Tọa lạc tại châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, Học viện Phật giáo Larung Gar (Học viện Phật giáo Lạt Vinh Ngũ Minh) là một trong những học viện Phật giáo Tây Tạng có quy mô lớn nhất thế giới. Từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu cưỡng chế phá dỡ tăng xá, việc này đã làm cho quốc tế chú ý. Hiện tại, học viện Phật giáo được người dân xây dựng này do đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quản lý.

hoc vien Phạt giao
Học viện Phật giáo Larung Gar là một trong những học viện Phật giáo Tây Tạng có quy mô lớn nhất thế giới (Ảnh: Internet)

Theo tin từ Đài VOA, trang web của chính quyền châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, huyện Sắc Đạt, tỉnh Tứ Xuyên đã công bố công khai cán bộ cán bộ được được bổ nhiệm trước khi nhận nhiệm vụ. Theo đó, 6 đảng viên là quan chức địa phương sẽ giữ chức vụ quản lý quan trọng trong Học viện Phật giáo Larung Gar như Bí thư Đảng ủy Học viện, Viện trưởng, v.v..

Từ thông tin công khai có thể thấy, học viện Phật giáo sẽ bị phân thành 2 bộ phận tự viện và học viện để tiến hành quản lý. Trong đó, Ủy viên Đảng ủy Cục công an, Cục phó Cục công an Cam Tư đương nhiệm là Trát Ba sẽ nhậm chức Bí thư, Viện trưởng Học viện Phật giáo, còn có hai vị quan chức là đảng viên nữa, trong đó một vị là Phó ban Mặt trận Thống nhất, Cục trưởng Cục Dân tộc và Tôn giáo huyện Cửu Long cũng nhậm chức phó Bí thư và phó viện trưởng học viện. Đương nhiệm Phó bí thư huyện Sắc Đạt Tứ Lang Khúc Phê sẽ nhậm chức Bí thư Tổ chức Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Tự viện. Còn hai quan chức địa phương khác giữ chức Phó bí thư tổ chức Đảng và Phó Chủ nhiệm Quản lý Tự viện.

Chủ nhiệm công trình nghiên cứu Tây Tạng đương đại của Đại học Columbia, ông Robbie Barnett nói, vấn đề đảng viên, cán bộ hoặc quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc vào và ở trong chùa không phải là gần đây mới có. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trước đây, thông thường chỉ có vài quan chức được bổ nhiệm đến chùa để quản lý, có tình huống đặc biệt thì có tổ công tác 20 người, nhưng lần này tại Học viện Phật giáo Larung Gar, theo ông được biết, ngoài những quan chức được công bố, còn có trên 100 quan chức được sắp xếp đến để quản lý chùa và học viện, đây là điều chưa có tiền lệ.

Ông nói: “Các ví dụ trước đây không có cái nào giống như Học viện Phật giáo Larung Gar mà chúng ta đang thảo luận. Hiện tại không phải là nhóm công tác 10 hay 20 quan chức, mà là 200 quan chức tham gia quản lý các cấp bậc và các bộ phận trong chùa. Do đó, số người còn lớn hơn nhiều so với con số được chính quyền công khai. Điều này có cho thấy sự thay đổi rất lớn so với trước đây.”

Học viện Phật giáo Larung Gar tọa lạc tại quần thể núi thuộc châu tự trị tộc Tạng Cam Tư, huyện Sắc Đạt, tỉnh Tứ Xuyên, có độ cao 4.000m so với mực nước biển, được thành lập từ năm 1980 bởi Pháp vương Khenpo Jigme Phuntsok. Học viện này đã thu hút trên 10.000 tín đồ Phật giáo Tây Tạng và tăng lữ đến học và nghiên cứu Phật pháp, các tăng xá màu đỏ dọc sườn núi mọc lên từng tầng từng tầng, tạo nên cảnh đẹp rực rỡ và đặc thù cho học viện này. Người tín ngưỡng không chỉ có người dân tộc Tạng, mà còn có rất nhiều người Hán.

Gần 40 năm nay, học viện Phật giáo này luôn vận hành độc lập. Một số nhà quan sát lo lắng, sau khi Đảng quản lý, tính độc lập của Học viện Phật giáo Larung Gar có lẽ sẽ không còn nữa.

Ông Robbie Barnett còn nhận định, mấy năm qua chính quyền ĐCSTQ đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách tôn giáo, không chỉ nhấn mạnh chủ nghĩa yêu nước, mà họ còn đề xuất tôn giáo cần phải thích ứng với xã hội chủ nghĩa, tăng lữ ngoài việc nghiên cứu học tập Phật pháp ra, rất có thể bị yêu cầu phải học tập chính trị.

Trong danh sách 6 quan chức đảng viên quản lý Học viện Phật giáo Larung Gar được chính quyền châu tự trị Cam Tư công bố, tất cả họ đều là người dân tộc Tạng. Ông Robbie Barnett nói, thông thường người Hán được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm đến khu tự trị Tây Tạng làm quan chức quản lý trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng cũng có nhiều trường hợp là người dân tộc Tạng được bổ nhiệm. Tuy nhiên ông cũng cho biết, dù người quản lý có là người dân tộc Tạng hay không, kết quả có lẽ cũng không có khác biệt gì lớn.

Ông nói: “Những quan chức này sẽ phải làm việc theo mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên là người Hán. Nếu như cấp trên ra lệnh cho họ phải cứng rắn, thì họ cũng không có quá nhiều lựa chọn.”

Một số nhân sĩ cho rằng, gần đây hàng loạt những sự kiện xảy ra tại học viện Phật giáo này cho thấy, chính quyền có ý đồ muốn cải tạo Học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất Trung Quốc thành địa điểm du lịch, nhằm làm suy yếu tính chất tôn giáo của học viện này.

Bắt đầu từ năm ngoái đã có tin nói, chính quyền Trung Quốc tiến hành cưỡng chế dỡ bỏ tăng xá, hàng ngàn tăng ni và tăng lữ bị đuổi ra khỏi học viện. Chính quyền khi đó nói, những kiến trúc đó là công trình phi pháp, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và mất vệ sinh. Tuy nhiên, rất nhiều tăng lữ cho biết, đây là lý do chính quyền Trung Quốc dùng để khống chế và o ép những người nghiên cứu, tu luyện và truyền bá Phật giáo Tây Tạng.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của xã hội quốc tế. Báo cáo hồi tháng 4/2017 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) cho thấy, tình hình tự do tôn giáo tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ, trong đó đặc biệt nhắc tới việc tăng xá trong học viện Phật giáo bị cưỡng chế dỡ bỏ và tăng chúng bị đuổi khỏi học viện. Tháng 12/2016, nghị viện châu Âu từng kêu gọi Trung Quốc dừng việc dỡ bỏ Học viện Phật giáo Larung Gar, cũng như cần tôn trọng tự do tôn giáo. Tháng 11/2016, 6 vị chuyên gia về vấn đề nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm cho chính phủ Trung Quốc biểu thị quan ngại sâu sắc về vấn đề này.

Trí Đạt

Xem thêm: