Gần đây, phụ huynh của các trẻ em bị tiêm phải vắc-xin kém chất lượng dẫn đến bệnh tật từ các tỉnh thành của Trung Quốc đã đến trước cổng Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình tại Bắc Kinh căng biểu ngữ kháng nghị. Các gia đình nạn nhân này đi đòi công bằng, có người rơi vào cảnh nghèo túng đến mức phải đi xin ăn tại các bến xe.

vắc xin độc
Các gia đình nạn nhân bị tiêm vắc-xin độc lên Bắc Kinh đòi công bằng (Ảnh RFA)

Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) đưa tin, những năm gần đây Trung Quốc Đại Lục xảy ra nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị tiêm phải vắc-xin kém chất lượng, khiến nhiễm bệnh tật. Những ngày cận Tết Nguyên đán truyền thống, các gia đình nạn nhân đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, họ căng băng rôn, xin quyên tiền cứu trợ, nhưng đã bị người của chính quyền ngăn chặn.

Phụ huynh tên Mã Vũ (Ma Yu) đến từ Sơn Đông cho biết, họ nhiều lần đến Bắc Kinh để bày tỏ nguyện vọng, vì họ không có tiền để trị bệnh cho con, đành miễn cưỡng đến những khu người qua lại đông đúc tại Bắc Kinh giăng biểu ngữ xin tiền cứu trợ, “hiện có rất nhiều trẻ em gia cảnh khốn khó nhưng không được chính quyền địa phương cứu trợ, nhiều bé đi viện chữa bệnh nhưng bị ngưng điều trị giữa chừng vì phụ huynh không có tiền”.

Một phụ huynh khác tên Tôn Yên (Sun Yan) cho biết, tình hình của mỗi trẻ cũng khác nhau, có bé vừa sinh và được cho tiêm vắc-xin thì xảy ra vấn đề; có bé khi sinh ra khỏe mạnh, đến khoảng một tuổi rưỡi cho tiêm vắc-xin và trở thành nạn nhân. Bé gái của chị, năm nay 8 tuổi, cháu bị bại liệt khi một tuổi rưỡi vì tiêm phải vắc-xin độc.

Mặc dù Trung Quốc có thực hiện “biện pháp đền bù tiêm chủng dự phòng khi có phản ứng bất thường”, nhưng chị Tôn Yên cho biết, đối với trẻ em cần điều trị dài ngày, những bồi thường này chỉ như muối bỏ biển.

vắc xin độc
Các gia đình nạn nhân lên Bắc Kinh xin cứu trợ (RFA)

Nhiều nguồn tin chỉ ra, trong vấn nạn trẻ em Trung Quốc bị tiêm phải vắc-xin không đảm bảo chất lượng, các gia đình nạn nhân nhiều lần đến Bắc Kinh kêu gọi Chính phủ Trung Quốc có biện pháp trả lại công bằng cho họ, nhưng họ bị ngăn chặn, thậm chí bị đối xử bằng bạo lực hoặc bị giam giữ.

Vào đầu tháng Giêng năm nay, phụ huynh Mã Kiến Quốc (Ma Jianguo) tại thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông có con bị tiêm phải vắc-xin không đảm bảo và bị tàn phế đã cùng với một số gia đình bị nạn khác đến trước Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình tại Bắc Kinh để yêu gửi yêu cầu, đòi lại công bằng, nhưng họ đã bị chính quyền cho người đàn áp.

Thực tế, vụ tiêm chủng vắc-xin độc năm 2016 đã gây ra một làn sóng chỉ trích trên khắp Trung Quốc. Vụ việc xuất phát từ thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Khi đó cơ quan chức năng tỉnh Sơn Đông đã ra thông báo cho biết, số nghi phạm liên quan thuộc tuyến trên là 107 người và tuyến dưới là 193 người, thuộc 24 tỉnh và thành phố khác nhau, bao gồm Bắc Kinh, An Huy, Phúc Kiến, Cam Túc, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Liêu Ninh, Nội Mông, Hà Nam, Cát Lâm, Giang Tây, Trùng Khánh, Chiết Giang, Tân Cương, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Sơn Tây và Sơn Đông. Thời gian phạm tội kéo dài lên đến 5 năm, với số tiền lên đến 570 triệu nhân dân tệ.

>> Vắc-xin đã không còn tác dụng? Chuyên gia liên bang Mỹ mở hội nghị bàn đối sách

Tuy nhiên, trường hợp này không phải cá biệt. Năm 2005, có 200 học sinh tiểu học tại huyện Tú tỉnh An Huy, đã bị tiêm phải vắc-xin viêm gan A kém chất lượng, tính mạng rơi vào cảnh nguy kịch; năm 2008 và 2009 xảy ra sự kiện nhiều trẻ bị tiêm vắc-xin bệnh dại chất lượng kém tại các tỉnh Giang Tô, Đại Liên và Quảng Tây, có trẻ đã bị thiệt mạng; năm 2010, gần 100 trẻ ở Sơn Tây sau khi tiêm chủng thì có bé bị tử vong, có bé may mắn sống nhưng thành người tàn tật.

Vì tình trạng vắc-xin kém chất lượng vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc Đại Lục, nhiều phụ huynh đã chọn cách đến Hồng Kông để tiêm chủng, làm cho lượng vắc-xin tại Hồng Kông bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Tuyết Mai

Xem thêm: