Ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling), cựu Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Quân sự đã từng trả lời giới truyền thông rằng, qua Hội nghị toàn thể lần thứ 6 này, ván cờ Giang – Tập đã có cách giải quyết… Hiện nay thời cơ đã chín mùi.

Ngày 27/10, sau khi bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, ông Tập Cận Bình chính thức xác lập địa vị “hạt nhân”. (Ảnh: wiki)
Ngày 27/10, sau khi bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, ông Tập Cận Bình chính thức xác lập địa vị “hạt nhân”. (Ảnh: wiki)

>> Xem thêm Phần 1Phần 2 và Phần 3

Đa số quan to “ngã ngựa” thuộc phái Giang

Nhìn lại, khoảng trước ba tháng sau khi ông Tập Cận Bình được phong “hạt nhân”, hoạt động thanh trừng có những diễn biến như sau:

Theo thông tin của Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc ngày 18/9, nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây Lệnh Chính Sách (Ling Zhengce) bị khởi tố vì tình nghi liên quan nhận hối lộ. Ông Lệnh Chính sách chính là anh trai của quan to Lệnh Kế Hoạch, bị xử tù vô thời hạn vào ngày 4/7 năm nay.

Giới quan sát độc lập nhận định, ông Lệnh Kế Hoạch chính là một trong những chủ mưu xây dựng kế hoạch chính biến lật đổ ông Tập Cận Bình (tội trạng này không được công bố công khai). Ông Lệnh Kế Hoạch trước sau vẫn là người của phái Giang, như cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nói “về cơ bản thì Lệnh không phải người của tôi”. Ông Lệnh Kế Hoạch là người giám sát quyền lực được phái Giang cài cắm làm thư ký số một theo sát ông Hồ Cẩm Đào.

Nhà quan sát Hạ Tiểu Cường (Xie Xiaoqiang) cho rằng, ông Lệnh được ông Giang bố trí ở bên cạnh Hồ Cẩm Đào, minh chứng là sau khi Lệnh được bổ nhiệm làm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đã đưa chính sách bức hại Pháp Luân Công ra bên ngoài Trung Quốc Đại lục, theo đó dựng lên những tổ chức đặc vụ để thực hiện kế hoạch này tại Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, thậm chí gây những phiền phức trong những chuyến xuất ngoại của ông Tập Cận Bình. Kế hoạch này đã khiến thân phận của Lệnh bị bại lộ.

Ngoài ra, một quan to khác mới hầu tòa trong tháng Mười vừa qua là nguyên Chủ nhiệm Ban Bảo vệ Tài nguyên – Môi trường Đại hội đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc Bạch Ân Bồi (Bai Enpei). Quan to này bị cáo buộc tham ô 240 triệu nhân dân tệ, sở hữu số tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc. Một đối tượng khác là ông Chu Minh Quốc tham ô hơn 141 triệu nhân dân tệ.

Bạch Ân Bồi bị xử tử hình (hoãn thời gian thi hành án) ngày 9/10. Vụ án của Bạch Ân Bồi liên quan đến nhiều vụ án các quan to khác như Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã có bình luận “tội ác khiến người ta phải phẫn nộ”.

Bạch Ân Bồi là thân tín của Chu Vĩnh Khang, sau khi “ngã ngựa” giới truyền thông Trung Quốc tiết lộ, ông này đã bán rẻ tải sản Nhà nước cho phe cánh của Chu Vĩnh Khang, liên quan đến tên trùm Lưu Vĩ (Liu Wei) ở Tứ Xuyên. Lưu Vĩ chính là bạn làm ăn cùng con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân.

Nhờ có Bạch Ân Bồi hỗ trợ, năm 2003, Lưu Vĩ mua được số cổ phần khổng lồ của mỏ khoáng sản chì và kẽm lớn nhất Á châu ở huyện Lan Bình với giá cực rẻ (giá thị trường 500 tỷ nhưng Bạch chỉ mất 153 triệu), qua đó nắm giữ 60% cổ phần của “mỏ vàng” này.

Theo thông tin, Bạch Ân Bồi “ngã ngựa” đã khai báo, sau khi Chu Vĩnh Khang từ Bí thư tỉnh Tứ Xuyên được chuyển về Bắc Kinh đã gọi điện cho Bạch yêu cầu hỗ trợ Chu Bân cai quản mỏ khoáng sản ở huyện Lan Bình.

Một quan to khác là ông Chu Minh Quốc bị tuyên án tử hình (hoãn thời gian thi hành án 2 năm) vào sáng ngày 11/11 năm nay. Chu Minh Quốc từng giữ các chức: Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông, Phó Bí thư tỉnh Quảng Đông kiêm Bí thư Ban Chính pháp tỉnh, Giám đốc Công an Trùng Khánh.

Tạp chí Giới diện của Trung Quốc từng dẫn ý kiến của một quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ, vụ án Chu Minh Quốc liên quan đến Chu Vĩnh Khang. “Thời làm Phó Tỉnh trưởng Hải Nam, Chu Minh Quốc chính là Bí thư Ban Chính pháp, khi đến Trùng Khánh cũng vậy, về Quảng Đông cũng lại làm Bí thư Ban Chính pháp”.

Quan chức trên còn cho biết, sau khi Chu Vĩnh Khang bị điều tra, người ta khám nhà Chu và phát hiện một lá thư bày tỏ lòng thành của Chu Minh Quốc, nhờ Chu Vĩnh Khang đề bạt và nâng đỡ.

Cùng ngày, quan to Triệu Lê Bình (Zhao Liping) bị xử án từ hình, trở thành quan to đầu tiên kể từ sau Đại hội 18 bị xử tử hình không hoãn thi hành án. Triệu Lê Bình từng giữ các chức: Giám đốc Công an Khu tự trị Nội Mông Cổ, Phó Chủ tịch chính quyền, Phó Chủ tịch Chính hiệp Nội Mông Cổ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa tin về Triệu Lê Bình có đề cập đến Triệu nhiều lần đi khảo sát cùng Chu Vĩnh Khang. Năm 2005 và 2009, Triệu cùng Chu đi khảo sát ở Tập đoàn Yili (ngành sữa). Năm 2011, Triệu và Chu cùng nhau thăm quan Nội Mông Cổ.

Tháng 3/2015, nguyên Phó Tổng Biên tập Nhật báo Nhân dân đăng bài viết trên báo mạng Tài tân (Caixin) Trung Quốc cho biết, Chu Vĩnh Khang cùng Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu có quan hệ chặt chẽ với nhau, họ cùng với Lý Đông Sinh (cựu Thứ trưởng Bộ Công an) và Tưởng Khiết Mẫn (cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước) tạo thành mạng lưới hủ bại khổng lồ, thao túng quan trường. Chu, Bạc, Từ, Lệnh đã cài cắm thế lực hùng hậu trong các hệ thống: Chính pháp, Đảng, kinh tế, quân đội.

Cùng với việc các quan to này đồng loạt “ngã ngựa” cho thấy, đa số họ là thành viên nòng cốt của tập đoàn phái Giang, ngoài tham ô và gây chính biến, họ có đặc điểm chung: tích cực tham gia bức hại Pháp Luân Công.

Sau 1999 khi ông Giang Trạch Dân nắm quyền lực là thời điểm mà những quan chức này thăng tiến nhanh chóng, vì đóng vai trò quan trọng trong chính sách bức hại Pháp Luân Công.

Tháng 1/2016, trang tin Minh Huệ của Pháp Luân Công đã đưa ra danh sách 106 quan chức cấp phó của bộ và tỉnh trở lên đã “ngã ngựa”, danh sách chứng minh tất cả những người này đều liên quan đến tội ác bức hại Pháp Luân Công.

Trang Minh Huệ có bình luận, để có thể duy trì kế hoạch bức hại Pháp Luân Công, việc trọng dụng quan chức hủ bại là điều kiện cơ bản. Những tham quan bị danh lợi làm mê muội đã đánh mất lương tri, tích cực theo Giang hại người để được thăng tiến, để vơ vét tài sản bất hợp pháp.

Cũng có nhận định cho rằng, những quan to này vì sợ bị thanh trừng nên đã luôn nghĩ cách gây chính biến nhằm loại bỏ ông Tập Cận Bình, họ muốn đưa Bạc Hy Lai vào thay vị trí của Chu Vĩnh Khang trong Đại hội 18 nắm giữ quyền lực ở “Trung ương thứ hai” là Ban Chính pháp, khi thời cơ chín mùi sẽ phối hợp với thế lực quân đội của phái Giang, dự tính trong khoảng hai năm sau Đại hội 18 sẽ hạ bệ ông Tập Cận Bình, và đưa Bạc Hy Lai lên thay thế.

Lý luận xác lập “hạt nhân Tập Cận Bình”

Trong bối cảnh này, ông Tập Cận Bình muốn đứng vững thì buộc phải lấy chống tham nhũng xóa màn đen, kiểm soát toàn bộ thượng tầng, thực hiện thanh lý môn hộ, xác lập địa vị “hạt nhân” để quét sạch chướng ngại. Để xác lập “hạt nhân” thì trước tiên cần xây dựng lý luận.

Vào tháng 4/2015, Văn phòng Trung ương Trung Quốc cho triển khai kế hoạch giáo dục chuyên đề “Ba nghiêm ba thực” (nghiêm sửa mình, nghiêm dùng quyền lực, nghiêm khắc chế bản thân; mưu sự cầu thực, sáng nghiệp cầu thực, làm người cầu thực).

Cuối tháng 12 cùng năm, trong buổi họp đời sống dân chủ của Bộ Chính trị theo chuyên đề “Ba nghiêm ba thực”, ông Tập Cận Bình đưa ra 4 yêu cầu, một là “kiên định phương hướng chính trị đúng đắn”, “là người minh bạch về chính trị”; thứ hai là “thành viên Bộ Chính trị phải có ý thức sâu sắc về người làm chuẩn, thường xuyên và chủ động lấy Trung ương Đảng làm chuẩn”.

Ngày 7/01/2016, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp cả ngày để nghe Báo cáo Công tác của Ban Bí thư Trung ương, Báo cáo Công tác Tổ đảng Viện Kiểm sát Tối cao, Tòa án Tối cao, Ban Chính hiệp toàn quốc và Chính phủ.

Theo Tạp chí Động hướng của Hồng Kông đưa tin, vì Bí thư Tổ đảng của các hệ thống Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chính phủ, Chính hiệp lần lượt là các ông Trương Đức Giang, Lý Khắc Cường, Du Chính Thanh, vì thế những người này trở thành “kẻ báo cáo” trước Ban Thường vụ. Đây là cột mốc cho thấy nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Ban Thường vụ Bộ Chính trị bị biến thành “đối trọng vua tôi”.

Tại buổi họp, ông Tập Cận Bình yêu cầu, thông qua đi sâu học tập quán triệt điều lệ Đảng và Điều lệ Công tác Tổ đảng, tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo có ý thức chính trị, ý thức về đại cuộc, ý thức trách nhiệm, bảo đảm Đảng luôn là trung tâm lãnh đạo vững mạnh vì sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Trong đoạn phát biểu này xuất hiện những cụm từ đáng chú ý: “ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức trách nhiệm”, và “vai trò hạt nhân”, “hạt nhân lãnh đạo”.

Đến đây, hồ sơ lý luận “bốn ý thức” đã được chuẩn bị chu đáo.

Tinh thần lãnh đạo “hạt nhân”, “làm chuẩn” sau đó nhanh chóng được “người minh bạch chính trị” thông suốt. Chỉ một ngày sau, sáng ngày 1/8, ông Thị trưởng và Bí thư tạm quyền Thiên Tân là Hoàng Hưng Quốc (Huang Xingguo) đã chủ trì họp Ban Thường vụ thành phố Thiên Tân để truyền đạt những phát biểu quan trọng của ông Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu của ông Hoàng Hưng Quốc xuất hiện hai cụm từ mới là “hạt nhân Tổng Bí thư Tập Cận Bình” và “lấy Tổng Bí thư Tập làm chuẩn”.

Một “người minh bạch” khác là ông Lý Hy (Li Xi), Bí thư tỉnh Liêu Ninh. Ngày 8/01, ông Lý Hy chủ trì hội nghị (mở rộng) tỉnh Liêu Ninh và nhấn mạnh: “Quán triệt tinh thần bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình… Giữ nghiêm kỷ luật và nguyên tắc chính trị, thực hiện triệt để ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức hạt nhân, ý thức làm chuẩn”. Đây là lần đầu tiên “bốn ý thức” được kiện toàn.

Từ ngày 11/01, “chư hầu” các tỉnh đồng loạt noi theo, thay phiên nhau lên tiếng ủng hộ “hạt nhân Tập Cận Bình”, “lấy Tập làm chuẩn”, triển khai “bốn ý thức” thể hiện lòng thành. Hoạt động bày tỏ thái độ này được duy trì đến giữa tháng Hai. Có tổng cộng 19 Bí thư Tỉnh ủy công khai lên tiếng “ủng hộ hạt nhân Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.

Ngày 29/01/2016, lần đầu tiên vấn đề “bốn ý thức” được nêu ra tại Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương: ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức hạt nhân, ý thức người làm chuẩn. Từ đây, vấn đề ý thức hạt nhân bắt đầu thành điểm nóng trong giới truyền thông.

Nửa năm sau, có hai người biểu thị thái độ chống lại “hạt nhân Tập” là ông Vương Nho Lâm (Wang Rulin) và Cường Vệ (Qiang Wei). Hai người 63 tuổi cùng bị cho về hưu sớm này không chỉ không thừa nhận “Tập hạt nhân” mà chối bỏ cả “bốn ý thức”. Trong số những người chống đối này thì ông Hoàng Hưng Quốc (Huang Xingguo) bị “ngã ngựa”, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) bị điều chuyển công tác, ông Lý Hy (Li Xi) bị giới quan trường tỉnh Liêu Ninh trở mặt.

Trước thời điểm chuẩn bị Hội nghị toàn thể lần thứ 6 ĐCSTQ khóa 18, dường như khắp quan trường Trung Quốc đều hướng về “Tập hạt nhân”.

Ngày 18/10, tạp chí Diễn đàn Nhân dân đưa ra báo cáo điều tra khiến địa vị “Tập hạt nhân” được nâng cao thêm một bậc, theo đó nhận định thủ lĩnh Tập Cận Bình được thừa nhận của đông đảo cán bộ lãnh đạo và quần chúng nhân dân, càng trong thời kỳ lịch sử mấu chốt càng không thể tách rời hạt nhân lãnh đạo có sức ảnh hưởng và nhân vật đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt thời đại.

Ngày 26/10, Báo Giải phóng quân có nhận định, “giải quyết một số vấn đề quan trọng liên quan đến đại cuộc nhất định phải có tập thể lãnh đạo trung ương vững chắc với vai trò của hạt nhân lãnh đạo”. Khi đó là thời điểm đang trong Hội nghị toàn thể lần 6 của ĐCSTQ khóa 18, đang thảo luận về vấn đề tăng cường kỷ luật Đảng. Vấn đề tăng cường mạnh mẽ ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức hạt nhân, ý thức người làm chuẩn đang được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và ông Tập thống nhất cao độ về tư tưởng cũng như hành động.

Giải quyết bàn cờ hai phe Giang – Tập

Như vậy, vấn đề “Tập hạt nhân” có xuất phát điểm từ những ám thị sau hậu trường rồi đi vào thực tiễn chính trị.

Đáng chú ý là trong báo Hội nghị toàn thể lần thứ 6, cùng với việc tăng thêm “hạt nhân” cũng tăng thêm quy định “cấm thổi phồng” người lãnh đạo, “giữ vững lãnh đạo tập thể, không cho phép bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào làm trái lại”.

Có thể thấy, phía sau bầu không khí khuếch trương hình tượng đối ngoại và quyền thế trong nội bộ của ông Tập Cận Bình chính là một bàn cờ chính trị quyết liệt.

Có nhà phân tích chỉ ra, một khả năng là vấn đề này không nhắm vào ông Tập Cận Bình mà để giáo huấn các cán bộ cấp cao và Bí thư Đảng ủy địa phương coi thường uy quyền của Trung ương. Một khả năng khác là do phản công của phe chống đối “Tập hạt nhân”. Khi nổi lên trở thành người tiếp quản quyền lực vào Đại  hội 17, phe cánh của ông Tập ở Bắc Kinh còn yếu ớt, sau 4 năm chống tham nhũng, Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị vẫn còn tình trạng phe cách cầm cự nhau. Ở mức độ nhất định, phe đối lập đủ sức kiềm chế uy quyền của lãnh đạo tối cao, từ vấn đề bảo vệ vai trò “lãnh đạo tập thể” cho thấy ông Tập Cận Bình chưa khống chế được Ủy ban Trung ương, việc phe chống đối chấp nhận “hạt nhân” trên danh nghĩa chỉ là cách nhượng bộ vì mục đích bảo vệ chế độ.

Điều phe chống đối lo lắng là, liệu việc tuyên truyền hình ảnh cá nhân ông Tập có giúp ông Tập tăng thêm quyền lực trong thực tế, khiến ông Tập Cận Bình ngày càng chuyên quyền, như vậy kế sách này lại vô tình biến thành giống như vấn đề “chống tham nhũng”, có được tính chính đáng và chỗ dựa là ý dân để thực thi.

Ngày 13/04/2012, ông Trưởng ban Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn đã lên tiếng cho rằng, ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ và thách thức. “Đáng lo ngại nhất là thách thức này đến từ nội bộ ĐCSTQ”.

“Tập hạt nhân” để giải quyết vấn đề gì?

Theo ông Tân Tử Lăng, sau khi ông Tập Cận Bình xác lập được “Tập hạt nhân” sẽ thực hiện cải cách thể chế chính trị, trong đó những vấn đề tồn đọng như sự kiện Thiên An Môn và vấn đề Pháp Luân Công sẽ được giải quyết triệt để.

Có nhận định cho rằng, có thể ông Tập Cận Bình sẽ thay thế bằng chế độ tổng thống, cải cách nền chính trị Trung Quốc.

Ngày 30/07, giáo sư Hạ Vệ Phương (He Weifang) của Đại học Bắc Kinh khi đến thỉnh giảng tại Đài Loan đã xác thực rằng, tại Trung Quốc Đại lục đang có ý thực hiện chế độ Tổng thống, sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền hết hai nhiệm kỳ sẽ thực hiện sửa Hiến pháp và trở thành Tổng thống Trung Quốc đầu tiên…

Nhưng giới quan sát nhiều người cho rằng, cải cách thể chế Trung Quốc hiện nay giống như vớt trăng trong nước, chỉ có giải thể ĐCSTQ mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ông Minh Cư Chính (Ming Juzheng), giáo sư chính trị nổi tiếng ở Đài Loan cho biết, vấn đề lãnh đạo hạt nhân tương tự như ở Trung Quốc hiện nay từng xuất hiện ở Đông Âu hay Liên Xô cũ. Hiện nay ông Tập Cận Bình phải đối diện thách thức vô cùng lớn, đó là phe “thái tử đảng” được hưởng đặc lợi, giới quan to các địa phương cùng hàng hà sa số tham quan kết thành “băng đảng hủ bại”. Nếu ông Tập Cận Bình muốn cải cách thành công chỉ có con đường giải thể ĐCSTQ.

Trong sách “Giải thể đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình lưu danh sử sách” có nhận định, trong quá trình ông Tập Cận Bình đối đầu phái Giang đã đắc tội với vô số quan to trong các hệ thống quyền lực Trung Quốc. Cách dùng người trị nước của Giang gây tình trạng “không hủ bại không thành quan”, và hiển nhiên thế lực này đang rất căm hận ông Tập. Tuy nhiên vì những quan chức phái Giang này gây nhiều tội ác nên hành động của ông Tập trái lại, lại được lòng người dân Trung Quốc.

>> Xem thêm Phần 1Phần 2 và Phần 3

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: