Về vấn đề tập trung quyền lực tại Trung Nam Hải trước thềm Đại hội 19, ông Khâu Khôn Huyền, giáo sư Đại học Chính trị Đài Loan chỉ ra rằng việc xác lập địa vị thống trị toàn diện của “lãnh đạo hạt nhân” Tập Cận Bình trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính là trọng điểm, mà để làm được điều này, thì khả năng khôi phục chức vị “chủ tịch đảng” là rất cao.

GettyImages 649522580
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Theo tờ United Daily News của Đài Loan, ngày 7/10, ông Khâu Khôn Huyền trong cuộc phỏng vấn vấn báo giới đã phát biểu, việc ông Tập Cận Bình chú trọng tập trung quyền lực là điều tất yếu. Trước đây, thời đại Mao Trạch Đông cũng từng tiến hành “tập trung quyền lực”, đến Đặng Tiểu Bình thì đề xuất “lãnh đạo tập thể”, rồi đến Hồ Cẩm Đào 10 năm nắm quyền lại từ “lãnh đạo tập thể” biến thành “không có lãnh đạo”, đi đến một cực đoan khác, Vì vậy, cho dù là ai “lên đài”, thì tất yếu đều theo hướng tập trung quyền lực.

Ông Khâu nhận định, sau khi ông Tập Cận Bình xác lập toàn diện địa vị “lãnh đạo hạt nhân”, thì sẽ không có “lãnh đạo tập thể”, chỉ có “tập trung quyền lực” và hoàn toàn có thể phủ quyết tất cả các sự vụ quan trọng trong Ban Thường ủy Bộ Chính trị. Thêm nữa, cái tên “Tập Cận Bình” một khi được đưa vào Điều lệ đảng, sức ảnh hưởng chính trị của ông Tập cũng sẽ vượt qua hẳn các chủ tịch nước một số nhiệm kỳ trong quá khứ như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào.

Nhiều nhà quan sát còn nhận định rằng, hiện không có bất kỳ thông tin nào về việc chỉ định người kế nhiệm cách khóa và không loại trừ việc ông Tập sẽ chưa lập tức lựa chọn người kế nhiệm, mà sẽ quan sát để xem bản thân mình có thể tiếp tục vai trò lãnh đạo ở nhiệm kỳ thứ ba hay không. Điều 79 của Hiến Pháp Trung Quốc giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vai trò chủ tịch nước nhưng Điều lệ đảng không có giới hạn nhiệm kỳ tổng bí thư. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng ông Tập Cận Bình khôi phục lại vị trí “chủ tịch đảng” là rất cao.

Đại hội 19: Trọng điểm vẫn là tiếp tục tập trung quyền lực

Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, được xác lập là “lãnh đạo hạt nhân” tại Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa 18 họp tháng 10/2016. Danh xưng này trước đó chỉ có 3 người tiền nhiệm là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân mới có. Nếu học thuyết chính trị của ông Tập được ghi vào Điều lệ đảng sau Đại hội 19, thì ông Tập sẽ lập kỷ lục về thời gian từ khi trở thành “hạt nhân” cho đến khi được xác lập tư tưởng trong đảng, vươn lên đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông và vượt qua Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều có những tư tưởng chính trị được đưa vào Điều lệ là “Thuyết Ba đại diện” và “Quan điểm Phát triển Khoa học”, nhưng chúng không trực tiếp gắn liền với tên của họ.

Trong một năm trở lại đây, những vấn đề liên quan đến việc Tập Cận Bình sẽ thủ tiêu hoặc cải cách chế độ ủy viên thường ủy, khôi phục vị trí chủ tịch đảng, hoặc giả có sắp xếp người kế nhiệm tiếp theo hay không… vẫn luôn là những điểm nóng trong chính trường Trung Quốc.

Nhà bình luận chính trị Trần Phá Không ở hải ngoại hôm 3/10 có bài phát biểu trên đài Á châu Tự do, đề cập đến vấn đề tập trung quyền lực Trung Nam Hải trong thời gian gần đây. Ông nhận thấy, nhân sự của phe Tập Cận Bình đều đã sẵn sàng vào vị trí, ủy viên thường vụ ngoại trừ Lý Khắc Cường, toàn bộ đều là những người của ông Tập như Lật Chiến Thư, Trần Mẫn Nhĩ, Thái Kỳ, Ứng Dũng… Bài viết này chỉ ra, điều này đã chứng minh quyền lực cự đại của ông Tập Cận Bình, không chỉ có khả năng chi phối nhân sự ở các cấp địa phương và quân đội, mà còn có thể chi phối nhân sự trong Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Tờ Sing Tao Daily dẫn lời ông Dương Triêu Huy tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Bắc Kinh cho rằng, cho dù số lượng ủy viên thường vụ của Đại hội 19 là 5 hay 7 người, thì những người ủng hộ Tập Cận Bình trong ủy ban thường vụ cũng chiếm đa số, điều này đã thể hiện rõ địa vị và quyền lực trước mắt của ông Tập.

Bàn luận về người kế nhiệm ông Tập Cận Bình, bởi vì người vốn được lựa chọn kế nhiệm “thế hệ thứ 6” Tôn Chính Tài đã bị “ngã ngựa”, nên tin tức về “hắc mã” Trần Mẫn Nhĩ sẽ kế nhiệm cũng tiêu tốn không ít giấy mực của giới phân tích.

Mới đây, VOA trích dẫn ý kiến một số nhà quan sát thấy rằng, ông Tập Cận Bình dường như đã hạ quyết tâm phá bỏ quy tắc chỉ định người kế nhiệm cách khóa bất thành văn của ĐCSTQ. Ông Tập có thể sẽ tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 (sau năm 2022) và tiếp tục nắm quyền.

Về việc khôi phục chức vụ chủ tịch đảng, ông Đinh Học Lương, giáo sư tại Đại học Khoa học Kỹ Thuật Hồng Kông cho rằng không thể loại trừ khả năng này, nhưng ông cũng nhận định chức vụ này có thể sẽ không được đưa ra một cách chính thức, mà chỉ là khôi phục những quyền hạn trọng yếu và tăng cường quyền lực vào tay tổng bí thư.

Minh Ngọc

Xem thêm: