Lịch sử nhân loại cho thấy, các nhà trí thức là những mục tiêu tấn công thường xuyên của các chế độ tàn bạo nhằm đàn áp sự bất đồng chính kiến. Ở Trung Quốc, sự khoe khoang của ông Mao Trạch Đông về việc này đã đẩy phong trào chống trí thức lên một mức độ cao hơn nữa.

Một cuộc diễu hành trong những năm 1950 biểu thị sự ủng hộ đối với phong trào của đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: internet)
Một cuộc diễu hành trong những năm 1950 biểu thị sự ủng hộ đối với phong trào của đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: internet)

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền năm 1949, nhân dân Trung Hoa đã bị bao phủ bởi một bầu không khí sợ hãi cùng cực bởi các cuộc vận động giết người liên tục của ông Mao Trạch Đông. Từ cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1950, ông Mao đã huy động nông dân Trung Quốc giết chết tầng lớp địa chủ, theo ước tính đã gây ra cái chết của hàng trăm ngàn đến vài triệu người. Ở nhiều nơi, các cuộc đấu tố diễn ra thường xuyên và nông dân vừa là quan tòa, vừa là thẩm phán và vừa là đao phủ. Trước tình hình khủng bố đó, giới trí thức Trung Quốc đã không thể cất lên tiếng nói của họ về bất kỳ điều gì của ĐCSTQ.

Nhưng sau khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev lên án người tiền nhiệm Joseph Stalin, ông Mao phải thay đổi vì lúc đó Trung Quốc đang đi theo mô hình kinh tế tương tự như Liên Xô dưới thời của Stalin.

Hãy để cho trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận,” ông Mao trích một bài thơ nổi tiếng của Trung Quốc.  Vào năm 1956, “Phong trào Trăm hoa đua nở” đã được đặt ra, khuyến khích công chúng, đặc biệt là trí thức, phê bình ban lãnh đạo của ĐCSTQ và đưa ra giải pháp cho các chính sách quốc gia của Đảng.

“Chính quyền cần sự phê bình của nhân dân,” Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói. “Nếu không có sự phê bình này thì chính quyền sẽ không thể hoạt động như một Chế độ Chuyên chính Dân chủ Nhân dân. Vì vậy, cơ sở của một chính quyền lành mạnh sẽ bị mất… Chúng ta phải học từ những sai lầm cũ, tiếp thu tất cả các hình thức phê bình lành mạnh, và làm những gì mà chúng ta có thể để trả lời những ý kiến phê bình này.”

Nhưng đây không phải là nỗ lực chân chính để sửa chữa sai lầm của chế độ ĐCSTQ, thay vào đó, phong trào “Trăm hoa đua nở” đã trở thành một cuộc tấn công lớn nhất vào những nhà trí thức trong lịch sử, khi hàng trăm ngàn người vì nói lên suy nghĩ của mình đã bị chụp mũ “khuynh hữu” và bị tấn công.

Mao Trạch Đông tại Đại hội Nhà nước Tối cao, tháng 5 năm 1956. (Ảnh: internet)
Mao Trạch Đông tại Đại hội Nhà nước Tối cao, tháng 5 năm 1956. (Ảnh: internet)

Các nhà trí thức có chuyên môn khác nhau, bao gồm luật sư, học giả, nhà khoa học, nhà văn… đã vội vã tham gia vào chiến dịch này. Theo cuốn “Tìm kiếm Trung Quốc Hiện đại” của nhà lịch sử về Trung Quốc Jonathan D. Spence, họ phê bình các quan chức ĐCSTQ về mức sống thấp, về việc can dự vào công việc của họ, về những khẩu hiệu, áp-phích, tham nhũng, “đi theo các mô hình của Liên Xô như nô lệ” và về việc “các đảng viên được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi khiến họ xa rời dân như thế nào” (và điều này bằng như việc phản bội lại một lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-xít).

Các áp-phích được treo ở khắp Trung Quốc, tố cáo mọi khía cạnh của chế độ và phê phán các Đảng viên.

Vào năm 1957, hàng triệu bức thư được gửi tới văn phòng của Thủ tướng Chu Ân Lai và các cơ quan khác của Đảng.  Một số người tổ chức các cuộc mít-tinh, giương áp-phích, và thậm chí đăng các bài phê phán.

“Các Đảng viên, nhờ việc chiếm giữ các vị trí lãnh đạo và được ở các vị trí thuận lợi, dường như được hưởng các đặc quyền đặc lợi quá nhiều ở mọi phương diện,” trích một bức thư của một giáo sư đại học.

Theo một bức thư từ biên tập viên tờ Quang minh Nhật báo, sau năm 1949, “các trí thức đã nồng nhiệt ủng hộ Đảng và chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng.  Nhưng trong một vài năm qua, mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng đã không tốt và đã trở thành một vấn đề của đời sống chính trị của chúng ta mà cần sự chấn chỉnh cấp bách. Then chốt của vấn đề là ở đâu?  Theo ý kiến của tôi … Tôi nghĩ rằng một đảng lãnh đạo một quốc gia không giống như một đảng sở hữu một quốc gia; công chúng ủng hộ Đảng, nhưng những thành viên của công chúng vẫn chưa quên rằng họ là những người chủ của quốc gia.”

Bà Trương Nhung (Jung Chang), một nhà lịch sử học và cũng là nhà phê bình Mao Trạch Đông, giải thích lý do đằng sau phong trào này như sau:

“Đó là một năm trước khi những người trí thức có được dũng khí để đáp lại lời kêu gọi của ông Mao Trạch Đông, đầu tiên là với những lời phê phán mạnh mẽ đối với những mẫu hình được áp đặt trong giáo dục, sau đó là với những phê phán rộng hơn đối với chế độ chính trị xã hội nói chung… Sự phê phán về xã hội rộng hơn tập trung vào vai trò độc tài của đảng trong mọi quyết định, khoảng cách ngày càng lớn giữa đảng và những chuyên gia không phải là đảng viên, và nhiều lạm dụng khác nhau đối với đặc quyền đặc lợi của tầng lớp thượng lưu chính trị mới.”

Làn sóng phê bình sôi sục này rốt cuộc cũng đã đi quá giới hạn chịu đựng của Mao và các “chiến hữu”. Họ tuyên bố những lời phê bình đó đã vi phạm mức độ “lành mạnh” mà không giải thích rõ hơn. Sau đó, ông Mao Trạch Đông lên án những bức thư đó là “có hại và không kiểm soát được”.

Vì vậy, vào khoảng giữa năm 1957, việc phê bình đã không còn được khoan thứ nữa.

Những người đã lên tiếng phê bình ĐCSTQ và ông Mao Trạch Đông bị lên án là “Cánh hữu” và Phong trào Trăm hoa đua nở đã nhường đường cho Phong trào Chống Cánh hữu, bắt đầu vào mùa hè năm 1957.

Mao Trạch Đông ra lênh vây bắt giới trí thức, xử tử họ hoặc đày đi lao động khổ sai trong các trại cải tạo. Sau đó Mao tuyên bố phong trào đã thắng lợi, nói rằng chiến dịch đã “dụ rắn ra khỏi hang”. Khoảng 300.000 đến 500.000 người đã bị dán nhãn là Cánh hữu, trong đó có nhiều người là trí thức, nghệ sĩ, nhà khoa học và nhà văn.

Năm 1958, trong một bài phát biểu trước các Đảng viên, Mao thậm chí còn hùng hồn tuyên bố rằng: Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ giết 46 chục nho sĩ, còn chúng ta đã giết cả 46 ngàn thằng trí thức hủ nho ấy chứ. Trong cuộc trấn áp phản cách mạng, chẳng phải chúng ta đã giết cả những thằng trí thức phản cách mạng hay sao? Tôi đã tranh luận với những người theo phái dân chủ buộc tội chúng ta là hành động như Tần Thủy Hoàng. Tôi nói rằng họ đã nhầm. Chúng ta còn vượt xa ông ta đến cả trăm lần ấy chứ”.

Tuy nhiên, gần đây giới nghiên cứu đã chỉ ra, việc “chôn Nho” của Tần Thủy Hoàng, trên thực tế không phải là nhà Nho mà là giới phương sĩ (người cầu tiên học đạo), họ không chỉ đi lừa mị thiên hạ bằng phương thuật mà còn chửi rủa chính quyền mới khiến Tần Thủy Hoàng tức giận.

Một giả thuyết đã được đưa ra về động cơ thực sự của ông Mao Trạch Đông. Bà Trương Nhung và sử gia Clive James cho rằng chiến dịch của Mao từ đầu đã là một sự dối trá khiến những người được gọi là Cánh hữu và phản cách mạng lộ diện, cung cấp cho Mao và ĐCSTQ một kẻ thù mới để loại trừ. Bác sĩ riêng của Mao là Lý Chí Tuy cũng đã có những luận điểm tương tự, cho rằng Phong trào Trăm hoa đua nở là “một canh bạc, dựa trên tính toán rằng những người phản cách mạng thực sự chỉ còn ít… và các trí thức khác thì nghe theo sự lãnh đạo của Mao, cho nên họ sẽ lên tiếng chống lại những người và những cách làm nào mà bản thân Mao cũng muốn cải tạo lại nhất.”

Ngày nay, việc thảo luận về Phong trào Chống Cánh hữu bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Dự án Truyền thông Trung Quốc của Đại học Hồng Kông lưu ý năm 2009 rằng điều này được coi là một “chủ đề nguy hiểm” vì nó động chạm đến “những tội ác của ông Mao Trạch Đông và những thất bại nghiêm trọng của hệ thống chính trị của Trung Quốc.”

Một năm sau đó, Mao Trạch Đông phát động phong trào Đại nhảy vọt, là một chiến dịch thảm họa gây ra cái chết của hàng chục triệu người.

Đại nhảy vọt thúc Trung Quốc tăng sản lượng thép trong khi hợp tác xã hóa nông nghiệp. Đại nhảy vọt dẫn đến một khối lượng lớn thép được sản xuất ra với chất lượng kém (nông dân nấu chảy công cụ lao động của chính mình để đáp ứng yêu cầu của Đảng), đàn áp những ai chống lại, và chết đói trên diện rộng.

Năm 1959, Đại nhảy vọt được thảo luận ở Hội nghị Lushan, một cuộc họp của những người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Tại hội nghị, Tướng Bành Đức Hoài đã phê bình những thất bại của Đại nhảy vọt và sau đó bị dán nhãn là Cánh hữu. Sau hội nghị, bất cứ sự phê bình nào đối với các chính sách của Đảng đều bị coi là tương đương với phê bình chính ông Mao Trạch Đông, sẽ bị thanh trừng để củng cố thêm quyền lực của Mao.

Theo ước tính, ĐCSTQ đã giết hại khoảng 100 triệu người qua các cuộc vận động cách mạng trong lịch sử cầm quyền. Mời Quý độc giả xem bài “Tóm tắt lịch sử giết người của đảng Cộng sản Trung Quốc” để hiểu thêm về quá trình này.

Lâm Hùng (T/H)

Xem thêm: