Trong danh sách Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Khóa 19, ông Lật Chiến Thư đứng thứ ba, được dự đoán là người kế nhiệm ông Trương Đức Giang làm Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc. Theo phân tích của truyền thông Hồng Kông, hiện sắp thành lập mới Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật, và ông Lật Chiến Thư sẽ là Tổ trưởng, quyền lực vượt xa ông Trương Đức Giang trước đây.

Embed from Getty Images

Trong danh sách Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 19, ông Lật Chiến Thư đứng sau ông Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình, chiếu theo thông lệ sẽ là người kế nhiệm ông Trương Đức Giang làm Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc, giới quan sát dự đoán ông Lật Chiến Thư cũng sẽ phụ trách Tổ Điều phối Công tác Hồng Kông – Ma Cao.

Trong báo cáo tại Đại hội 19 ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, phải “thành lập Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật”, “đẩy mạnh thống nhất lãnh đạo kiến thiết pháp trị Trung Quốc”.

Ngày 9/11, Minh Báo (Hồng Kông) có phân tích, theo như Báo cáo tại Đại hội 19 đề ra việc thành lập tổ chức mới gọi là “Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật”, nếu không có gì bất ngờ thì tổ trưởng sẽ do ông Ủy viên trưởng Nhân đại tương lai Lật Chiến Thư kiêm nhiệm.

Bài viết cho rằng, trong mỗi khóa khác nhau, chức vụ kiêm nhiệm của các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ sẽ có sự phân bổ mới, ví dụ tại Đại hội 16 và 17 thì chức Tổ trưởng Tổ Điều phối Công tác Hồng Kông – Ma Cao lần lượt do hai Ủy viên Thường vụ là Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng và Tập Cận Bình kiêm nhiệm, nhưng Đại hội 18 lại do Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang kiêm nhiệm, còn khóa này dự tính sẽ do ông Lật Chiến Thư kiêm nhiệm.

Theo phân tích, nếu ông Lật Chiến Thư lại được bổ nhiệm chức Tổ trưởng Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật thì vai trò nặng nề hơn ông Trương Đức Giang nhiều.

Có nhận định, Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật được thành lập để tổ chức và chỉnh đốn lại hệ thống Chính pháp. Tờ China Times của Đài Loan dẫn ý kiến của ông Vương Tín Hiền, Hiệu trưởng Đại học Chính trị Đông Á cho rằng, vì Tiểu tổ cải cách sâu sắc hóa toàn diện Trung ương do ông Tập Cận Bình làm Tổ trưởng cơ hồ đã thay thế quyền lực của chính phủ. Xem ra Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật chính là một thủ đoạn để ông Tập Cận Bình thu hồi quyền lực của hệ thống Chính pháp.

Từ thời ông La Cán, Chu Vĩnh Khang đến nay, hệ thống Chính pháp luôn nằm trong kiểm soát của phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, bị xem là “Trung ương thứ hai” đối đầu với ông Tập Cận Bình. Có nhận định, sau ván cờ khốc liệt Đại hội 19, phái Giang vẫn cài lại ba đại diện trong hệ thống này: Bí thư Ban Chính pháp Quách Thanh Côn, Kiểm sát trưởng tối cao Tào Kiến Minh, Viện trưởng Pháp viện Tối cao Chu Cường.

Gần đây, ông Quách Thanh Côn (được cho là thân tín của cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng) từ Bộ trưởng Bộ Công an được thăng chức Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật, người thay thế nhậm chức ở Bộ công an là ông Triệu Khắc Chí, một cán bộ cũ của ông Lật Chiến Thư.

Có nhận định cho rằng, nếu ông Lật Chiến Thư nhậm chức Tổ trưởng Tiểu tổ Lãnh đạo Toàn diện trị nước theo pháp luật thì sẽ cùng ông Triệu Khắc Chí thành bộ đôi giáp công làm suy yếu quyền lực của ông Quách Thanh Côn, vây cánh phái Giang trong hệ thống Chính trị pháp luật lại tiếp tục bị chỉnh đốn.

Ông Lật Chiến Thư được cho là tâm phúc của ông Tập Cận Bình. Minh Báo (Hồng Kông) từng có bình luận, vào những năm 1980 ông Lật Chiến Thư có quan hệ thân với ông Tập Cận Bình thời ông Tập làm Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, là quan chức dòng chính của phe ông Tập.

Tại Đại hội 18, ông Lật Chiến Thư được vào Bộ Chính trị, sau khi nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đã dồn sức thanh trừng phe cựu lãnh đạo Lệnh Kế Hoạch. Nhiều tâm phúc của Lệnh trong cơ quan này bị điều tra, bị chuyển công tác. Ngoài ra, ông Lật Chiến Thư cũng thường xuyên tháp tùng bên cạnh ông Tập Cận Bình khi đi thị sát bên ngoài, tham gia tích cực trong nhiều hoạt động khác, rất được lòng ông Tập.

Tuyết Mai

Xem thêm: