Ông Tập Trọng Huân là thân sinh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì bị liên lụy đến tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” mà Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quy kết thành “tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân“, đồng thời bị đối xử bất công trong suốt thời gian kéo dài 16 năm. Năm 1990, ông Tập Trọng Huân đột nhiên rời khỏi Bắc Kinh để đi “tĩnh dưỡng” khi đang là Phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc. Nội tình sự việc này đã được ông Cao Khải tiết lộ trong một bài viết trên Đài Phát thanh Á Châu Tự Do.

Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Tập Trọng Huân.
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Tập Trọng Huân.

Ngày 5.4, Đài Phát thanh Á Châu Tự Do đưa tin ông Cao Khải, nguyên Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu thuộc Ủy ban Công tác Pháp chế Quốc hội Trung Quốc, trong một bài viết đã nói rõ nội tình của việc ông Tập Trọng Huân đột nhiên bị cách chức Phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ để đi “tĩnh dưỡng” vào năm 1990.

Bài viết của ông Cao Khải được đăng tải trên tạp chí “Viêm Hoàng Xuân Thu” kỳ 12, năm 2013. Bài viết nêu, ông Tập Trọng Huân sinh năm 1913. Năm 21 tuổi, ông đảm nhận chức Chủ tịch Chính phủ Xô Viết biên khu Thiểm Cam. Năm 1959, ông đảm nhận chức Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ viện ĐCSTQ. Năm 1962, ông bị cho là có liên quan đến cuốn truyện ký mang tính tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” do em dâu ông là Lý Kiến Đồng viết. Vì thế, ông Tập Trọng Huân bị ĐCSTQ quy kết thành “tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân“.

Bộ tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” về sau còn được “thăng cấp” lên thành chứng cứ phạm tội của “Tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài, Cao Cương, Tập Trọng Huân”. Bộ tiểu thuyết này cũng làm liên lụy đến hơn 100 cán bộ kỳ cựu của ĐCSTQ và nhân viên biên tập của nhà xuất bản. Vùng giải phóng cũ Thiểm Cam Ninh có trên 10.000 người dân bị quy kết thành cái gọi là “tay sai” của “Tập đoàn Bành, Cao, Tập”. Không ít người trong số họ bị hành hạ đến tàn phế, thậm chí đến chết. Nhưng trên thực tế, tất cả những tội danh này đều là do bịa đặt, bị gán ghép và bị ép vô căn cứ mà ra. Ông Tập Trọng Huân vì nỗi oan này mà bị ĐCSTQ đối xử bất công trong suốt thời gian 16 năm liền.

Bài viết cũng đề cập đến chuyện, sau khi được giải oan và được bầu làm Ủy viên thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, ngày 30.10.1990, ông Tập Trọng Huân lần cuối cùng tham dự phiên họp với cương vị là Phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ. Buổi sáng hôm đó, ông Tập Trọng Huân đưa ra ý kiến rằng từ trước đến nay, việc thảo luận chương trình nghị sự của Ủy ban Thường vụ là chưa đủ nghiêm túc. Ông hy vọng trong hội nghị lần này sẽ bắt đầu thay đổi không khí họp và thảo luận một cách nghiêm túc. Do đó, ông đề nghị phiên họp thảo luận sẽ được kéo dài trong thời gian là một ngày.

Theo thường lệ, đến khoảng 4h30 sẽ có người đứng lên tuyên bố hội nghị kết thúc. Nhưng, hôm đó, ông Tập Trọng Huân đứng lên và nói muốn cùng mọi người đàm luận một chút về lịch sử, xin mọi người nán lại thêm khoảng một tiếng nữa. Ông Tập Trọng Huân đã nói nhiều về mối quan hệ rất phức tạp giữa các căn cứ địa thuộc khu vực Tây Bắc của ĐCSTQ. Trong đó có sự nghi ngờ vô căn cứ lẫn nhau, không ít người đã hy sinh một cách vô ích. Những lời mà ông Tập Trọng Huân nói rất xúc động. Ý tứ chung là không nên coi những người bất đồng ý kiến thành “phe cánh chống đối“, càng không nên quy kết họ thành “bè lũ phản động“, mà nên bảo vệ những ý kiến bất đồng, nên coi trọng và nghiên cứu những ý kiến bất đồng.

Ngày hôm sau tiếp tục cuộc họp, có thông báo rằng ông Tập Trọng Huân vì bị bệnh nên Trung ương phê chuẩn đi nghỉ dưỡng ở miền nam, không thể tiếp tục tham gia hội nghị lần này nữa.

Kể từ hôm đó, ông Tập Trọng Huân cũng không tham gia Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nữa, mặc dù nhiệm kỳ của ông là đến tháng 3.1993 mới kết thúc.

Đối với sự kiện này, có ý kiến phân tích rằng cả ngày hôm trước, ông Tập Trọng Huân còn tham gia phiên họp. Hơn nữa, trạng thái tinh thần của ông vẫn còn rất tốt. Vì sao ngày hôm sau lập tức phải đi nghỉ dưỡng vì “bị bệnh“. Mà lại nhất định phải rời khỏi Bắc Kinh đến miền nam tĩnh dưỡng? Đây là điều thứ nhất.

Thứ hai là ngày đầu tiên của phiên họp Ủy ban Thường vụ, ông Tập Trọng Huân vẫn tâm huyết với công việc như vậy. Hơn nữa, giờ nghỉ ngơi giữa phiên họp, ông còn đi tới đi lui trò chuyện cùng mọi người. Nếu ngày hôm sau phải rời Bắc Kinh đi tĩnh dưỡng thì nói chung cũng nên đến Ủy ban Thường vụ cáo biệt mọi người trước khi đi.

Kỳ thực, sự kiện này đã bộc lộ ra tính phức tạp và hung hiểm của cuộc tranh giành quyền lực cấp cao trong nội bộ ĐCSTQ.

Hoàng Quân

Xem thêm: