Ngày 29/1, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn được chọn vào danh sách đại biểu Nhân đại toàn quốc khóa tiếp theo tại tỉnh Hồ Nam, thông tin tiếp tục làm nóng dư luận về vấn đề nhậm chức Phó Chủ tịch nước của ông Vương.

CFP455538039
Trong đấu tranh chính trị khốc liệt của bộ máy chính trị Trung Quốc, hướng đi sắp tới của ông Vương Kỳ Sơn sẽ như thế nào?

Ngày 29/1, báo mạng Caixin tại Trung Quốc Đại Lục dẫn thông tin từ Nhật báo Hồ Nam chỉ ra, Hội nghị lần 1 Nhân đại khóa 13 tỉnh Hồ Nam tổ chức ngày 29/1 đã công bố Danh sách đại biểu Nhân đại toàn quốc, tổng cộng 118 người được lựa chọn, bao gồm cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn.

Theo danh sách công bố, trong số 118 đại diện, xếp thứ tự theo họ, ông Vương Kỳ Sơn đứng thứ hai.

Cùng ngày, Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) cũng quan tâm đến thông tin này. Tờ này có nhận định, theo thông lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ kiêm nhiệm Đại biểu Nhân đại toàn quốc, nhưng sau khi giải nhiệm thì không còn được kiêm nhiệm nữa. Nhưng trường hợp ông Vương Kỳ Sơn lại không như thế. Điều này đặt vấn đề có thể ông Vương Kỳ Sơn sẽ được tái bổ nhiệm, theo những tin đồn đoán thì có thể nhậm chức Phó Chủ tịch nước hoặc trở thành đại biểu dự thính trong các hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị.

Trang tin “Số 01 Hồng Kông” (Hk01) chỉ ra,  việc ông Vương Kỳ Sơn vào danh sách đại biểu Nhân đại tại tỉnh Hồ Nam cho thấy có thể Vương sẽ có nhiệm vụ chính trị mới.

Còn Đài truyền hình Tân Đường Nhân thì có bài viết tựa đề “Vương Kỳ Sơn vào đại biểu Nhân đại nơi đất khách, chức Phó Chủ tịch nước đã định”.

Trong nhiệm vụ giúp ông Tập Cận Bình chống tham nhũng, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn đã đắc tội với vô số thế lực lợi ích, vì thế thường trở thành đối tượng công kích. Trước Đại hội 19, cuộc chiến dư luận đặc biệt sôi nổi liên quan đến liệu ông Vương Kỳ Sơn có tiếp tục tư cách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị nữa hay không. Khi đó có nhiều thông tin rò rỉ Vương sẽ ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng kết quả đã thoái vị tại Đại hội 19, gợi nhiều suy đoán trong đấu đá tình hình nội bộ.

Nhưng sau Đại hội 19, việc ông Vương Kỳ Sơn thường xuyên xuất hiện trước công chúng đã kéo theo những thông tin suy đoán Vương sẽ sớm trở lại chính trường.

Vào ngày 7/11/2017, ông Vương Kỳ Sơn đã đăng một bài báo dài trên Nhân dân Nhật báo bàn về Đại hội 19. Hai ngày sau, Vương lại tham gia yến tiệc cùng ông Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Một số cơ quan truyền thông nhận định, việc ông Vương Kỳ Sơn liên tục xuất hiện dù đã thoái vị cho thấy đang chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Nhật báo SingTao (Hồng Kông) sau đó nhận định, Vương Kỳ Sơn sẽ không triệt để rút lui, sẽ nhận lời mời của ông Tập Cận Bình nhậm chức Phó Chủ tịch nước.

Tờ Liên hợp (Singapore) cũng chỉ ra, ông Vương Kỳ Sơn sẽ thay thế ông Lý Nguyên Triều làm Phó Chủ tịch nước. Bộ Chính trị đã nghiên cứu thông qua đề án Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc, đã lên kế hoạch quá trình chuyển tiếp và có bố trí hợp lý cho ông Vương Kỳ Sơn.

Ngày 01/12/2017, SCMP (South China Morning Post, Hồng Kông) chỉ ra, mặc dù ông Vương Kỳ Sơn đã nghỉ hưu nhưng vẫn có đặc quyền được tham dự các cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ngày 25/1, Nhật báo Đông Phương (Orientaldaily, Hồng Kông) nhận định, ông Vương Hộ Ninh sẽ đi theo con đường của ông Lưu Vân Sơn để tập trung vào công tác Đảng, không còn kiêm chức vụ trong Nhà nước. Các thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị không có ai phù hợp thay thế nhiệm vụ này, vì thế ông Vương Kỳ Sơn là ứng viên sáng nhất, nhiều khả năng sẽ nhậm chức Phó Chủ tịch nước.

Trang Số 01 Hồng Kông trước đó đã dẫn lời nhà quan sát nhận định, nếu ông Vương Kỳ Sơn quay lại chính trường trong vai trò là Phó Chủ tịch nước, theo thông lệ sẽ kiêm nhiệm công tác trong Ban Lãnh đạo Đối ngoại Trung ương, cũng sẽ nằm trong Ủy ban Trung ương về Đài Loan và Ủy ban Trung ương về Hồng Kông và Ma Cao.

Minh Báo (Mingpao, Hồng Kông) có bình luận cho rằng, nhìn vào lịch sử, chức vụ Phó Chủ tịch nước tại Trung Quốc có 5 kiểu mô hình: thứ nhất là mô hình “vương tử” Tập Cận Bình thời Hồ Cẩm Đào; thứ hai là mô hình “thưởng công” nguyên lão gồm Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Ô Lan Phu, Vương Chấn; thứ ba là mô hình mặt trận thống nhất phi cộng sản thời Tống Khánh Linh, Vinh Nghị Nhân; thứ tư là mô hình “giám sát quân đội” Tăng Khánh Hồng; thứ năm là mô hình “nhàn rỗi” (hữu danh vô thực) Lý Nguyên Triều. Nếu ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức Phó Chủ tịch nước sẽ tạo ra mô hình mới không có trong quá khứ, tức mô hình thứ sáu, theo đó chức Phó Chủ tịch nước của ông Vương Kỳ Sơn sẽ có thực quyền, hoàn toàn khác với ông Lý Nguyên Triều.

Tuyết Mai

Xem thêm: