Những năm gần đây, hình ảnh ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Tạ Đình Phong với vai trò đầu bếp trong chương trình truyền hình thực tế ẩm thực Chef Nic (12 đạo phong vị) đã trở nên quen thuộc với khán giả Trung Quốc. Trong lần quảng bá chương trình ở Bắc Kinh mới đây, anh đã thẳng thắn nêu ra hiện trạng thực phẩm bẩn tràn lan ở Đại Lục, điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Ta Dinh Phong
Gần đây, Tạ Đình Phong khi quảng bá chương trình “12 đạo phong vị” tại Bắc Kinh đã thẳng thắn nêu lên vấn nạn thực phẩm bẩn ở Đại Lục.

Theo Apple Daily, Tạ Đình Phong hiện thường trú tại Bắc Kinh. Ngôi sao này thường tự mình đi mua thức ăn nên tự nhiên hiểu được tình hình thực phẩm ở địa phương. Anh đã mở một cửa hàng bánh tại Hồng Kông, gần đây khi có phóng viên hỏi xem anh có cân nhắc mở thêm một cửa hàng nữa ở Bắc Kinh không, Tạ Đình Phong đã trả lời: “Tôi rất thích sáng tạo ra các món ăn mới, nhưng nếu muốn kinh doanh một nhà hàng, thì không phải hề đơn giản, vì yêu cầu của tôi về vấn đề an toàn và tươi mới của thực phẩm là rất cao, tôi cảm thấy rất khó khăn, ít nhất là ở giai đoạn hiện nay, cảm thấy không biết sẽ phải kinh doanh nhà hàng ở đây như thế nào.”

Tiếp đó, Tạ Đình Phong còn đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc Đại Lục: “Về vấn đề thực phẩm, tôi phát hiện rằng trong vòng 10 năm qua chúng ta ở Trung Quốc, nhu cầu đối với lương thực thực phẩm của mỗi người ngày một tăng, nhưng nói về an toàn thực phẩm, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng nơi này thì dùng dầu ăn giả, nơi khác lại là gạo giả; nơi này không thể ăn, nơi khác thì đồ ăn lại còn bị nhiễm chì.”

Việc Tạ Đình Phong lo ngại về vấn đề thực phẩm bẩn ở Trung Quốc chỉ có truyền thông Hồng Kông đưa tin, không có kênh truyền thông lớn nào ở Đại Lục dám nói điều này. Qua nhiều năm, hàng loạt vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc đã bị phanh phui, chẳng hạn như sữa nhiễm độc, dầu ăn lọc từ nước cống, thịt siêu nạc hay nhiều vụ bê bối thực phẩm khác…

Tờ East Network (Hồng Kông) đưa tin rằng ông Lý Xuân Hoa, Bí thư đảng ủy Sở Nghiên cứu Hoàn cảnh và Phát triển Đô thị thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái đã phát biểu trong Diễn đàn về phát triển đô thị Trung Quốc rằng, năm 2015 có hơn 10.000 người Trung Quốc chết vì vấn đề an toàn thực phẩm, kinh tế cũng bị tổn thất 5 tỷ nhân dân tệ. Ông Lý Xuân Hoa cũng tiết lộ, Trung Quốc mỗi năm lượng dầu ăn sản xuất từ nước thải lên đến 2-3 triệu tấn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm gồm có ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng phân bón hóa học, lạm dụng kháng sinh, cũng có cả sự đóng góp nhân tố con người, chẳng hạn như thiếu sự ước thúc về mặt tinh thần, hình thành những ý niệm sai lệch hoặc biến dị, trong quá trình sản xuất có những sơ hở về các biện pháp quản lý…

Đáng chú ý là những nguyên nhân như ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng phân bón hóa học, lạm dụng thuốc kháng sinh… lại chính là hệ quả của việc “hình thành những ý niệm sai lệch hoặc biến dị”. Bài báo còn nói, để phát triển kinh tế, nhà cầm quyền Trung Quốc suốt mấy chục năm không ngừng hy sinh hoàn cảnh sống của nhân dân, theo đuổi sự phát triển kỹ thuật số thuần túy, hoạch định những chính sách vì lợi ích ngắn hạn, muốn thể hiện với thế giới sự lợi hại của mình, chỉ vì những thành quả ngắn hạn mà quên đi cuộc sống của người dân, sức khỏe của người dân và khiến thế hệ sau của Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả.

Bài báo cũng đề cập đến lý do tại sao ở các nước phương Tây, vấn đề an toàn thực phẩm lại làm tốt, là bởi các mắt xích tham gia vào đều tuân thủ quy định nghiêm ngặt, thêm nữa là người dân phương Tây đều có tôn giáo tín ngưỡng cơ bản, những quy phạm đạo đức của tôn giáo đã quy định những giới tuyến nhất định cho người ta làm theo. Ngược lại, Trung Quốc là một xã hội không hề có ranh giới nào, hiện tại người Trung Quốc đã bắt đầu phải chịu trách nhiệm cho những hành vi này, đã phải trả một cái giá khá đắt.

Minh Ngọc

Xem thêm: