Ông Hoa Quốc Phong là Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc từ năm 1976 đến năm 1980 và là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ năm 1976 đến 1981 (sau khi ông Mao Trạch Đông mất năm 1976). Ông Hoa Quốc Phong là người có vai trò lớn trong việc kết thúc Cách mạng Văn hóa bằng việc loại bỏ Tứ Nhân Bang (“Bè lũ bốn tên” gồm: Giang Thanh – vợ thứ tư của Mao Trạch Đông, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn) ra khỏi ĐCSTQ. Sau đó, ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền lực trong ĐCSTQ, thực hiện các cải cách kinh tế. Chức Thủ tướng của ông Hoa Quốc Phong là do ông Triệu Tử Dương kế nhiệm, còn ông Hồ Diệu Bang nắm chức Chủ tịch Đảng tiếp theo.

Hoa Quoc Phong va Mao Trach Dong
Ông Hoa Quốc Phong (trái) và ông Mao Trạch Đông (phải)

Giáo sư Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ Trầm Bảo Tường trong bài viết “Hồ Diệu Bang và Hoa Quốc Phong” thuộc buổi phát biểu “Lãnh đạo Văn tuyển” vào kỳ thứ 5 năm 2010 cho biết, ông Hoa Quốc Phong vô cùng tín nhiệm và coi trọng ông Hồ Diệu Bang. Trước sau năm 1978, chỉ trong vòng nửa năm, ông Hoa Quốc Phong đã hai lần nói chuyện dài với ông Hồ Diệu Bang, tiết lộ nguyên nhân việc bắt giữ Tứ Nhân Bang, thừa nhận việc có khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và quốc tế, cũng như tiết lộ việc con số về nhân khẩu thực sự của Trung Quốc đã bị che giấu.

Không bắt Tứ Nhân Bang nhất định sẽ có nội chiến

Lần thứ nhất ông Hoa Quốc Phong nói chuyện cùng ông Hồ Diệu Bang là vào tháng 12 năm 1977. Nội dung chủ yếu liên quan đến sự tình việc đánh tan Tứ Nhân Bang. Ông Hoa Quốc Phong nói: “Lúc đó chỉ nghĩ rằng, làm không thành công thì làm thế nào? Bị Tứ Nhân Bang giết? Không hề nghĩ nhiều về việc đó mà chỉ nghĩ là phải làm thật nhanh chóng. Khi nghĩ xem phải sử dụng biện pháp nào, như là mở Đại hội Đảng Toàn quốc, cũng không được, các công cụ dư luận đều nằm trong tay bọn họ. Nhưng mà nếu cứ để mặc như vậy thì thế nào cũng sẽ xảy ra nội chiến. Tứ Nhân Bang nhất định sẽ thất bại nhưng tổn thất cũng sẽ rất lớn. Chỉ nghĩ ra cách là phải tìm thời cơ để bắt họ lại”.

Thừa nhận khoảng cách với quốc tế rất lớn

Ông Hoa Quốc Phong có lần nói chuyện thứ hai với ông Hồ Diệu Bang vào ngày 4/7/1978. Hai người nói chuyện từ 3 giờ chiều, một mạch đến 1 giờ sáng, tổng cộng hơn 9 tiếng đồng hồ, một phút cũng không nghỉ, vừa ăn cơm vừa nói chuyện, chủ yếu về kinh tế.

Ông Hoa Quốc Phong nói về khoảng cách rất lớn so với quốc tế: “Máy cấy là phát minh của chúng ta, người Nhật học tập và đưa vào sử dụng, chỉ trong 3 năm đã phổ cập, thế mà chúng ta đến tận nay vẫn cứ mãi chưa qua được cửa đầu tiên”. “Ở nước ngoài, cơ giới hóa trại nuôi gà, 150.000 con gà, chỉ hai hộ dân là quản lý được. Nông trường Hồng Tinh của chúng ta, 280.000 con gà, cần 280 người và 4 cán bộ”. “Nước Mỹ một năm 700 triệu tấn than, 190.000 người. Chúng ta 500 triệu tấn than, 2,2 triệu người”. “Chúng ta 3,1 triệu tấn thép, công nhân hơn 3 triệu người, con số này so với tổng số công nhân luyện thép toàn thế giới cộng lại thì cũng không chênh là bao nhiêu”. “Ở nước tư bản chủ nghĩa, rất nhiều công nhân làm ở vị trí quan trọng, lương so với chủ xưởng còn cao hơn. Họ 1 tuần nghỉ 2 ngày, đi tàu hỏa ra ngoài du lịch. Chúng ta hiện tại thì là chủ nghĩa làm tốt làm không tốt, làm hay không làm thì đánh đồng giống nhau”. “Đường Sơn có một nhà máy phát điện hiện đại do Nhật giúp chúng ta. Chúng ta cho người đi học nửa năm, quay về mà vẫn chưa thao tác được”.

Che giấu thống kê nhân khẩu thực tế của Trung Quốc

Ông Hoa Quốc Phong trong lúc nói chuyện cũng cho biết, không thể cho nước ngoài biết được con số thực tế nhân khẩu Trung Quốc, “Trung Quốc có 970 triệu người, chúng ta không thể tuyên bố nhiều như vậy, công bố việc đông dân chỉ làm cho người ta sợ, hội phí Liên Hợp Quốc lại phải thêm vào vài chục triệu NDT”.

Đối với vấn đề giáo dục, ông Hoa Quốc Phong còn thể hiện ý kiến tán đồng việc ông Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách du học nước ngoài, đối với việc du học sinh tại nước ngoài “thẩm tra không cần phải quá ngặt nghèo, có vài người trốn đi cũng không phải việc gì lớn”. Ông Hoa Quốc Phong nói, “Hôm vừa rồi tôi có nói với người của Bộ Tổ chức, người bỏ trốn, sớm thì đã có Ủy viên Bộ Chính trị Trương Quốc Đảo (Lãnh đạo ĐCSTQ những năm 1920~1930, sau chuyển sang Quốc Dân Đảng). Cũng chẳng mang đi được nhiều bí mật gì to tát. Sợ cái gì mà sợ”.

Bài viết còn cho biết, ông Hoa Quốc Phong đối với ông Hồ Diệu Bang rất tín nhiệm và coi trọng, cả việc trị quốc trị đảng, các kế hoạch đều cùng ông này thương luận, hỏi ý kiến. Sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, phái nguyên lão trong nội bộ ĐCSTQ xuất hiện vấn đề, sau đó những người như ông Đặng Tiểu Bình và Trần Vân nhằm nắm giữ quyền lực tối cao, đã dùng nhiều thủ đoạn để ép ông Hoa Quốc Phong phải đệ đơn từ chức vào năm 1981. Ông Hoa Quốc Phong bị mất dần các chức vụ có quyền lực mà chỉ giữ các chức vụ “hữu danh vô thực”, dần dần rời khỏi vũ đài chính trị.

huaguofeng1936191a336515017 ss
Ông Hoa Quốc Phong vào những năm cuối đời sau khi rời khỏi vũ đài chính trị ĐCSTQ

Dương Thiên Long

Xem thêm: