Ngày 25/10, kết thúc Đại hội 19, 7 ủy viên thường vụ mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức ra mắt và có buổi gặp gỡ báo giới Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, bao gồm có Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Theo danh sách này, có thể thấy ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn chiếm ưu thế, còn thế lực phe ông Giang Trạch Dân hết sức suy yếu.

anh 2
Ngày 25/10/2017, ông Tập Cận Bình cùng các ủy viên thường vụ mới đã chính thức ra mắt báo giới

Phía quan chức cũng công bố 25 ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm: Đinh Tiết Tường, Tập Cận Bình, Vương Thần, Vương Hỗ Ninh, Lưu Hạc, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan (nữ), Lý Hy, Lý Cường, Lý Khắc Cường, Lý Hồng Trung, Dương Khiết Trì, Dương Hiểu Độ, Uông Dương, Trương Hựu Hiệp, Trần Hy, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư, Quách Thanh Công, Hoàng Khôn Minh, Hàn Chính và Thái Kỳ.

Ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hai ông Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp làm Phó Chủ tịch. Ông Triệu Lạc Tế giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Thành viên ban Bí thư Trung ương do các ông Vương Hỗ Ninh, Đinh Tiết Tường, Dương Hiểu Độ, Trần Hy, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh đảm nhiệm.

 7 Ủy viên Thường vụ chính thức lộ diện

Sau khi Đại hội 19 bế mạc vào ngày 24/10, đến ngày 25/10 ĐCSTQ đã tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên khóa 19, chọn ra các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, Ủy viên Thường vụ và Tổng Bí thư. Đến cuối buổi sáng, danh sách Ủy viên Thường vụ đã được công bố chính thức, vẫn duy trì 7 người, chứ không giảm đi như nhiều lời đồn đoán trước đó.

Nhìn từ màn hình tường thuật trực tiếp, có thể thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn ban lãnh đạo gồm 6 ủy viên thường vụ tiến vào, theo thứ tự từ Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Nhạc Tế và Hàn Chính.

Screen Shot 2017 10 25 at 12.00.22 AM
7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện ông Tập Cận Bình giữ chức Tổng Bí thư, ông Lý Khắc Cường giữ chức Thủ tướng, ông Uông Dương giữ chức Phó Thủ tướng, ông Lật Chiến Thư giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ông Hàn Chính giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải, ông Triệu Nhạc Tế giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Vương Hỗ Ninh giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương.

Theo thứ tự sắp xếp mới, tâm phúc của ông Tập Cận Bình là ông Lật Chiến Thư sẽ thay thế người của phe ông Giang Trạch Dân là Trương Đức Giang làm Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, đồng thời phụ trách các sự vụ của Hồng Kông và Macau. Ông Triệu Lạc Tế sẽ thay thế ông Vương Kỳ Sơn giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Uông Dương làm Chủ tịch Ủy ban Chính trị Pháp Luật, thay cho ông Du Chính Thanh. Ông Vương Hỗ Ninh sẽ thế chỗ cho ông Lưu Vân Sơn – thành viên chủ chốt của phe ông Giang Trạch Dân. Ông Hàn Chính có thể sẽ thay thế Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ.

Embed from Getty Images

Nhà bình luận chính trị nổi tiếng Hồ Bình từng nhận định, ông Lật Chiến Thư vốn có quan hệ thân thiết với ông Tập Cận Bình, do đó việc “nhập thường” là tất yếu. Còn ông Uông Dương thì do bị thế lực phe Giang Trạch Dân cản trở không thể nhập thường từ Đại hội 18, nhưng đến Đại hội 19 chắc chắn sẽ được trọng dụng. Ông Vương Hỗ Ninh trước đó cũng được giới dự đoán phân tích sẽ có tên trong danh sách Ủy viên Thường vụ nhờ năng lực và xuất thân của mình.

Hai ứng cử viên do ông Hồ Cẩm Đào bồi dưỡng và cũng được ông Tập Cận Bình tín nhiệm là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, cùng với Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ đều không gia nhập Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông Hồ Bình còn cho rằng, danh sách Ủy viên Thường vụ mới này khiến người ta có cảm giác rằng, tại kỳ đại hội tiếp theo sẽ không có đội ngũ kế nhiệm thay thế, và rất có thể ông Tập Cận Bình chưa có ý định nghỉ hưu vào Đại hội 20 mà tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.

Ngày 24/10, Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ đảng, thể hiện quyền lực tuyệt đối của ông Tập trong nội bộ Đảng. Mặc dù không khôi phục lại chức vị Chủ tịch Đảng, nhưng ngoại giới khẳng định rằng từ năm 2016 ông Tập đã được xác nhận là “lãnh đạo hạt nhân” và có quyền phủ quyết về nhân sự và chính sách.

Cuộc chiến sinh tử 5 năm giữa ông Tập Cận Bình – Vương Kỳ sơn với phe phái ông Giang Trạch Dân

Ông Tập Cận Bình suốt 5 năm nhậm chức đến nay đã liên thủ cùng ông Vương Kỳ Sơn tiến hành chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ” Chu Vĩnh Khang cùng 5 nhân vật lớn dưới trướng bao gồm Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài; còn có khoảng 43 Ủy viên Trung ương và Ủy viên dự khuyết, 9 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Có khoảng 1,545 triệu người bị lập án điều tra, 1,537 triệu người bị xử lý, trong đó có khoảng 58.000 trường hợp bị kết án. Trong số các tướng bị “ngã ngựa”, có một lượng lớn là quan chức cao cấp thuộc phe phái ông Giang Trạch Dân.

Kể từ Đại hội 18 đến nay, cũng có 440 cán bộ trong ngành quân đội bị lập án thẩm tra, và phần lớn những nhân vật “ngã ngựa” cũng từ phe Giang.

Ngày 19/10, trong một buổi gặp mặt phóng viên báo giới, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Dương Hiểu Độ đã phát biểu, trong cuộc chiến chống tham nhũng, khi điều tra đã phát hiện Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Cùng ngày, ông Lưu Sĩ Dư trong một phiên họp bên lề Đại hội cũng chỉ ra trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung ương đặc biệt điều tra xét xử Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài. Những người này đều là quan chức cao cấp trong Đảng bộ Trung Quốc, nhưng lại ôm giữ âm mưu “soán đảng đoạt quyền”. Ngoại giới nhận định, điều này cho thấy phe phái Giang thực sự đã có âm mưu chính biến với ông Tập Cận Bình suốt nhiều năm nay.

“Đại nội tổng quản” Lật Chiến Thư vào Ban Thường vụ

Ông Lật Chiến Thư, sinh tháng 8/1950 (năm nay 67 tuổi), người huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc. Từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư huyện ủy, Bí thư thành phố, Tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh ủy. Ông công tác thời gian dài tại quê nhà Hồ Bắc, đến năm 1998 được điều chuyển đến Thiểm Tây, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Thành phố Tây An. Năm 2003, ông tiếp tục được điều chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hắc Long Giang, ông đã loanh quanh làm ủy viên thường vụ cấp tỉnh ủy đúng 10 năm.

Sau đó đến năm 2010, ông Lật Chiến Thư tiếp tục được điều chuyển đến tỉnh Quý Châu làm Bí thư tỉnh ủy, và con đường thăng quan tiến chức cũng bắt đầu có bước ngoặt lớn tại đây. Năm 2012, khi đó ông Lật Chiến Thư 62 tuổi, giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ. Tháng 9/2012, ông lên làm Chủ nhiệm Văn phòng này thay cho ông Lệnh Kế Hoạch, và trở thành “đại nội tổng quản”.

Tại Đại hội 18, ông Lật Chiến Thư trúng cử vào Ủy viên Bộ Chính trị và làm Ủy viên Ban bí thư Trung ương, từ đó ông bắt đầu triệt để “rửa sạch” Văn phòng Trung ương bị ông Lệnh Kế Hoạch chiếm cứ 10 năm.

Ông Uông Dương được ông Tập Cận Bình trọng dụng

Các tài liệu công khai cho thấy, ông Uông Dương (sinh năm 1955, hiện 62 tuổi), là người thị trấn Túc Châu, tỉnh An Huy. Năm 1981, khi đó ông Uông mới 26 tuổi được giữ chức phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Túc Châu, tỉnh An Huy, từ đó ông đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Năm 2005, ông Uông Dương được điều chuyển đến Trùng Khánh, thay ông Hoàng Trấn Đông giữ chức Bí thư thành phố Trùng Khánh. Năm 2007, tại Đại hội 17, ông Uông Dương được bầu vào làm Ủy viên Trung ương, tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Trung ương ĐCSTQ  khóa 17, ông trúng cử làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Trước Đại hội 18, khi đó ông Uông Dương 57 tuổi, được coi là nhân vật nổi trội sẽ vào Ban Thường vụ, nhưng sau đó có tin đồn ông bị thế lực của phe ông Giang Trạch Dân ngăn cản nên không vào được Ban Thường vụ. Tuy nhiên sau Đại hội 18, ông Uông lại được ông Tập trọng dụng.

Ông Triệu Lạc Tế vào Ban Thường vụ giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương

Ông Triệu Lạc Tế (sinh năm 1957, năm nay 60 tuổi), người Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Ông Triệu đã có 30 năm công tác tại tỉnh Thanh Hải; tháng 1/2000, khi đó ông 42 tuổi, trúng cử chức Chủ tịch tỉnh Thanh Hải; tháng 8/2003, ông giữ chức Bí thư tỉnh Thanh Hải. Tháng 3/2007, ông thuyên chuyển sang chức vị Bí thư tỉnh Thiểm Tây. Ngày 15/11/2012, ông Triệu trúng cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và đến ngày 19/11, giữ chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương.

Lần này ông Triệu Lạc Tế vào Ban Thường vụ, cho thấy ông đã giành được sự tín nhiệm của ông Tập Cận Bình. Ông Triệu sẽ giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, sẽ tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng  “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập.

Ông Vương Hỗ Ninh

Ông Vương Hỗ Ninh (sinh năm 1955, năm nay 62 tuổi), sau Đại hội 18, ông giữ chức vụ quan trọng như Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương, kiêm chức Tổng Bí thư Tổ cải cách toàn diện Trung ương.

Được gọi là “Chủ tịch cố vấn Trung Nam Hải”, ông Vương Hỗ Ninh trở thành phụ tá quan trọng của ông Tập Cận Bình. Ông Vương Hỗ Ninh sẽ quản lý Bộ Tuyên truyền thay cho người của phe ông giang Trạch Dân là ông Lưu Vân Sơn, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ từng bước nắm quyền trong hệ thống tuyên truyền.

Ông Hàn Chính

Ông Hàn Chính (sinh năm 1954, năm nay 63 tuổi), người ở thị trấn Từ Khê, tỉnh Chiết Giang. Ông có thời gian rất dài công tác tại Thượng Hải, từng kinh qua các chức vụ như Thường ủy thành ủy Thượng Hải, Phó tổng Thư ký thành phố Thượng Hải, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch thành phố, Chủ tịch thành phố, Bí thư thành phố Thượng Hải. Ông Hàn Chính được coi là người thuộc phe phái của ông Giang Trạch Dân.

Minh Ngọc

Xem thêm: