Ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2016, đáng chú ý là Ngoại trưởng Rex Tillerson đặc biệt đề cập đến tình hình ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “hàng chục người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị tử vong trong các cơ sở giam giữ”. Ngay sau đó, bà Sarah Cook, chuyên gia nghiên cứu Á Châu của tổ chức Freedom House nhận định, tín hiệu này cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực sự quan tâm đến tình huống của những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Bà Sarah Cook, chuyên gia nghiên cứu Á Châu của tổ chức Freedom House.

Bộ Ngoại giao Mỹ quan ngại về tình hình của những người tập Pháp Luân Công

Trao đổi với báo chí, bà Cook phát biểu: “Ngoại trưởng Rex Tillerson đề cập đến Pháp Luân Công, đặc biệt là việc những người tập Pháp Luân Công vì kiên định với tín ngưỡng của họ mà bị bức hại đến chết, điều này cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực sự chú ý đến tình hình của những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc, biết được rằng họ phải đối mặt với cuộc bức hại tàn khốc đến mức độ nào, và chính phủ Mỹ không ngại thảo luận công khai về những phương thức tra tấn tàn bạo này.”

Báo cáo Tự do Tôn giáo còn tham khảo nhiều bản cáo cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng như các bài báo trên các kênh thông tấn quốc tế, trong phần về Trung Quốc còn trích dẫn những nội dung trên các kênh như Minh Huệ, Đại Kỷ Nguyên, Tự do Á châu, Hiệp hội Viện trợ Trung quốc (China Aid Association-CAA)… Một số nhà phân tích tin rằng báo cáo của các chuyên gia, các nhóm tôn giáo cũng như các kênh truyền thông cùng với sự biến động nhân sự trong giới lãnh đạo cao cấp của chính phủ Trung Quốc, đều có thể là những xúc tác khiến ông Tillerson chú ý đến tình huống của những người tập Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công không được lòng dân – Nội bộ đảng chia rẽ

Theo báo cáo, năm 2016 đã có 80 người tập Pháp Luân Công tử vong trong thời gian bị giam giữ hoặc không lâu sau khi được trả tự do. Báo cáo trích dẫn số liệu từ tổ chức Dialogue Foundation và chỉ ra, ít nhất có 3.403 người tập Pháp Luân Công bị giam giữ, 330 người bị bỏ tù, tuy nhiên những người bị bắt và kết án thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, trong năm 2016, tại nhiều địa khu ở Trung Quốc, các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp đã từ chối khởi tố hoặc tuyên án những người tập Pháp Luân Công.

Bà Cook phân tích, hiện tượng này còn phản ánh rằng, bản thân nội bộ ĐCSTQ cũng không có thái độ đồng nhất về vấn đề Pháp Luân Công. Chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ xưa nay chưa từng thay đổi, nhưng rất nhiều quan chức cấp cao vốn đi đầu trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đã lần lượt ngã ngựa trong chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, bao gồm cả cựu chủ nhiệm Phòng 610 Lý Đông Sinh và cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang vốn thuộc phe Giang Trạch Dân. Điều này cho thấy ngay trong bản thân giới lãnh đạo cao cấp cũng có sự khác biệt, quan chức ở nhiều địa phương đã có sự đồng cảm với Pháp Luân Công và không muốn tiếp tục chấp hành chính sách bức hại. Tất nhiên, điều này cũng còn xuất phát từ nỗ lực của những người tập Pháp Luân Công suốt nhiều năm qua vẫn kiên trì nói rõ tình huống cuộc bức hại cho các giai tầng xã hội ở Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm đại sứ tự do mới cũng cho thấy tín hiệu lạc quan

Bà Cook cũng nhận định, việc ông Samuel Brownback, Thống đốc bang Kansas được đề cử làm đại sứ phụ trách về tự do tôn giáo quốc tế hồi tháng trước cũng là một bước tiến đáng kể của chính quyền ông Trump.

Ông Samuel Brownback năm nay 61 tuổi, năm 1994 ông được bầu nghị sỹ quốc hội, năm 1996 trở thành thượng nghị sỹ Hoa Kỳ và đến năm 2011 thì trở thành Thống đốc bang Kansas. Từ năm 1990-1991, ông Brownback được tuyển vào tham gia chương trình White House Fellow của Nhà Trắng, cũng từng kiến tập ở vị trí đại diện thương mại Mỹ.

Khi còn là thượng nghị sỹ, ông Samuel Brownback đã tích cực tham gia vào vấn đề tự do tôn giáo. Bà Cook cho rằng, cho dù là thúc đẩy tự do tín ngưỡng toàn cầu, hay là xem xét đặc biệt đến tình huống ở Trung Quốc, ông Brownback đều là một ứng cử viên lý tưởng cho vị trí đại sứ về tự do tôn giáo. Từng có kinh nghiệm công tác tại chính phủ Mỹ, đồng thời cũng tham gia nhiều cuộc đàm phán với chính phủ ngoại quốc, ông hoàn toàn có thể thúc đẩy mạnh mẽ tự do tôn giáo. Vì vậy, bà Cook dự đoán, khả năng cao là Thượng nghị viện sẽ sớm phê chuẩn để ông Brownback đảm nhận vị trí đại sứ tự do tôn giáo.

Minh Ngọc

Xem thêm: