1/7/2017 sẽ đánh dấu cột mốc 20 năm nước Anh trả lãnh thổ Hồng Kông về Trung Quốc. Người dân ở đây ngày càng lo lắng về việc chính quyền Bắc Kinh sẽ can thiệp nhiều hơn vào thành phố đang được hưởng nền dân chủ tương đối này. Có dấu hiệu của một làn sóng đổ xô đi xin hộ chiếu Anh Quốc như một giải pháp an toàn phòng trường hợp xã hội bất ổn hoặc quyền tự do dân sự tại Hồng Kông bị xâm phạm nhiều hơn.

Lo lắng của người dân Hồng Kông hoàn toàn có cơ sở khi chính quyền trung ương Trung Quốc ngày càng can thiệp nhiều hơn vào chính trị của đặc khu đang được hưởng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Theo thông tin từ báo chí Hồng Kông, ngay trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới sân bay Xích Lạp Giác (Chek Lap Kok) vào sáng thứ Năm (29/6), thì tối hôm thứ Tư (28/6), cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành trấn áp một cuộc biểu tình ôn hòa của các nhà hoạt động dân chủ tại tượng đài Kim Tử Kinh – (golden bauhinia) – biểu tượng của sự kiện trao trả Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997, nằm bên ngoài Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Wan Chai. Lãnh đạo nổi tiếng của phong trào dân chủ sinh viên Hoàng Chi Phong cùng gần 30 nhà hoạt động khác đã bị cưỡng chế lên xe cảnh sát, đưa về trại tạm giam.

Cảnh sát bắt người biểu tình ôn hòa đòi dân chủ tại Hồng Kông  hôm 28/6

Những biểu hiện mất dân chủ ngày càng tăng khiến dân Hồng Kông phải tính phương án xin hộ chiếu Anh để được an toàn khi có biến cố.

Hãng tin Reuters, dẫn nguồn dữ liệu của chính phủ Anh, các nguồn tin ngoại giao và lời chứng thực từ 6 công dân Hồng Kông cho thấy cư dân đảo quốc này, đặc biệt là thế hệ trẻ đang ngày càng lo lắng hơn về tương lai, gia tăng thất vọng về các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Trung Quốc đại lục.

Anh Quốc đã trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào 1/7/1997. Hai bên thống nhất  lãnh thổ Hồng Kông sẽ được hưởng quy chế đặc biệt “một quốc gia, hai chế độ“, đảm bảo quyền tự trị rộng rãi và độc lập tư pháp. Chính quyền cộng sản Trung Quốc hứa rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong “ít nhất” 50 năm, nhưng những gì sẽ xảy ra sau đó không được làm rõ.

Reuters đã tiến hành phỏng vấn những người Hồng Kông đang có hộ chiếu nước ngoài và các nhà ngoại giao và thấy rằng việc người dân của trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á này tăng cường xúc tiến nhận sự bảo đảm từ nước ngoài đã bùng phát từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bị trấn áp thẳng tay, đặc biệt là cuộc biểu tình “chiếm đóng” đường phố hay còn gọi là biểu tình “Ô dù” vào năm 2014, cũng như việc gia tăng yêu cầu độc lập cho Hồng Kông – một lằn ranh đỏ đối với chính quyền Bắc Kinh.

Những người được Reuters phỏng vấn nêu trên cũng nói rằng việc các nhà cầm quyền tại Trung Quốc đại lục tiến hành bắt giữ những nhà phát hành sách tại Hồng Kông, những người bán các ấn phẩm phê bình các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng đã làm lung lay lòng tin vào lời hứa của Bắc Kinh về việc không can thiệp vào chính trị đặc khu.

Công dân Hồng Kông, 25 tuổi, Dennis Ngan nói rằng: “Chúng tôi rồi sẽ chịu sự cai trị của Trung Quốc và chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào năm 2047 nếu có sự bất ổn chính trị. Tôi đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất”.

Giống như nhiều người bạn khác của mình, anh Dennis Ngan dự định gia hạn hộ chiếu Anh Quốc cho người hải ngoại (BNO) – một loại hộ chiếu thường trú đặc biệt cho người Hồng Kông trước năm 1997.

Theo dữ liệu của chính phủ Anh, hơn 37.500 hộ chiếu BNO đã được cấp vào năm 2016, tăng tới 44% so với 2015 và là con số cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Gia tăng xin hộ chiếu nước ngoài

Người sở hữu BNO không có quyền cư trú vĩnh viễn tại Anh Quốc, nhưng khi có BNO, họ có thể nhập cảnh vào nước Anh 6 tháng mà không cần xin thị thực và có quyền được bảo vệ bởi lãnh sự quán Anh.

Anh Ngan cho hay: “Hộ chiếu BNO là một dạng an sinh, giống như bảo hiểm. Việc gia hạn không phải là để có một giấy tờ đi lại, mà là để có đủ điều kiện được hưởng các quyền hoặc sự bảo vệ”.

Reuters đã yêu cầu Bộ Nội vụ Anh Quốc cung cấp số liệu cấp BNO trong năm 2017 và con số người đang có hộ chiếu BNO, nhưng đã bị từ chối.

Tuy nhiên, hãng tin Anh Quốc này qua nguồn tin ngoại giao từ Hồng Kông cho biết rằng người dân đặc khu này đang đổ xô đi xin quốc tịch nước ngoài, được cho là một biểu hiện của sự lo ngại về tương lai bất ổn tại đây.

Một quan chức ngoại giao cao cấp nói rằng: “Mọi người đang lo lắng. Chúng tôi hiểu rằng các đại sứ quán trên khắp Hồng Kông đang nhận được rất nhiều yêu cầu từ những người xin quốc tịch”.

Tại Canada, trong 10 năm từ 1995 tới 2015 số công dân mới từ Hồng Kông gia tăng đột biến. Năm 2016, 1.086 người Hồng Kông đã trở thành cư dân thường trú tại Đài Loan – con số cao nhất trong thập kỷ qua.

Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng công dân Hồng Kông nộp đơn xin thường trú tăng lên gấp 7 lần vào năm 2015 so với năm 2007. Trong khi ở Hoa Kỳ, từ năm 2015 đến năm 2016, số lượng thị thực nhập cảnh cấp cho Hồng Kông tăng lên 22%

Đào thoát nếu xảy ra biến cố lớn

Ông Kevin Hla, 40 tuổi, một chuyên gia IT gốc Myanmar, đã sống ở Hồng Kông suốt cuộc đời của mình nhưng từ chối nhận hộ chiếu Hồng Kông, thay vào đó ông dùng hộ chiếu BNO và mới được gia hạn vào năm ngoái. Ông Kevin nói: “Nếu mọi việc thực sự tồi tệ ở đây và mọi người cần phải tìm nơi tị nạn, tôi hy vọng người Anh sẽ xem xét và lắng nghe. BNO cho tôi một lựa chọn để trốn thoát. Tôi không tin tưởng chính phủ Trung Quốc”.

Một khảo sát của Đại học Hồng Kông công bố vào tuần trước cho hay trong số 120 thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 29 được hỏi, chỉ có 3,1% những người xác định mình là “người Trung Quốc hoàn toàn”. Con số này là 31% khi cuộc điều tra được tiến hành ở thời điểm 20 năm trước.

Cô Daisy Wong, 30 tuổi, người hy vọng sẽ sử dụng hộ chiếu BNO của mình để đảm bảo cư trú tại Anh để có thể sinh con tại đây. Cô Wong nói: “Tôi cảm thấy như thể tôi có một nửa là người Anh. Chính phủ Anh là tốt, họ đã cho mọi người lựa chọn này”.

Yên Sơn

Xem thêm: