Một blogger trên mạng xã hội tiếng Trung đã chia sẻ rằng diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến người Trung Quốc cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã đặt tay lên cuốn “Kinh thánh” tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ tại thủ đô Washington D.C. Trong lời tuyên thệ, ông đã nói: “Tôi, Donald Trump xin tuyên thệ sẽ trung thành thực hiện nhiệm vụ Tổng thống Hợp chủng quốc, tận lực bảo vệ và giữ gìn Hiến pháp Hợp chủng quốc, vì thế xin Chúa hãy giúp tôi”. Trong diễn văn nhậm chức sau đó, ông đã 3 lần nhắc đến Chúa và cuối cùng nhấn mạnh: “Xin cảm ơn. Cầu Chúa ban phước cho các bạn, cầu Chúa ban phước cho nước Mỹ“. Có thể thấy rằng nghi thức nhậm chức Tổng thống của ông Trump bao phủ trong bầu không khí thể hiện lòng tôn kính đối với Chúa trời.

Những ai thông thạo lịch sử nước Mỹ đều biết, đây là đất nước có niềm tin mạnh mẽ đối với Thiên Chúa ngay từ thời lập quốc và đó là giá trị hạt nhân của người Mỹ. Đầu thế kỷ 17 là lúc người Anh bắt đầu di dân đến Bắc Mỹ. Ban đầu các tín đồ Thanh giáo bỏ xứ vượt đại dương nguy hiểm ra đi vì họ muốn tìm lối thoát do bị bức hại đức tin. Năm 1620, 102 hành khách, trong đó có 41 tín đồ Thanh giáo đã lên tàu Mayflower (hoa của tháng Năm) tìm đường đến Bắc Mỹ. Trên tàu, họ đã cùng nhau chế định «Công ước Mayflower». Ngày 21/11 họ cập bờ Plymouth, các tín đồ Thanh giáo đã ký kết «Công ước Mayflower» cùng những người tự do, trong đó viết: “… Chúng ta cùng nhau thề trước Chúa, tự nguyện tập hợp thành một tổ chức tự trị. Để những mục tuyên bố kể trên được thực thi, bảo vệ và phát triển ngày càng tốt đẹp hơn, những điều lệnh, hiến chương và công ước về sau đưa ra theo nền tảng này và phù hợp đối với toàn thể chúng ta thì mọi người phải tuân thủ và phục tùng”. Từ đây, những giá trị như chống lại bức hại tôn giáo, tuân thủ quyền tự do tín ngưỡng và tôn kính Thiên Chúa trở thành nền tảng lập quốc của nước Mỹ.

Từ khi nước Mỹ thành lập cho đến nay, đa số các Tổng thống Mỹ đều là tín đồ Cơ Đốc, việc đến giáo đường sám hối trở thành một phần nghi thức không thể thiếu khi nhậm chức Tổng thống. Washington, vị Tổng thống Mỹ đầu tiên cho rằng nước Mỹ độc lập là ân điển của Chúa, ông từng nói: “So với các nước khác, nhân dân Mỹ càng có lý do để được thừa nhận hơn, vì Chúa can dự vào mọi việc của người Mỹ. Người Mỹ cần hiểu rằng dấu ấn của Chúa nhiều lần in dấu trong thời kỳ cách mạng của nước Mỹ, Chúa toàn năng là thần hộ mệnh cho nước Mỹ”. Tại lễ nhậm chức Tổng thống, ngoài nụ hôn «Thánh Kinh», tay đặt lên «Thánh Kinh» cùng những lời tuyên thệ, ông Donald Trump còn nói, “Tôi tuyên thệ, tôi cầu xin sự che chở của Chúa”. Các đời Tổng thống Mỹ đều phải tuyên thệ trước «Thánh Kinh», và trong diễn thuyết khi nhậm chức phải cầu xin sự che chở của Chúa. Trong thời chiến tranh giành độc lập, khi mở màn Tổng thống Washington đã lệnh cho các sĩ quan đọc lời cầu nguyện trước các binh sĩ, và từ tháng 7/1776, các binh đoàn phải bố trí mục sư đi cùng. Từ đó đến nay, quân đội Mỹ luôn giữ nét văn hóa cầu nguyện trước khi tham chiến và bố trí mục sư trong quân đội. Như vậy, niềm tin vào Chúa là cái gốc lập quốc của nước Mỹ, niềm tin vào thánh thần là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đa số người Mỹ.

Tuy nhiên, dù nhiều người dân Mỹ đặc biệt tôn kính Chúa, nhưng họ không vì niềm tin này mà hợp nhất chính trị với tôn giáo. Ngược lại, để đảm bảo cân đối quyền lực công, họ đã xây dựng hệ thống tam quyền phân lập và chế độ bầu cử dân chủ. Tuy không thể nói chế độ dân chủ này là hoàn hảo, nhưng thực tiễn tồn tại 241 năm đã chứng minh đây là nền chính trị đạt được hiệu quả cao trong ràng buộc quyền lực của kẻ nắm quyền, đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn các hành vi bạo lực do những kẻ độc tài gây ra, đạt hiệu quả cao nhất để đảm bảo các nhân quyền cơ bản được thực thi, đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Thực tế chứng minh, nước Mỹ đã không vì niềm tin vào Chúa mà suy thoái, ngược lại họ càng ngày càng phát triển hùng cường.

Trong bài diễn thuyết nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh: “Từ quá lâu, một nhóm nhỏ tại thủ đô đã thu gặt phần thưởng của chính phủ, trong khi người dân phải chịu chi phí. Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải. Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa. Giới lãnh đạo chỉ tự bảo vệ mình nhưng không bảo vệ công dân đất nước. Thắng lợi của họ không phải là thắng lợi của các bạn; vinh quang của họ không của các bạn; và khi họ ăn mừng ở thủ đô, chẳng có mấy điều đáng ăn mừng cho các gia đình khó khăn ở khắp đất nước.” Khi nghe đoạn diễn thuyết này của Donald Trump, những người hiểu rõ tình hình Trung Quốc đều cảm nhận sâu sắc vấn đề mà Trump nói đến chính là vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc ngày nay đang đối diện.

Đã từ rất lâu, một nhóm nhỏ người Trung Quốc chiếm đoạt hết thành quả phát triển của xã hội Trung Quốc, trong khi công lao này là thành quả chung của 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Dù Trung Quốc trông thật phồn hoa nhưng đa số người dân thường không được thụ hưởng thành quả tương xứng. Giới quyền quý trong chính quyền ngày càng giàu có, còn cơ hội của đa số người dân thường ngày càng khan hiếm, vô số sinh viên đại học phải đối diện với cảnh thất nghiệp. Giới quyền lực chính trị Trung Quốc chỉ biết lo cho an toàn của họ chứ không màng gì đến an toàn của đa số người dân. Như vậy, thắng lợi của Trung Quốc không phải thắng lợi của người dân Trung Quốc. Khi giới quyền quý hoan hô chào mừng tại Thủ đô thì đang có vô số gia đình trên mảnh đất này phải vật lộn với cuộc mưu sinh không có gì để vui mừng. Đây là thực tế, đa số các gia đình hàng ngày phải vật lộn vì khoản tiền vay mua nhà kếch xù, phải lo âu vì tiền học phí cao ngất ngưởng, phải đau khổ vì chi phí chữa bệnh quá sức chịu đựng, phải tranh đấu thường xuyên trong cuộc tìm kiếm quyền cơ bản của công dân, như vậy thành công của chính quyền độc tài có liên quan gì đến đa số người dân?

Donald Trump còn nhắc nhở: “Ở trung tâm phong trào này là niềm tin trọng yếu: rằng một quốc gia tồn tại là để phục vụ người dân. Người dân Mỹ muốn trường tốt cho con, môi trường sống an toàn cho gia đình, và việc làm tốt cho họ. Đây là những đòi hỏi công bằng, chính đáng của những con người ngay thẳng và của nền cộng hoà chính đáng.” Chẳng lẽ rất cả những điều này không phải là nhu cầu bức thiết của mỗi người dân Trung Quốc? Thế nhưng chính quyền này đã làm được những gì cho người dân? Đến tận bây giờ họ vẫn ngày ngày rêu rao việc noi theo Hiến pháp dân chủ phương Tây với hệ thống tam quyền phân lập và nền tư pháp độc lập là “tư tưởng sai lầm”. Lời giải trong nhiều vấn đề mà đa số người dân bức xúc như vấn đề giá nhà, chế độ giáo dục, chăm sóc y tế, an toàn thực phẩm, quyền tự do tín ngưỡng… dường như hoàn toàn mù mịt.

lost-childhood-ethnic-yi-minority-migrant-worker-children-jiaodong-kelp-harvesting-china-08
Một em bé Trung Quốc 3 tuổi đã phải chăm sóc em (Ảnh: internet)

Nền chính trị độc tài này làm cho cơ hội phát triển bản thân của đa số người dân ngày càng nhỏ hẹp lại. Không nghi ngờ gì, lời tuyên bố “Quốc gia phải phục vụ cho công dân của nó” của ông Donald Trump chính là nỗi đau và mơ ước của mỗi người dân Trung Quốc sống dưới thể chế này.

Ông Donald Trump còn nói: “Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở lại thành người cai trị đất nước này”. Với câu nói này, chắc chắc nhiều người dân Trung Quốc đang phải cam chịu trong chế độ sẽ phải đau đớn tự hỏi: Đến bao giờ chúng ta mới thực sự là chủ nhân của quốc gia? Khi nào mọi người mới thoát khỏi được tình trạng bị áp đặt? Khi nào đa số những người dân lao động chân chính mới giành lại được tất cả những gì đã bị cướp mất từ phía người cai trị?

Theo Blog Xuyên Nhân (Mộc Vệ biên dịch)

Xem thêm: