Gần 5 năm qua, hơn 1 triệu quan chức lớn nhỏ đã bị “ngã ngựa” trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn. Trong đó có nhiều quan chức cấp cao thuộc phe cánh của ông Giang Trạch Dân. Giới quan sát cho rằng đằng sau những vụ án này là một cuộc chiến ngầm vô cùng kịch liệt.

GettyImages 513502618
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Chống tham nhũng đã động chạm đến tập đoàn lợi ích

Theo các tài liệu được công bố mới đây của Ủy ban Kiểm ra Kỷ luật Trung Ương cho thấy, trong 5 năm “đả hổ” chống tham nhũng, Trung Quốc đã có 1,3 triệu tham quan bị “ngã ngựa”. Trong quan trường của ĐCSTQ, dường như tham quan ngã ngựa đã trở thành điều thường thấy và không có gì đáng kinh ngạc.

Hai ông Tập – Vương, một người chỉ đạo chống tham nhũng, một người “cầm kiềm” chống tham nhũng, đã động chạm đến rất nhiều tập đoàn lợi ích, khiến cho các tập đoàn này tấn công lại một cách điên cuồng, trong đó phải kể đến là tập đoàn do ông Giang Trạch Dân đứng đầu. Trang tin tức Duowei News dẫn lời một nhân sĩ giấu tên ở Trung Nam Hải cho biết, chính vì như thế nên cơ quan an ninh của ĐCSTQ mới đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn đặc biệt đối với ông Tập và ông Vương.

Vị nhân sĩ này còn cho biết, truyền thông không thấy bóng dáng của ông Vương Kỳ Sơn xuất hiện, nên đua nhau đồn đoán rằng ông đang xử lý đại án, mà quên rằng lúc nào ông cũng đối mặt với nguy hiểm. Còn giới quan sát thường tập trung tiêu điểm vào phong cách lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, nhưng lại chưa từng nghĩ đến ông bị uy hiếp đến mạng sống khi đối diện với rất nhiều đối thủ mạnh.

Theo trang tin điện tử của báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ngày 26/7/2017, trong bài phát biểu trước quan chức cấp cao trong nội bộ ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình có nói, trong 5 năm qua “đã giải quyết được rất nhiều vấn đề khó mà trong thời gian dài muốn giải quyết nhưng không giải quyết  được, đã làm được rất nhiều việc lớn trong quá khứ muốn làm mà chưa làm được”. Có bình luận nói, đằng sau việc “giải quyết được vấn đề khó khăn” và “làm được việc lớn”, đều ẩn chứa những “nước cờ sinh tử” của ông Tập Cận Bình.

Mấy năm gần đây, trên mạng cũng có nhiều thông tin nói ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn bị ám sát. Đối với những thông tin này, ĐCSTQ không thể ra mặt để khẳng định là có thật, nhưng cũng không bác bỏ.

Ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, chính quyền của ông Tập Cận Bình nặng lời chỉ trích

Ngày 24/7/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, ngày 26-27/7, ông Tập Cận Bình mở một hội nghị tại Bắc Kinh với quy mô chưa từng có. Tham gia hội nghị này có 7 Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc, Ủy ban Chính hiệp, các quan chức cấp tỉnh, tướng lĩnh quân đội, v.v. Tuy nhiên hội nghị này chỉ được phép nghe, không được ghi chép gì, trên bàn cũng không có giấy bút, điều này ám chỉ nội dung bàn bạc của hội nghị vô cùng nhạy cảm.

Nhà bình luận chính trị Trần Phá Không chỉ ra, sau khi ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, tiếp đó là ông Tập Cận Bình chủ trị hội nghị cấp cao, không giấy, không bút, không nước uống, không biểu ngữ. Hội nghị “4 không” này là hội nghị hiếm gặp trong lịch sử của ĐCSTQ. Hội nghị này diễn ra cho thấy sự tranh giành quyền lực trong nội bộ cấp cao của ĐCSTQ đang diễn ra rất kịch liệt.

Ông Trần Phá Không còn cho biết, ông Tôn Chính Tài tham dự hoặc có mưu đồ chính biến, tức là thế lực tập trung chống lại ông Tập Cận Bình đã đưa ông Tôn Chính Tài lên làm người đứng đầu, để cho ông Tập Cận Bình “quyết một trận tử chiến” với ông Tôn Chính Tài. Điều này hoàn toàn có liên quan đến những tin đồn trong 5 năm qua về âm mưu chính biến, quân biến, ám sát, mưu sát.

Tại hội nghị này, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cách nói “4 điều bằng mọi giá”, trong đó có “bằng mọi giá phải bảo vệ lãnh đạo cấp cao đang ở đầu sóng ngọn gió”. Câu nói này chính là nhắm vào việc ông Vương Kỳ Sơn bị tỷ phú trốn khỏi Trung Quốc Quách Văn Quý tấn công bằng những lời vạch trần trên mạng.

Trên mạng internet có tin nói, ông Tôn Chính Tài vì tham dự hoặc đứng sau ủng hộ cho tỷ phú này nên mới “gặp nạn”.

Tỷ phú Quách Văn Quý cũng từng khen ngợi ông Tôn Chính Tài trong video công khai trên mạng internet của mình.

Thời gian khi ông Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa”, ông Tập Cận Bình đã tiết lộ trong trong bài phát biểu nội bộ

Ngày 29/7/2014, nhân vật chính trị cấp cao của ĐCSTQ Chu Vĩnh Khang bị lập án điều tra. Đến nay, ông Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị “ngã ngựa”.

Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa” chưa đầy một tuần, thì ngày 4/8/2014, tờ báo địa phương của ĐCSTQ là Nhật Báo Trường Bạch Sơn vô tình tiết lộ lời nói liên quan đến sống chết của cá nhân ông Tập Cận Bình trên mặt báo. Ông Tập nói: “Đấu tranh với tham nhũng, thì sống chết của cá nhân, khen chê của cá nhân không là gì cả.

Theo tờ Ta Kung Pao (Đại Công Báo, Hồng Kông) tiết lộ, ngày 26/6/2014, tại Hội nghị Bộ Chính trị ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình cũng có nói “Có người uy hiếp nói chúng ta hãy đợi đấy, tôi muốn chính thức nói với họ, ai sợ ai ! Năm xưa ông Chu Dung Cơ nói phải chuẩn bị 100 cỗ quan tài, 99 cỗ là để cho phần tử tham ô, còn một cỗ cuối cùng là để dành cho bản thân … đến nay, chúng ta cũng cần có dũng khí như vậy”. Đến ngày thứ 4 sau buổi phát biểu đó, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị khai trừ đảng tịch, và bị giao cho cơ quan kiểm sát quân sự xử lý.

Ngày 1/12/2013, sau khi Trung ương quyết định triển khai cuộc điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang, thì đến ngày 7/12/2013, tờ Nhật báo Đông Phương ( Hồng Kông) dẫn nguồn tin cho biết, có nhân sĩ thân cận với Trung Nam Hải nói, từ sau Hội nghị Bắc Đới Hà tháng 8/2012, ông Chu Vĩnh Khang đã có 2 lần mưu đồ ám sát ông Tập Cận Bình. Một lần là đặt bom hẹn giờ trong phòng họp, một lần khác là định tiêm thuốc độc nhân cơ hội ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301. Do tình hình lúc đó nguy cấp nên ông Tập đã di chuyển đến Trung tâm chỉ huy quân sự Tây Sơn để đề phòng bất trắc.

Nguồn tin cho biết, những âm mưu này đều do trợ lý của ông Chu Vĩnh Khang cùng người thuộc Cục cảnh vệ Bộ Công an Đàm Hồng thực thi. Ngày 1/12/2013, Đàm Hồng bị bắt. Cũng có tin tức nói, ông Tập Cận Bình tránh thành công 2 lần bị ám sát là do Thứ trưởng thường vụ Bộ Công an đương nhiệm lúc đó là Phó Chính Hoa đã bí mật báo cáo.

Ngày 29/3/2014, Nhật báo Đông Phương đưa tin, gia tộc ông Chu Vĩnh Khang bị phơi bày tự thiết lập “kho quân hỏa” dự trữ vũ khí đạn dược, con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân cũng có quan hệ mật thiết với ông trùm Lưu Hán, Lưu Hán cũng bị cáo buộc là có kho quân hỏa lớn, cảnh sát bắt giữ Lưu Hán và lục soát được 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng, hơn 2000 viên đạn.

Bài báo nói, cùng với việc kho quân hỏa của gia tộc Chu Vĩnh Khang bị lộ, chắc rằng bí ẩn liên quan đến chính biến của Chu cũng dần dần được đưa ra ánh sáng. Tháng 2/2012, âm mưu chính biến của Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai bị bại lộ, họ âm mưu để cho Bạc Hy Lai làm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật tại Đại hội 18, rồi sau đó 2 năm sẽ đoạt quyền từ tay ông Tập Cận Bình, tuy nhiên giữa chừng lại xảy ra sự kiện cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn khiến âm mưu chính biến bị phá sản, từ đó tại cao tầng ĐCSTQ công khai rạn nứt và tranh giành quyền lực.

Cảnh vệ của ông Tập Cận Bình nâng mức cảnh giới lên cấp cao nhất

Ngày 19/5/2015, tờ JoongAng Ilbo (Nhật báo Trung ương Hàn Quốc) đưa tin, ông Tập Cận Bình có “5 bức tường lửa” bảo vệ. Bức tường thứ nhất là, từ 1 – 5m xung quanh ông Tập sẽ có “cảnh vệ bảo vệ sát cạnh”, số lượng cảnh vệ viên gấp đôi so với các nước thông thường khác. Bức tường thứ 2 là khi ông Tập bước ra khỏi xe để gặp mặt trực tiếp với người ở các địa phương thì sẽ có một đoàn “cảnh vệ mặc thường phục”. Những cảnh vệ này phân tán trong đám đông, để ứng phó với tình huống bất ngờ. Bức tường thứ 3 là “cảnh vệ cố định”, xung quanh nơi ông tập đến, những địa điểm dễ tấn công sẽ được đội cảnh vệ này nắm chắc trong tay trước. Bức tường thứ 4 là “cảnh vệ đi trước”, đội cảnh vệ này sẽ điều tra điểm đến, nếu phát hiện tình hình khác thường sẽ lập tức hủy bỏ nhật trình liên quan. Bức tường thứ 5 là “cảnh vệ khẩn cấp”, đội cảnh vệ này sẽ ứng phó với tình huống xấu nhất là ông Tập bị tấn công, phụ trách giữ liên lạc 24/24h với đội ngũ y bác sĩ nơi ông Tập đến.

Bản tin còn cho biết, “5 bức tường lửa” này đều do Cục cảnh vệ Trung ương chỉ huy, binh lực của cảnh vệ thuộc về bí mật quốc gia, theo suy đoán có thể lên đến mấy chục ngàn người.

Ngày 1/7/2017 vừa qua, trong chuyến thăm Hồng Kông, khi ông Tập chuẩn bị rời sân bay, xung quanh chiếc xe chống đạn của ông được bố trí dày đặc nhân viên an ninh, thậm chí họ còn chạy theo xe đến khi xe đạt được tốc độ nhất định, lúc này mới đến đoàn xe an ninh đi theo.

Sau vụ Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa”, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tiết lộ sự khó khăn trong chống tham nhũng

Ngày 22/12/2012, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, cựu Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ Lệnh Kế Hoạch bị điều tra. Vụ án này được cho là một trong những vụ án phức tạp, sức ảnh hưởng chính trị nghiêm trọng nhất từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền đến nay.

Chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ là chức vụ quan trọng và quyền lực lớn. Tháng 12/2012, Thời báo New York Times dẫn lời của một quan chức của Ban tổ chức Trung ương ĐCSTQ nói: “Các quan chức nói, điện thoại của ông Lệnh Kế Hoạch cũng tương đương với điện thoại của ông Hồ Cẩm Đào.” (tức ông Lệnh Kế Hoạch có thể thay mặt ông Hồ Cẩm Đào)

Tội danh của ông Lệnh Kế Hoạch là “vi phạm nghiêm trọng quy định chính trị” và “thu thập trái phép lượng lớn thông tin bí mật quốc gia”. Tội danh thứ 2 có thể biểu hiện bằng việc ông Lệnh Kế Hoạch mua chuộc những người bên cạnh hoặc những người liên quan đến nhân vật cấp cao ĐCSTQ, giám sát nhiều quan chức cấp cao ĐCSTQ. Đồng thời còn xây dựng hệ thống tình báo của riêng mình, và hệ thống này đã “tác nghiệp” nhắm vào ông Tập Cận Bình từ lâu.

Sau khi ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa”, ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu tiến hành thanh lọc Văn phòng Trung ương Đảng. Đã có ít nhất 3 phó chủ nhiệm, 4 cục trưởng bị điều chuyển hoặc bị xử lý sau khi được điều chuyển công tác không lâu. Còn có gần 100 quan chức cấp sở bị điều chuyển, cách chức hoặc bị điều tra xử lý.

Trước khi ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa”, ông Tập Cận Bình cũng đã đưa ra ám chỉ. Ấn phẩm “Công tác thư ký” kỳ 6 năm 2014 của đơn vị chủ quản Văn phòng Trung ương Đảng đã đăng tải nội dung bài phát biểu tháng 5/2014 của ông Tập Cận Bình khi ông đi thị sát Văn phòng Trung ương Đảng, trong đó có nhắc đến “giữ vững 5 điều”, điều đầu tiên là “tuyệt đối trung thành”.

Sau khi ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa”, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn cũng tiết lộ mức độ khó khăn trong chiến dịch chống tham nhũng trong giai đoạn đó.

Trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có đăng bài phát biểu ngày 13/1/2015 của ông Tập Cận Bình tại  hội nghị của Ban Kiểm tra Kỷ luật. Ông Tập cho biết, đấu tranh chống tham nhũng vẫn rất khó khăn phức tạp, vẫn chưa giành được thắng lợi áp đảo.

Theo truyền thông Hồng Kông, trong hội nghị của quý 1 năm 2015 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn đã nói: “Công tác chống tham nhũng có liên quan trực tiếp đến ‘quyết đấu sinh tử tồn vong’, sinh tử không nói trước được, và tuyệt đối không có chút buông lơi, tuyệt không thể mỏi mệt và sợ hãi”.

Chỉnh đốn quân đội: lại một trận chiến sinh tử

Từ trước tới nay, ĐCSTQ luôn dựa vào nòng súng và ngòi bút để duy trì chính quyền. Trong 20 năm chấp chính và can chính của ông Giang Trạch Dân, vì để củng cố quyền lực mà đã thăng hàm nhiều tướng trong quân đội. Hai tâm phúc của ông Giang, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã giúp ông ta thực hiện “buông rèm chấp chính”, đứng sau thao túng khiến ông Hồ Cẩm Đào trở thành lãnh đạo “bù nhìn”. Trong quân đội, hai người này đã thực hiện mua quan bán tước một cách trắng trợn, những người mà họ  đề bạt được sắp đặt khắp quân đội.

Vì để triệt để chỉnh đốn tình hình rối loạn trong quân đội, ngăn chặn người của ông Giang Trạch Dân thao túng quân đội, có phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình bằng bất cứ giá nào cũng phải nắm quyền lực trong quân đội, từ đó thanh lọc và loại trừ thế lực của ông Giang Trạch Dân trong quân đội. Tại Hội nghị Công tác cải cách quân đội tháng 11/2015, ông Tập Cận Bình quả quyết “ai phản đối cải cách quân đội, chính là phản đối quân đội tiến bộ, người đó sẽ phải rớt đài!”.

Có kênh truyền thông ngoài Trung Quốc bình luận, những tình huống hung hiểm mà ông Tập Cận Bình phải đối diện trong 5 năm qua đã không thể hơn được quá trình chỉnh đốn quân đội và quá trình nắm lại từ đầu toàn bộ quân đội. Sự điều động nhân sự cấp cao trong quân đội có thể gọi là một “cuộc chiến sinh tử”.

Một bức thư công khai được lan truyền với tốc tộ rất nhanh trên Wechat có tựa đề “Cán bộ biết rõ tình hình gửi thư cho chủ tịch và trung ương đảng” tiết lộ, Quách Chính Cương – con trai ông Quách Bá Hùng, từng phao tin nói: “Có người muốn gây sự với nhà chúng tôi, đúng là nằm mơ giữa ban ngày, trên một nửa cán bộ trong toàn bộ quân đội là người nhà tôi đề bạt, họ đều đang ở những vị trí quan trọng.” Do đó có thể thấy, công cuộc chỉnh đốn quân đội của ông Tập khó đến mức độ thế nào.

Sau khi ông Từ Tài Hậu “ngã ngựa”, ông Quách Bá Hùng cũng trở thành mục tiêu tiếp theo. Tháng 4/2015, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin từ bên quân đội tiết lộ, so với ông Từ Tài Hậu, Quân ủy đang cẩn thận hơn trong việc xử lý ông Quách Bá Hùng. Bởi vì ông Quách Bá Hùng là phó Chủ tịch thứ nhất của Quân ủy, nên quyền lực cũng rất lớn, sức ảnh hưởng cũng lớn hơn ông Từ Tài Hậu; ông Từ Tài Hậu chủ quản về giáo dục chính trị và nhân sự trong quân đội, còn ông Quách Bá Hùng từ năm 2002 khi trở thành Phó Chủ tịch Quân Ủy, đã có trên 10 năm khống chế quân đội tác chiến và huấn luyện nhiệm vụ.

Khi đó có người lo lắng, nếu ông Tập Cận Bình tiếp tục lật đổ ông Quách Bá Hùng, nếu bị dồn ép quá, có thể ông Quách Bá Hùng sẽ liên kết với quân nhân từng được mình đề bạt để đối kháng với ông Tập Cận Bình.

Ông Quách Bá Hùng vẫn còn liên lạc với thế lực của ông Từ Tài Hậu trong quân đội sau khi ông Từ bị “ngã ngựa”, và cần quân đội “đoàn kết nhất trí” để đối kháng với ông Tập. Bức thư tố cáo của cán bộ nắm rõ tình hình được lan truyền trên internet đã tiết lộ trong năm 2014, ông Quách Bá Hùng đã bí mật gặp mặt tâm phúc để bàn bạc về sách lược, họ đã hình thành được cách nhìn vấn đề và kế hoạch tương đối nhất trí. Nội dung có nói, đối với chiến thuật tấn công du kích trong quân đội mà ông Tập Cận Bình vận dụng, cần phải chuẩn bị tỉ mỉ để chủ động xuất kích, nếu không chắc chắn chỉ có thể ngồi chờ chết; điểm yếu nhất của ông Tập trong quân đội chính là không có người nào của chính mình, ưu thế lớn nhất của chúng ta chính là từ trên xuống dưới đều có người của mình. Do đó tăng cường đoàn kết là rất quan trọng.

Để tránh xảy ra “điều ngoài ý muốn” trong quá trình bắt ông Quách Bá Hùng, ông Tập còn lựa chọn cách phòng ngừa quân đội phản kháng. Theo truyền thông ngoài Trung Quốc tiết lộ, trước Đại hội 18, tức khoảng thời gian “lão hổ” lớn trong quân đội là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị bắt, trụ sở lớn của Trung Nam Hải và Quân ủy đều có một đội ngũ bí mật nghe theo mệnh lệnh của ông Tập, trước sau chú ý đến động tĩnh của các “bè phái” trong nội bộ quân đội, đồng thời chỉ huy nhiều cơ quan quân đội giữ trạng thái chiến lược.

Song song với việc làm tốt công việc ngăn ngừa đối kháng, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn cũng tiến hành bí mật bao vây ông Quách Bá Hùng. Tháng 10/2014, tờ Minh Báo đưa tin, vợ chồng ông Quách Chính Cương do dính líu tới các vụ án liên quan nên cũng bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đưa đi để điều tra.

Nhưng đến ngày 14/1/2015, Quách Chính Cương lại được thăng chức lên thiếu tướng. Có tin nói, hành động này của ông Tập khiến tay chân của ông Quách Bá Hùng đều cho rằng Quách đã bình an rồi. Nhưng đây chỉ là “kế làm yên lòng quân” được ông Vương Kỳ Sơn sử dụng.

Ngày 9/4/2015, Trung ương quyết định tiến hành điều tra đối với ông Quách Bá Hùng. Còn Quách Chính Cương mặc dù trước đó đã được thăng hàm, nhưng cuối cùng vẫn bị lập án điều tra.

Sau vụ việc này, ông Tập lại bắt đầu thanh lọc toàn diện Quân ủy Trung ương, trong đó có Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy và Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy Trung ương lần lượt ngã ngựa. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn tiến hành thay đổi tư lệnh Hải quân, Lục quân và Không quân. Phòng Phong Huy được coi là “ngựa đầu đàn” của Quách Bá Hùng, còn Trương Dương được coi là thân tín của ông Từ Tài Hậu.

Đối với “cuộc chiến sinh tử” mà ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã trải qua, giới quan sát chỉ có thể suy đoán một vài điều từ những gì được lưu truyền bởi các kênh truyền thông của chính quyền và những nguồn tin thân cận với ĐCSTQ, còn thực tế, trong 5 năm qua những nguy hiểm mà hai vị này gặp phải có lẽ còn khiến người ta sợ hãi hơn so với những gì được truyền thông đăng tải.

Trí Đạt

Xem thêm: