Theo nhận định của phe dân chủ Hồng Kông, trong thời gian diễn ra Hội nghị AFEC, ông Tập Cận Bình đã nhắc nhở ông Lương Chấn Anh không nên tiếp tục gây chia rẽ xã hội Hồng Kông. Họ cũng cho rằng phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân gồm ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Đức Giang và ông Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh chính là căn nguyên làm tình hình Hồng Kông bất ổn.

Ông Lương Chấn Anh (Ảnh: Getty Images).

Bỏ ngỏ vị thế quyền lực của Lương Chấn Anh

Ngày 21/11, Tân Hoa xã Trung Quốc đưa tin, chiều 20/11 tại thủ đô Lima – Peru, ông Tập Cận Bình đã gặp ông Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh tại Diễn đàn APEC. Ông Tập Cận Bình hy vọng chính quyền Đặc khu do ông Lương Chấn Anh phụ trách “tiếp tục thực hiện chính sách hệ thống cơ sở, gắn kết đồng thuận xã hội rộng rãi”.

Ngày 21/11, Đài Á châu Tự do cũng đưa tin, khi trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận câu chuyện chức vị Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông còn bỏ ngỏ.

Về thông tin do Tân Hoa xã đưa ra, ông James To, nghị sĩ Hội đồng Lập pháp thuộc đảng Dân chủ Hồng Kông cho biết, thực tế là ông Tập Cận Bình muốn nhắc nhở ông Lương Chấn Anh không nên tiếp tục gây chia rẽ xã hội Hồng Kông. Ông James To nói: “Dĩ nhiên bản thân ông Lương Chấn Anh muốn tiếp tục giữ chức vụ, tôi cảm thấy trong giai đoạn này chuyện gắn kết và đồng thuận xã hội rất quan trọng, không nên tiếp tục trò gây chia rẽ, phân hóa, làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội, tôi cho rằng trong vài tháng còn lại, chính quyền Đặc khu, đặc biệt là ông Lương Chấn Anh cần phải rất cẩn trọng”.

Theo giới quan sát, thời gian bầu cử lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Hồng Kông chỉ còn 4 tháng, nhưng việc Bắc Kinh giữ im lặng như vậy là rất hiếm thấy, theo thông lệ trước đây thì Bắc Kinh đã có thái độ ủng hộ rõ ràng.

Ngày 22/11, tờ Sing Pao của Hồng Kông đưa tin, trong thời gian Diễn đàn APEC, ông Tập Cận Bình đã “làm mặt lạnh” rõ ràng với ông Lương Chấn Anh, không chỉ không nhắc đến chuyện bầu cử Hồng Kông mà cũng không có thái độ “ủng hộ” ông Lương Chấn Anh. So với bản tin đưa vào năm 2015 thì năm nay Tân Hoa xã Trung Quốc không còn nhắc đến chuyện “tận lực ủng hộ Trưởng Đặc khu hành chính”.

>> Lương Chấn Anh không chỉ không tái đắc cử mà còn có thể bị xử lý?

Theo thông tin, ông Tập Cận Bình chỉ bày tỏ hy vọng lãnh đạo Đặc khu Lương Chấn Anh “tiếp tục thực hiện chính sách hệ thống cơ sở, gắn kết đồng thuận xã hội rộng rãi”, lời nhắn nhủ này đã đánh trúng điểm yếu của Lương Chấn Anh, vì ông Tập Cận Bình hiểu rõ thành tích kém cỏi trên nhiều phương diện của ông Lương Chấn Anh.

Bà Starry Lee, Chủ tịch đảng DAB cho rằng, ông Tập Cận Bình không cho thấy có thái độ ủng hộ việc giữ chức vụ của ông Lương Chấn Anh.

Theo giáo sư Lau Siu-kai, Phó Hội trưởng Hội Nghiên cứu Hồng Kông – Ma Cao, hiện nay Bắc Kinh chưa cho thấy có tín hiệu nào ủng hộ việc tiếp tục nắm quyền Hồng Kông đối với ông Lương Chấn Anh.

Theo bà Anson Chan, cựu Bộ trưởng Bộ Công tác Chính trị Hồng Kông, từ buổi trò chuyện của ông Tập Cận Bình và Lương Chấn Anh cho thấy Bắc Kinh dường như không ủng hộ Lương Chấn Anh tiếp tục nắm quyền.

Bị truyền thông Hồng Kông thân Trung Quốc lên án

Bài bình luận ngày 11/11 của người lấy bút danh “Hán Giang Tiết” (Hanjiangxie) đăng trên trang nhất của tờ Sing Pao Hồng Kông cho rằng, trong thời gian Hội nghị toàn thể lần 6 đã xuất hiện một số quan chức cấp cao đặc biệt “có mưu đồ khác, âm thầm chỉ đạo sự kiện diễn giải Hiến pháp Hồng Kông, họ muốn xây dựng “hạt nhân Trương Đức Giang”.

Theo tác giả, sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể lần 6, ông Trương Đức Giang dùng thân phận là Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc yêu cầu “diễn giải Luật Cơ bản” đối với sự kiện tuyên thệ của một số nghị sĩ trúng cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Một nhân vật khác tham gia tổ chức giật dây làm rối loạn tình hình Hồng Kông còn là ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông cùng phe cánh, những người này đã có những phát ngôn gây kích động mâu thuẫn xã hội Hồng Kông.

Bài viết còn nhận định, ông Lưu Vân Sơn, người nắm quyền lực hệ thống tuyên truyền Trung Quốc cũng tích cực phối hợp với ông Trương Đức Giang, dùng hệ thống truyền thông như Nhật báo Nhân dân (bản nước ngoài), báo Văn hối, Đại Công báo Hồng Kông để gây sức ép diễn giải Luật Cơ bản.

Mục đích của kế hoạch nhằm hủy tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp của các nhân vật như Leung Kwok-hung, Nathan Law, Cheng Chung-tai, Shiu Ka-chun, Chan Chi-chuen và Eddie Chu, kéo vụ rắc rối này đến đợt bầu cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông vào tháng 3/2017 để làm cho Hội đồng Lập pháp không thể tập trung gây sức ép với ông Lương Chấn Anh, giúp ông Lương Chấn Anh có thêm nhiều cơ hội giữ được chức vụ.

Trước đó, vào ngày 5/11 cũng đã có bài bình luận lên án ông Trương Đức Giang đăng ngay trang nhất của tờ Sing Pao Hồng Kông. Theo bài viết, nhân lúc tòa án Hồng Kông vẫn đang trong quá trình xem xét lại vấn đề tuyên thệ không chuẩn mực của một số nghị sĩ trúng cử, ông Trương Đức Giang đã hành động nhằm gây sức ép. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, ông Trương Đức Giang đã phối hợp cùng Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông cùng ông Lương Chấn Anh.

Mộc Vệ

Xem thêm: