Trong thời gian xảy ra sự kiện Lục Tứ, Quân đoàn trưởng Quân đoàn 38 Từ Cần Tiên đã từ chối dẫn quân đàn áp sinh viên, hiện nay ông vẫn đang bị giam lỏng tại nhà. Theo thông tin từ truyền thông Hồng Kông, sức khỏe của ông không được tốt, tuy nhiên chính quyền lấy lý do “không đủ người” nên đãi ngộ đối với ông ngày càng kém.

sự kiện lục tứ
Sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn trong sự kiện Lục Tứ năm 1989 (Ảnh: Getty Images)

Tờ Apple Daily của Hồng Kông hôm 17/1 có dẫn nguồn tin từ Trung tâm Vận động Nhân quyền (Hồng Kông) cho biết, ông Từ Cần Tiên – Quân đoàn trưởng Quân đoàn 38, người từng từ chối dẫn quân vào Bắc Kinh để đàn áp sinh viên và người dân thành phố tham gia thỉnh nguyện hòa bình trong sự kiện Lục Tứ, sau khi mãn hạn tù về nhà, vẫn luôn bị giam lỏng tại Thạch Gia Trang, chính quyền không chỉ ngăn cản bạn bè đến thăm, mà còn phái người giám sát, nếu ông muốn ra ngoài, phải được sự phê chuẩn của cơ quan liên quan.

Bản tin cho biết, tình hình sức khỏe của ông không được tốt, ngoài mắc các bệnh về tuổi già, mắt phải của ông đã không nhìn thấy gì, thị lực mắt trái cũng rất kém. Nhưng do ông từng “chống lại mệnh lệnh”, quân đội lấy lý do không đủ người để đãi ngộ ngày càng kém với ông.

Trong thời gian xảy ra sự kiện Lục Tứ năm 1989, ông Từ Cần Tiên là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 38. Khi đó, ông đã từ chối chấp hành nhiệm vụ đàn áp sinh viên do đương nhiệm Chủ tịch Quân ủy Trung ương khi đó là Đặng Tiểu Bình ký. Sau đó, ông bị tước bỏ chức vụ Quân đoàn trưởng, bị phạt tù 5 năm.

Được biết, sự kiện Từ Cần Tiên kháng lệnh đàn áp sự kiện Lục Tứ là vô cùng nhạy cảm, trong văn tự công khai của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề nhắc đến việc kháng lệnh này, trong cuốn “Bộ đội sắt thép: Lịch sử Quân đoàn Lục quân 38” phát hành nội bộ cũng chỉ có hơn 10 chữ ngắn ngủi: “Nguyên Quân đoàn trưởng Từ Cần Tiên kháng quân lệnh, từ chối không chấp hành nhiệm vụ giới nghiêm”.

>>Diễn biến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989

Đối với sự kiện Từ Cần Tiên kháng lệnh, tại Trung Quốc Đại Lục có nhiều đồn đại khác nhau.

Trong đó có một phiên bản nói, sau khi mệnh lệnh tác chiến được thảo ra, đã được đưa trước cho Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Dương Thượng Côn, Phó chủ tịch thứ nhất Triệu Tử Dương; Dương Thượng Côn yêu cầu Đặng Tiểu Bình ký trước rồi mình mới ký, vì thế mà mệnh lệnh được đưa cho Đặng Tiểu Bình, Đặng ký xong, Dương mới tiếp tục ký. Tuy nhiên Từ Cần Tiên từ chối chấp hành mệnh lệnh, cho rằng Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Triệu Tử Dương không ký tên. Từ Cần Tiên nói: “Mệnh lệnh này tôi không thể chấp hành được, nó không phù hợp với quy định điều binh của Quân ủy Trung ương”.

Theo quy định liên quan của Quân ủy Trung ương, nếu điều động từ một tiểu đội trang bị vũ khí trở lên tiến vào Bắc Kinh, thì cần phải có mệnh lệnh điều binh của Quân ủy Trung ương, trên mệnh lệnh điều binh đồng thời cần có chữ ký của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình, Phó chủ tịch thường vụ Quân ủy Trung ương Dương Thượng Côn và Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Triệu Tử Dương, thiếu 1 trong 3 đều không được.

Một phiên bản khác nữa là, tháng 3/1989, khi ông Từ Cần Tiên đang huấn luyện quân sự, không cẩn thận nên bị ngã gẫy chân, nên phải nằm ở Bệnh viện Đa khoa Quân khu Bắc Kinh. Trong thời gian 40 ngày nằm viện, ông đã chính mắt nhìn thấy phong trào sinh viên ở Bắc Kinh.

Giữa tháng 5/1989, ông đột nhiên bị gọi đến Bộ Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, Tư lệnh viên Quân khu Bắc Kinh Chu Y Băng và Chính ủy Lưu Chấn Hoa đã truyền đạt mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương cho Từ Cần Tiên, yêu cầu Quân đoàn 38 hỏa tốc tiến vào Bắc Kinh, chấp hành nhiệm vụ giới nghiêm, ngăn cản “bạo loạn”.

Tại đó, Từ Cần Tiên không biểu thị kháng lệnh, mà chống gậy quay trở về thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc triệu tập hội nghị để tuyên truyền mệnh lệnh của Quân ủy. Sau khi sắp xếp xong tất cả, Từ Cần Tiên gọi điện cho Tư lệnh viên Quân khu Bắc Kinh trước, nói bản thân đang bị thương nên không thể dẫn quân vào Bắc Kinh được. Đồng thời nói, dù cấp trên định tội danh nào cho ông, ông cũng sẽ chấp nhận. Sau đó, ông xin nghỉ ốm để rời khỏi quân đội, lại trở về Bệnh viện Đa khoa Quân khu Bắc Kinh.

Năm 2014, tờ New York Times từng đăng bài viết tiết lộ bí ẩn phía sau việc quân đội tham gia trấn áp trong sự kiện Lục Tứ. Bản tin cho biết, Từ Cần Tiên từng nói với học giả lịch sử Dương Kế Thằng rằng, “thà bị chém đầu, cũng không làm tội nhân lịch sử”.

Trí Đạt

Xem thêm: