Theo Reuters, một số doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đã thuê nhân công giá rẻ ở Bắc Triều Tiên để giảm chi phí sản xuất hoặc chuyển các đơn đặt hàng cho công xưởng dệt may của Bắc Triều Tiên, sản phẩm may mặc sau đó sẽ được gán nhãn “Made in China” và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc Hoàng Tùng Bình cũng xác nhận, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, trong đó phần lớn là các nguyên liệu dệt may và các hàng hóa truyền thống cần nhiều sức lao động khác không có trong danh sách cấm của Liên Hợp Quốc.

Reuters cho hay, trong cuộc phỏng vấn với đại diện một nhà máy dệt may ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, nhà máy này đã thuê khoảng 40 nhân công Bắc Triều Tiên làm việc liên tục từ 7:30 sáng đến tận 10 giờ tối, với mức lương 2.000 nhân dân tệ/tháng, chỉ bằng 1 nửa số tiền chi trả cho nhân công Trung Quốc. Chủ sở hữu nhà máy còn nói rằng, 2/3 số tiền lương này công nhân sẽ phải đưa lại cho chính phủ Bắc Triều Tiên.

Hiện có hơn 10 cơ sở may mặc hoạt động tại Đan Đông đóng vai trò trung gian cho các nhà cung cấp may mặc Trung Quốc chuyên xuất khẩu hàng đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.

Một số công ty Trung Quốc thậm chí còn gửi đơn đặt hàng sang các nhà máy dệt may ở Bắc Triều Tiên, thành phẩm sau đó được gán mác “Made in China” và xuất khẩu đi toàn thế giới. Khi gia công ở Triều Tiên như vậy, các nhà sản xuất thậm chí có thể tiết kiệm đến 75% chi phí.

Bắc Triều Tiên có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn, mỗi doanh nghiệp sở hữu nhiều nhà máy, và đáng chú ý là tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước. Một số nhà máy của Bắc Triều Tiên nằm ở thành phố Siniuju, gần với Đan Đông, Trung Quốc. Các nhà máy khác nằm bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Quần áo thành phẩm có thể được vận chuyển trực tiếp từ Triều Tiên đến các cảng của Trung Quốc và sau đó tỏa đi khắp thế giới.

Một nữ doanh nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên hiện sống tại Đại Liên cho biết, bà vẫn luôn muốn tìm kiếm đối tác gia công quần áo ở Bắc Triều Tiên, nhưng đáng tiếc là các nhà máy ở đây đều đã kín lịch.

Doanh nhân này nhấn mạnh rằng thuê nhân công Bắc Triều Tiên hiệu suất cao hơn hẳn, bởi vì “Người dân Triều Tiên có thái độ khác với người Trung Quốc, vốn đi làm chỉ để kiếm tiền. Người Triều Tiên thì tin rằng họ đang làm việc cho đất nước của họ, cho lãnh đạo của họ.” Công nhân may mặc ở Triều Tiên có năng suất lao động cao hơn 30% so với công nhân Trung Quốc: “Ở Triều Tiên, công nhân nhà máy không được tự do đi vệ sinh khi họ muốn, vì nếu không sẽ bị cho là làm chậm tiến độ của cả dây chuyền.”

Tuy nhiên, tuyển công nhân người Bắc Triều Tiên cũng có một số “phiền phức”, nữ doanh nhân này cho biết, công nhân Bắc Triều Tiên phải sinh hoạt trong một không gian riêng biệt, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Họ có bác sĩ, y tá và đầu bếp riêng, các nhà máy cũng phải có giáo viên tổ chức các khóa học ý thức hệ Bắc Triều Tiên mỗi ngày.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, quốc gia này lại tìm cách xuất khẩu lao động để tìm kiếm ngoại tệ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầy tham vọng của mình. Biện pháp trừng phạt mới đây nhất đối với Bắc Triều Tiên của Liên Hợp Quốc chính là cấm các quốc gia khác gia tăng số lượng nhân công thuê mướn từ Bắc Triều Tiên.

Chính phủ Trung Quốc trước nay chưa từng công bố có bao nhiêu công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc, nhưng ông Thành Hiểu Hà, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ước tính con số này đã giảm dần từ thời kỳ cao điểm 2-3 năm trước.

Trí Đạt

Xem thêm: