Có nhận định, trong bối cảnh thế lực mỏng, vây cánh không rộng, nhưng ông Tập Cận Bình không chỉ giành được quân quyền mà còn xây dựng được cơ chế “Tập quyền”, tạo được nền móng vững chắc.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Kremlin.ru)
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Kremlin.ru)

>> Xem thêm Phần 1 và Phần 2

Ngày 30/12/2013, thành lập Tổ Lãnh đạo Cải cách Trung ương Trung Quốc, phụ trách lên kế hoạch cải cách tổng thể, điều phối tình hình chung, tổ trưởng là ông Tập Cận Bình.

Ngày 28/2/2014, thành lập Ban Lãnh đạo An ninh và Thông tin mạng do ông Tập Cận Bình làm Trưởng ban.  

Ngày 15/3/2014, thành lập Ban Lãnh đạo Cải cách quân đội Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình làm Trưởng ban.

Ngày 13/6/2014, ông Tập Cận Bình nhậm chức Trưởng ban Lãnh đạo Tài chính Trung ương.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn giữ chức Trưởng ban Lãnh đạo An ninh Quốc gia và Trưởng ban Công tác Đối ngoại Trung ương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương, Trưởng ban Công tác Trù bị Đại hội 19 Trung ương, Trưởng ban Ứng phó đảo Điếu Ngư, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia.

Như vậy, ông Tập Cận Bình kiểm soát toàn bộ những lĩnh vực trọng điểm, bao quát toàn bộ cỗ máy quốc gia, bao gồm an ninh, quân đội, tài chính, ngoại giao, xã hội. Đồng thời, ông Tập còn dùng kế sách “đả hổ” để thanh trừng phe đối lập trong giới lãnh đạo cấp cao. Điều này giúp ông nhanh chóng khơi thông thế bế tắc để thực hiện ý đồ chính trị của mình.

Xử lý hơn trăm quan to cấp bộ và tỉnh trở lên

Theo tài liệu thống kê về lãnh đạo địa phương Trung Quốc, từ Đại hội 18 đến nay, tính từ ngày 2/12/2012 sau khi ông Lý Xuân Thành (Li Chuncheng) bị bắt đến ngày 11/11/2016 khi ông Ngô Thiên Quân (Wu Tianqun) Bí thư Ban Chính pháp và Ủy viên Thường vụ tỉnh Hà Nam bị xử lý, tổng số quan to “ngã ngựa” từ cấp bộ và tỉnh trở lên là 115 người.

Nếu tính thời điểm quan to “ngã ngựa”, tháng có nhiều đối tượng bị xử lý nhất là tháng 6 và 7/2014 có 6 người; kế tiếp là các tháng 12/2013, 8/2014, tháng 3  và 11/2015, tháng 1 và 3/2016 cùng có 5 người.

Từ phân bổ địa bàn cho thấy, nghiêm trọng nhất là tỉnh Sơn Tây, kế tiếp là Tứ Xuyên và Giang Tây. Ngày 11/11/2015, bà Lữ Tích Văn (Lu Xiwen), Phó Bí thư thành phố Bắc Kinh bị điều tra; trước đó một ngày, ông Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun), Phó Thị trưởng Thượng Hải “ngã ngựa”. Đến đây, chiến dịch “đả hổ” đã bao phủ toàn bộ 31 tỉnh, thành phố trực thuộc và khu tự trị.

Trong số quan chức “ngã ngựa” có một số người cấp quốc gia như: Chu Vĩnh Khang, Bí thư Ban Chính pháp và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 17; Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Chính hiệp Quốc gia Tô Vinh, Trưởng ban Mặt trận thống nhất Lệnh Kế Hoạch và Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng.

Tạp chí Globalnewstimes (được cho là có quân đội Trung Quốc chống lưng) từng chỉ ra, đứng sau những quan to liệt kê trên và Bạc Hy Lai chính là ông Giang Trạch Dân.

Ngoài ra, tính đến ngày 28/11 vừa qua đã có thêm vài quan to bị tuyên án, gồm: Tần Ngọc Hải (Qin Yuhai), Phó Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam bị xử tù 13 năm 6 tháng; Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Liêu Ninh Trần Thiết Tân (Chen Tiexin) và Trưởng ban Tổ chức tỉnh Hà Bắc Lương Tân (Liang Bin) lần lượt bị tù 13 năm 9 tháng và 8 năm. Đến đây, theo thống kê ngày 30/11 của báo mạng Nhân dân Trung Quốc, trong tổng số quan to cấp Bộ và Tỉnh trở lên “ngã ngựa” sau Đại hội 18 đã tuyên án được 44 người.

Trong 44 người này, có 9 người bị tù vô thời hạn, gồm: Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Vạn Khánh Lương, Lưu Thiết Nam, Quách Bá Hùng, Vương Tố Nghị (Trưởng ban Mặt trận thống nhất Nội Mông Cổ), Kim Đạo Minh (Phó ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh Sơn Tây), Đàm Lực (Phó tỉnh trưởng Hải Nam), Thân Duy Thìn (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Trung Quốc).

Một người bị tử hình là Triệu Lê Bình (Zhao Liping), nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Khu tự trị Nội Mông Cổ.

Có hai người bị xử tử hình hoãn thời gian thi hành án: nguyên Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Bạch Ân Bồi.

Có 29 người bị tù từ 11 – 20 năm.

Có 3 người bị tù 8 năm, 5 năm và 4 năm: Trưởng ban Tổ chức tỉnh Hà Bắc Lương Tân (Liang Bin), nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hồ Nam Đồng Danh Khiêm (Tong Mingqian), và nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trương Lực Quân (Zhang Lijun).

Trong 44 người kể trên, trừ nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hồ Nam Đồng Minh Khiêm, còn lại 43 người đều liên quan tội nhận hối lộ, trong đó có 5 người nhận hối lộ hơn 100 triệu nhân dân tệ. Vì liên quan đến mạng lưới quan hệ quyền lực, đa số việc xử án phải lựa chọn thực hiện ở nơi xa cách với địa bàn hoạt động của quan viên.

Vương Kỳ Sơn “sao sát” quan to

Tính thời gian thi hành án kể từ khi điều tra cho đến khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố chính thức, ông Vương Kỳ Sơn thường nhấn mạnh từ “sao sát” đặc biệt gây kinh hãi trong giới quan trường Trung Quốc (ý nghĩa là tốc độ xử lý đặc biệt nhanh).

Chiều ngày 4/1/2015, ông Bí thư Nam Kinh là Dương Vệ Trạch nhận được thông báo lên trụ sở tỉnh họp, nhưng vừa đến nơi thì lập tức bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bắt, đến 7 giờ 45 tối thì bị tuyên bố điều tra. Theo thông tin, trong lúc đang ở trên tòa nhà Ủy ban tỉnh Giang Tô, ông Dương Vệ Trạch vừa trông thấy nhân viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thì hoảng hốt định nhảy lầu qua đường cửa sổ, “nhưng đã có người kịp thời túm lại”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong thời gian Dương Vệ Trạch phụ trách địa bàn thành phố Vô Tích, là cánh tay hỗ trợ Chu Vĩnh Khang làm ăn ở Vô Tích, việc cải tạo thôn Tây Tiền Đầu (quê hương của Chu Vĩnh Khang) là nhờ có Dương Vệ Trạch giúp sức. Dương đã giao dự án trị giá hơn 500 triệu nhân dân tệ cho Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang.

Ngày 24/7/2015, Bí thư Hà Bắc Chu Bản Thuận tham gia Hội nghị Công tác Phát triển Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc, nhưng 6 giờ 10 phút tối hôm đó đã công bố thông tin Chu Bản Thuận “ngã ngựa”. Ngày 16/10 cùng năm, Chu Bản Thuận bị tuyên bố khai trừ đảng và loại khỏi hệ thống công chức, trở thành Bí thư tỉnh ủy đầu tiên bị “ngã ngựa” khi đang nhậm chức kể từ sau Đại hội 18.

Trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2015, ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), trưởng chi nhánh vùng đông bắc Trung Quốc của tờ Văn Hối (Hồng Kông) dẫn nguồn tin cho rằng, ông Chu Bản Thuận có liên quan đến âm mưu chính biến lần thứ hai của phái Giang. Nửa đầu năm 2015, ông Chu Bản Thuận đã đưa ra “Thông báo tình hình chính trị tỉnh Hà Bắc”, qua đó lên án việc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, chuẩn bị gây khó khăn cho ông Tập tại Hội nghị Bắc Đới Hà theo kế hoạch của phái Giang. Nhưng cuối cùng bí mật đã bị lộ và sau đó họ Chu nhanh chóng rơi vào tầm ngắm bị xử lý.

Ông Chu Bản Thuận cũng nằm trong danh sách truy cứu của Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công.

Ông Bí thư tỉnh Quảng Châu Vạn Khánh Lương chỉ mới ngày 26/6/2014 còn tham dự buổi họp và phát biểu lớn tiếng, “các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh công tác phê và tự phê bình”, nhưng ngày hôm sau đã bị bắt ngay trong buổi họp lãnh đạo tỉnh.

Giới truyền thông độc lập có nhận định, Vạn Khánh Lương có quan hệ mật thiết đối với Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng, sớm trở thành cánh tay của Chu Vĩnh Khang trong thời kỳ ông Trần Thiệu Cơ (Chen Shaoji) làm Chủ tịch Chính hiệp và Bí thư Ban Chính pháp Quảng Đông. Vạn đã tích cực tham gia bức hại Pháp Luân Công ngay từ thời làm Bí thư Tỉnh đoàn và Bí thư thành phố Yết Dương.

Ngày 8/8/2015, ông Cục trưởng Cục Giám sát An ninh Quốc gia Dương Đống Lương bị điều tra, trước đó một ngày ông này còn tham gia Hội nghị Liên tịch Ban Chỉ huy cứu trợ vụ nổ Thiên Tân (ngày 12/8/2015). Ngày 16/10/2015, Dương Đống Lương đã bị khai trừ Đảng và loại khỏi hệ thống công chức vì nhiều tội danh: tham ô, vi phạm quy định dùng công quỹ, can dự vào công tác kiểm tra kỷ luật, hoạt động chính trị vô tổ chức…

Dương Đống Lương từng công tác trong ngành dầu khí 22 năm, có quan hệ mật thiết với Ủy viên Thường vụ phái Giang Trương Cao Lệ và Chu Vĩnh Khang. Đài RFI (Pháp) từng đưa tin, trong thời gian ông Trương Cao Lệ phụ trách Thiên Tân rất trọng dụng Dương Đống Lương, chính ông Trương Cao Lệ đưa Dương Đống Lương từ Phó Thị trưởng vào Ban Thường vụ thành phố Thiên Tân.

Trong thời gian Trung Quốc tổ chức “lưỡng hội” ngày 15/3/2015, ông Phó Bí thư tỉnh Vân Nam Cừu Hòa (Qiu He) cùng Tổng Giám đốc Tập đoàn Ô tô Đệ nhất Từ Kiến Nhất (Xu Jianyi) đều “lộ diện” trong hội nghị, nhưng sau đó bị bắt ngay tại nơi ở dành do đoàn đại biểu của tỉnh. Hai người bị tuyên bố điều tra cùng ngày.

Thời quan to Hồi Lương Ngọc (Hui Liangyu) làm Bí thư tỉnh Giang Tô đã đưa Cừu Hòa lên chức Phó Bí thư trị trấn Tú Thiên tỉnh Giang Tô, sau lên Thị trưởng. Năm 2012, ngay trong lúc Trùng Khánh xảy ra vụ nổ thì ông Bạc Hy Lai lại vui vẻ đi khảo sát Vân Nam, được ông Cừu Hòa, Phó Bí thư tỉnh Vân Nam đón tiếp trọng thể.

Ông Từ Kiến Nhất cũng bị nghi ngờ có quan hệ mật thiết với ông Giang Trạch Dân. Vì Tập đòa ô tô Đệ Nhất là mỏ vàng của Giang, ông Giang thường tự xưng là “người của ô tô Đệ Nhất”.

Truyền thông Hồng Kông chỉ ra, chỉ trong nửa đầu năm nay đã có hơn 100 quan to bị “đưa vào tầm ngắm”, cho thấy mức độ “đả hổ” của ông Vương Kỳ Sơn vẫn đang đầy khí thế. Theo thông tin, ngày 30/5 năm nay, ông Vương Kỳ Sơn đã ra mật lệnh “chống tham nhũng không thể chùn bước”. Để ngăn chặn những “cáo già” trà trộn vào bộ máy lãnh đạo khóa mới, từ 2 – 4/6, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Ban Bí thư Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đã luân phiên triệu tập giới lãnh đạo cấp Bộ và Tỉnh, đã ra tuyên bố “tứ quy tam phòng” đối với hơn 120 quan to thuộc các hệ thống khác nhau.

“Tứ quy” là chỉ quan chức liên quan sẽ bị tạm dừng công việc đang phụ trách, không được công cán nước ngoài, không được tham gia bàn công việc với địa phương và không được điều động trong thời gian thẩm tra; còn “tam phòng” là đề phòng quan chức này tự sát, chạy trốn, và hủy chứng cứ vụ án.

>> Mời xem tiếp Phần 4

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: