Vừa qua, thông tin về người phụ nữ giàu nhất thành phố Đan Đông tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc mở nhiều công ty ở Hồng Kông đã gây chú ý, vì người này được cho là đóng vai trò quan trọng giúp Triều Tiên phát triển kế hoạch hạt nhân. Theo thông tin, bà Mã Hiểu Hồng có quan hệ mật thiết với Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương, vì thế vụ án này có thể còn liên quan đến ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn.

Nữ tài phiệt Mã Hiểu Hồng, người đứng đầu công ty Hồng Tường. Tài sản của công ty và Mã Hiểu Hồng cùng người thân đã bị đóng băng.
Nữ tài phiệt Mã Hiểu Hồng, người đứng đầu công ty Hồng Tường. Tài sản của công ty và Mã Hiểu Hồng cùng người thân đã bị đóng băng.

Mã Hiểu Hồng và thân tín đã mở ít nhất 9 công ty ở Hồng Kông

Ngày 14/11, tờ Kinh doanh Trung Quốc đưa tin, một phóng viên điều tra đã phát hiện, ngày 23/12/2008 bà Mã Hiểu Hồng đã đăng ký thành lập một doanh nghiệp ở Hồng Kông có tên “Công ty Hồng Tường 66 (Hongxiang66)”. Sau đó, bà Mã Hiểu Hồng và thân tín đã mở thêm ít nhất 9 công ty ở Hồng Kông. Bản thân bà Mã Hiểu Hồng trực tiếp phụ trách 5 công ty, còn 4 công ty đứng tên Chu Kiến Thư (Zhou Jianshu), Tổng Giám đốc Công ty Công thương nghiệp Hồng Tường. Thông tin nhấn mạnh bà Mã Hiểu Hồng có liên quan đến Triều Tiên và buôn bán kim loại hiếm, đồng thời đặt vấn đề không biết bà này mở công ty ở Hồng Kông với mục đích gì?

Phóng viên của tờ Kinh doanh Trung Quốc sau khi tìm hiểu 9 doanh nghiệp này đã phát hiện, tất cả đều liên quan đến một công ty Hồng Kông đóng vai trò là thư ký cho tập đoàn, tổng số tiền đăng ký thành lập của những công ty này chỉ có 9.000 đô la Hồng Kông, báo cáo chi phí hàng năm cũng rất thấp.

Như vậy, mỗi công ty của Mã Hiểu Hồng và Chu Kiến Thư chỉ có số vốn thực tế là 1 đô la Hồng Kông. Dù không vi phạm luật pháp Hồng Kông, nhưng việc họ có nhiều công ty với số vốn chỉ 1 đô la Hồng Kông như thế khiến người ta không thể không nghi ngờ, vì kiểu thành lập công ty chỉ có cái vỏ này thường liên quan đến hoạt động rửa tiền.

>> Mã Hiểu Hồng giúp ngân hàng Triều Tiên rửa tiền

Cổ đông Triều Tiên của Công ty Hồng Tường bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt

Theo thông tin, Tổng hội Bảo hiểm Dân tộc Triều Tiên thường xuyên xuất hiện trong hệ thống của bà Mã Hiểu Hồng.

Ngày 15/5/2009, thành lập Công ty Phát triển Công thương nghiệp Hồng Bảo ở Liêu Ninh, người đại diện pháp lý là Mã Hiểu Hồng, cổ đông gồm có Tổng hội Bảo hiểm Dân tộc Triều Tiên và Công thương nghiệp Hồng Tường.

Ngày 24/12/2010, cổ đông của Công ty Khách sạn Thất Bảo Sơn ở Thẩm Dương cũng thay đổi, chuyển cho Tổng Công ty Đại Dương Triều Tiên và Công thương nghiệp Hồng Tường. Trước đó, Tổng hội Bảo hiểm Dân tộc Triều Tiên là cổ đông nước ngoài của Công ty Khách sạn Thất Bảo Sơn.

Ngày 16/12/2010, Công thương nghiệp Hồng Tường trở thành cổ đông của Công ty Phát triển Bất động sản Trung Thiên ở Liêu Ninh, ngày 9/8 cùng năm Tổng hội Bảo hiểm Dân tộc Triều Tiên chuyển cổ phần nắm giữ của công ty này cho Tổng Công ty Đại Dương Triều Tiên.

Vào tháng Tư năm nay, Liên Hiệp Quốc đã đưa Tổng hội Bảo hiểm Dân tộc Triều Tiên vào danh sách bị trừng phạt.

>> Nữ tài phiệt giúp đỡ Kim Jong-Un phát triển vũ khí hạt nhân

Mã Hiểu Hồng bị tình nghi bán tài liệu vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên

Trụ sở chính của Công thương nghiệp Hồng Tường ở thành phố Đan Đông, còn Mã Hiểu Hồng là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này. Theo một thông tin chia sẻ của cảnh sát tỉnh Liêu Ninh ngày 15/9 vừa qua, hoạt động kinh doanh của Công thương nghiệp Hồng Tường bị tình nghi phạm pháp ở mức nghiêm trọng, hiện đang bị điều tra.

Theo Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu chính sách Mỹ và Hàn Quốc công bố ngày 19/9, từ 2011 – 2015, tổng ngạch thương mại của Công thương nghiệp Hồng Tường với Triều Tiên lên đến 530 triệu đô la Mỹ. Công ty này có vai trò nhất định trong việc phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Dựa trên dữ liệu hải quan do bên thứ ba cung cấp chỉnh sửa, công ty Hồng Tường cung cấp nhôm ôxít (alumina) cho Triều Tiên. Alumina có thể được sử dụng trong sản xuất các máy ly tâm để làm giàu uranium, máy ly tâm là thiết bị cần thiết để làm giàu uranium.

Ngày 21/9, tờ Daily NK của Hàn Quốc đưa tin, bà Mã Hiểu Hồng bị tình nghi vận chuyển đến Triều Tiên những tài vật phục vụ cho hoạt động quân sự mà bị Liên Hợp Quốc cấm, việc vận chuyển được ngụy trang dưới danh nghĩa hàng hóa.

Ngày 22/9, tờ Yomiuri của Nhật Bản đưa tin, bà Mã Hiểu Hồng có quan hệ thân thiết với nhân vật chính trị quyền lực thứ hai của Triều Tiên là ông Jang Sung-taek, dù sau năm 2013, ông này bị Kim Jong-un tử hình, nhưng phía Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ với bà Mã Hiểu Hồng.

Ngày 27/10, BBC đưa tin, chính phủ Mỹ đã lên án công ty Hồng Tường nằm trong mắt xích mạng lưới hỗ trợ phát triển vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên”, là đại diện cho Ngân hàng Quan Tiên của Triều Tiên. Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức cáo buộc Công nghiệp Hồng Tường tội hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và rửa tiền.

>> Giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân: Nữ tài phiệt khai tên 10 quan chức Trung Quốc

Mã Hiểu Hồng liên quan đến Lưu Vân Sơn?

Ngày 25/10, người cung cấp thông tin thuộc chính phủ Mỹ tiết lộ, chính phủ Mỹ đã nghi ngờ bà Mã Hiểu Hồng là người của Ban Liên lạc Đối ngoại Trung Quốc.

Ngày 27/10, Đài Á châu Tự do đưa tin, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung Quốc có bố trí bộ phận tối mật tại thành phố Đan Đông cũng như tỉnh Liêu Ninh.

Có thông tin cho rằng, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung Quốc là một trong những tổ chức tình báo ngầm của Trung Quốc, do thế lực của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân quản lý, có quan hệ không bình thường với chính quyền họ Kim của Triều Tiên. Sau Đại hội 18 ở Trung Quốc, hệ thống này là một trong những nhánh do ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn kiểm soát.

Ngày 17/12/2014, ông Lưu Vân Sơn đến Sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc để dự Lễ kỷ niệm tròn 3 năm ngày Kim Jong Il qua đời, cùng đi có ông Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Vương Gia Thụy (Wang Jiarui).

Ngày 9/10/2015, ông Lưu Vân Sơn dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Triều Tiên để tham gia kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10/10), đi cùng có ông Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Vương Gia Thụy cùng ông Phó ban Lưu Hồng Tài (Liu Hongcai).

Tháng 11 năm ngoái, ông Tống Đào (Songtao) Phó Chủ nhiệm Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương (từng làm quan 15 năm ở Phúc Kiến) được thăng chức Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương.

Năm nay, địa bàn Liên lạc Đối ngoại Trung ương liên tục bị thanh trừng. Hồi tháng Hai vừa qua, bản lý lịch tóm tắt của ông Đinh Hiếu Văn (Ding Xiaowen), trợ lý Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương bị gỡ bỏ ra khỏi trang mạng của hệ thống này, hiện không biết tung tích nhân vật này; hồi tháng Bảy vừa qua, mục Lãnh đạo trên trang web của Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương có nhiều thay đổi, ông Vương Hiểu Tùng (Wang Yajun) nhậm chức Phó ban thay cho các ông Trần Phụng Tường và Chu Lực; còn ông Vương Nghiệp Quân (Wang Yajun) nhậm chức Trợ lý Trưởng ban. Cho đến nay, toàn bộ các vị trí trong Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương nhậm chức từ thời trước Đại hội 18 đã bị thay thế.

Hồi tháng Chín, giới truyền thông ngoài Trung Quốc Đại lục đưa tin, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương giao hoạt động hỗ trợ phát triển vũ khí hạt nhân Triều Tiên cho bà Mã Hiểu Hồng phụ trách.

Theo phân tích của nhà bình luận chính trị Tạ Thiên Kỳ (Xie Tianqi), vụ án Mã Hiểu Hồng là minh chứng thế lực phái Giang ở Trung Quốc Đại lục liên quan vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân Triều Tiên, liên quan đến Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, như vậy nghĩa là sẽ liên quan đến ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn, là quan to thuộc phe cánh ông Giang Trạch Dân có quan hệ mật thiết với Triều Tiên.

Mộc Vệ

Xem thêm: