá lâu được xác nhận là đã bị cách chức. Khương Duy Bình, một bình luận viên thời sự kỳ cựu nhận định rằng, Hà Đĩnh vốn là một “thủ hạ” đắc lực của Chu Vĩnh Khang, ông này đã hối lộ cho Chu không biết bao nhiêu tiền của để được đặc cách đề bạt thăng chức.

Ngày 31/7, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý giám sát an toàn lao động quốc gia Dương Hoán Ninh bị lập án thẩm tra. Ông này nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, cũng được cho là một tàn dư trọng yếu của Chu Vĩnh Khang.

Minh Ngọc

Xem thêm: