Đại hội 19 vừa kết thúc, trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới không có ai ở độ 60 tuổi trở xuống, câu chuyện chuyển giao quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang là điểm nóng chú ý. Có nhà phân tích Hồng Kông đề cập đến ba khả năng của việc chuyển giao quyền lực vào Đại hội 20, nhưng không loại trừ những bất ngờ có thể xảy ra.

tap can binh
Kết thúc Đại hội 19, nhiều người dự đoán vấn đề chuyển giao quyền lực của ĐCSTQ sẽ gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Getty Images)

Gần đây, ông Tạ Xuân Đào (Xie Chuntao), Chủ nhiệm Ban Giáo vụ Trường Đảng Trung ương, là Ủy viên dự khuyết trúng cử, đã công khai phủ nhận vấn đề cầm quyền trọn đời tái hiện trong ĐCSTQ, đồng thời cho biết chưa từng có chuyện thảo luận chế độ Chủ tịch Đảng tại Đại hội 19.

Ngày 16/11, Minh Báo (Hồng Kông) có bình luận chỉ ra, việc ông Tạ Xuân Đào lên tiếng có thể nhằm trấn an dư luận cho rằng ĐCSTQ gặp khó khăn trong vấn đề chuyển giao quyền lực.

Bài viết phân tích, có vài khả năng có thể xảy ra khi không còn người chuyển giao quyền lực trẻ tuổi trong Ban Thường vụ tại Đại hội 20.

Khả năng thứ nhất là ông Tập Cận Bình tiếp tục vai trò lãnh đạo, có thể bổ sung thêm hai người vào Ban Thường vụ, còn trong số Ủy viên Bộ Chính trị khóa này, số người dưới 65 tuổi khi đến Đại hội 20 chỉ có bốn người: Hồ Xuân Hoa (59 tuổi), Đinh Tiết Tường (60 tuổi), Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi), Lý Cường (63 tuổi), trong đó ba người sau là thân tín của ông Tập Cận Bình.

Khả năng thứ hai là ông Tập Cận Bình không phá lệ, chỉ làm hai khóa, đến Đại hội 20 nghỉ hưu; ba người còn lại gồm Lý Khắc Cường, Vương Hộ Ninh, Uông Dương tất sẽ theo ông Tập cùng nghỉ hưu trước thời hạn, Đại hội 20 chuyển giao toàn bộ quyền lực, nếu vậy thì ông Triệu Lạc Tế chỉ 65 tuổi có khả năng làm được một khóa Tổng Bí thư.

Khả năng thứ ba là tại Hội nghị toàn thể Trung ương thứ tư hoặc thứ năm của khóa 19 này, tức năm 2019 hoặc 2020, Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ nới rộng lên 9 người, bổ sung mới hai người để tiếp quản quyền lực vào Đại hội 20.

Nhưng bài viết nhấn mạnh, những suy đoán trên xảy ra khi không có bất cứ biến động ngoài ý muốn nào, mọi việc đều diễn biến êm ả thuận lợi, vì “chuyện chính trị rất khó lường”.

Ông Tập Cận Bình khó chuyển giao vì đấu đá quyền lực khốc liệt

Trước Đại hội 19, nhân vật được cho là người tiếp quản quyền lực thế hệ thứ sáu ĐCSTQ là ông Tôn Chính Tài bất ngờ “ngã ngựa”, trong bố cục nhân sự Đại hội 19, cả hai người từng được cho là người tiếp quản quyền lực của ông Tập Cận Bình là Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ đều không được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ngày 30/10, Nhật báo Đông Phương có bài bình luận cho rằng, cho dù tại Đại hội 19 không thấy xuất hiện người tiếp quản quyền lực nhưng không phải vì thế mà vấn đề không được suy nghĩ nghiêm túc, đây chính là một trong những thách thức lớn nhất của ông Tập Cận Bình trong tương lai 5 – 10 năm tới. Vấn đề này luôn là bài toán khó của ĐCSTQ, từ ông Mao Trạch Đông cho đến ông Đặng Tiểu Bình đều không thể giải quyết tốt.

Thực tế, giới quan sát nhận định, trong số quan to cấp bộ tỉnh và phó quốc tương đối trẻ của ĐCSTQ hiện nay, gồm tất cả thân tín của ông Tập Cận Bình, dường như không ai có uy danh nổi bật gì. Nhiều người trong đó còn thuộc nhóm bê bối “kéo kết bè phái”, tiêu biểu Bí thư Thiên Tân Lý Hồng Trung, Bí thư Ban Chính pháp Quách Thanh Côn. Còn những quan chức khác dù không ‘dính đòn’ trong chiến dịch chống tham nhũng, nhưng không có nghĩa là sạch sẽ.

Xưa nay đấu đá quyền lực trong chính quyền chuyên chế ĐCSTQ thường triển khai xung quanh vấn đề thừa kế quyền lực, luôn có nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Như hai người mà ông Mao Trạch Đông chỉ định là Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu, một người bị đấu tố đến chết, một người chạy trốn bị rơi máy bay chết tại Mông Cổ. Ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương do ông Đặng Tiểu Bình sắp đặt, cuối cùng đều bị hạ bệ.

Nhà bình luận nổi tiếng Trần Phá Không từng chỉ ra, thể chế ĐCSTQ hiện nay không thể giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực tối cao, cho nên thường xảy ra “nồi da xáo thịt” đi kèm. Cục diện tiếp quản quyền lực có thể xảy ra sự kiện bất ngờ gây xáo trộn tình hình bất cứ khi nào.

Minh Báo (Hồng Kông) từng có bình luận, ông Tập Cận Bình không chọn người tiếp quản tại Đại hội 19 vì muốn tất cả ứng viên đều trong trạng thái “chờ sát hạch” trong nhiệm kỳ này, để họ ngoan hiền hơn đối với mình; tránh việc sau khi được chọn “không nghe chỉ đạo”, lại trở thành thách thức cho mình.

Nhưng nhà bình luận chính sự Hồ Bình (Huping) gần đây có bình luận rằng tất cả các phe phái của ĐCSTQ (dĩ nhiên cả phe ông Tập Cận Bình) đều có tuổi thọ trung bình khoảng hai nhiệm kỳ, cao nhất là hai nhiệm kỳ rưỡi, sau đó tự nhiên tiêu vong.

Nguyên nhân vì họ không đứng vững nhờ quan điểm, mà nhờ quan hệ. Một ai đó khi lên đỉnh quyền lực là bắt đầu đề bạt thân tín, hình thành bè phái. Dựa theo tuổi tác, những thân tín được đề bạt thường chỉ làm nhiệm vụ được hai khóa hoặc hơn một chút, sau khi thân tín trẻ tuổi nhất được đề bạt đến tuổi nghỉ hưu thì phe phái cũng thoái hóa.

Ngoài ra, bản thân chính quyền chuyên chế luôn tiềm ẩn nguy cơ tứ bề, thể chế hiện hành có thể đứng vững qua 5 – 10 năm hay không còn khó biết. Hiện nay có nhiều thông tin cho rằng ông Tập Cận Bình có thể có những cải cách lớn về chính trị.

Ngày 12/11, Đài RFI (Pháp) dẫn ý kiến một người trả lời phỏng vấn cho biết, trong tương lai có thể ông Tập Cận Bình sẽ chuyển đổi mô hình chính trị, tân Ủy viên Thường vụ Vương Hộ Ninh có thể là một quân cờ nhiều ẩn số. Nhưng giả thuyết này chưa có nhiều chứng cứ thuyết phục.

Ông Bào Đồng (Baotong), người từng là Thư ký chính trị của cố lãnh đạo Triệu Tử Dương thì lên án gay gắt cái gọi là người tiếp quản quyền lực. Tháng trước trả lời phỏng vấn truyền thông ngoài Trung Quốc ông đã cho biết, một nước cộng hòa chân chính không cần phải bố trí trước “người tiếp quản”, “nhìn chung trên thế giới không ai xem Trung Quốc như là một nước cộng hòa”.

Tuyết Mai

Xem thêm: