Vừa qua, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố thông tin tuyển dụng số lượng công chức lớn làm việc tại Tân Cương, tổng số người tuyển đến hơn 30.000 người, làm việc trong các hệ thống công an, cơ quan chính quyền và giáo dục. Ngoài ra ĐCSTQ còn công bố thực hiện chính sách giáo dục miễn phí toàn diện tại Tân Cương. Chính sách này khiến người Duy Ngô Nhĩ lo lắng cho văn hóa cũng như ngôn ngữ của họ bị Hán hóa.

Embed from Getty Images

Hình ảnh trẻ người Duy Ngô Nhĩ tại thành phố Korla ở Tân Cương đang học (Getty Images).

Ilshat (Ilshat Hassan Kokbore), Chủ tịch Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ tỏ ra lo lắng về chính này, trên Epoch Times ông cho biết: “Nhìn bề ngoài là chính sách tốt, thực tế xưa nay nhiều chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ không hẳn tốt. Nhiều người cho rằng những hành động của chính quyền Trung Quốc chẳng qua là tiến thêm một bước trên con đường Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ.”

Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ

Ngày 20/11, truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, căn cứ “Luật Giáo dục miễn phí cấp Trung học tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ”, từ ngày 1/12 sẽ áp dụng chế độ giáo dục miễn phí toàn diện đối với cấp học này tại Tân Cương. Thông tin chỉ ra, tại Tân Cương, trước đây chế độ này cũng đã được áp dụng từ cấp học nhà trẻ đến trung học cơ sở, hiện nay toàn miền nam Tân Cương đang thực hiện chế độ giáo dục miễn phí 15 năm. Đến nay chế độ này được áp dụng trên toàn bộ Tân Cương.

Từ tháng Chín năm nay, toàn bộ trường học thuộc khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ đã bị cấm dùng tiếng Duy Ngô Nhĩ, chính quyền Trung Quốc yêu cầu phải dùng ngôn ngữ phổ thông trên toàn quốc từ bậc tiểu học trở lên, cấm các thầy cô dạy tiếng Duy Ngô Nhĩ, cấm dùng tiếng Duy Ngô Nhĩ trong các hoạt động quản lý và sinh hoạt cộng đồng.

Ông Ilshat đặt vấn đề, giáo dục miễn phí là tốt, nhưng giáo dục miễn phí theo hình thức như thế nào? Miễn phí tiếng Hán hay miễn phí tiếng Duy Ngô Nhĩ?

“Nếu chính phủ cung cấp giáo dục miễn phí tiếng Hán thì đối với người Duy Ngô Nhĩ mà nói là chính sách hủy diệt chủng tộc, cũng là hủy diệt văn hóa.”  Ông Ilshat nói: “Tương tự Nhật Bản thời Thế chiến thứ Hai, nếu khi đó người Nhật cung cấp cơ hội giáo dục miễn phí tiếng Nhật đối với người Hán thì người Trung Quốc có vui không? Tôi nghĩ chắc chắn không vui. Tình cảnh này cũng vậy.”

Năm 2016, sách giáo khoa tiếng Duy Ngô Nhĩ bản mới do Nhà Xuất bản Giáo dục Tân Cương xuất bản đã bỏ toàn bộ phần văn học kinh điển và hiện đại của người Duy Ngô Nhĩ, tác phẩm văn chương của người Duy Ngô Nhĩ hoàn toàn biến mất, thay vào là tác phẩm Hán cổ và hiện đại của nhà văn người Hán được phiên dịch sang tiếng Duy Ngô Nhĩ.

Ông Trần Phá Không, nhà văn và nhà bình luận chính trị người Trung Quốc sống tại Mỹ cho biết, chính sách này sẽ khiến thế hệ tương lai người Duy Ngô Nhĩ bị Hán hóa, không được được kế thừa nền văn hóa, lịch sử,  văn học của tổ tiên.

Đẩy mạnh di dân người Hán sống chung người Duy Ngô Nhĩ?

Ngày 21/11, Cơ quan Quản lý công chức Tân Cương mở họp báo công bố công tác thí điểm công chức làm việc theo quy chế mới, bắt đầu tuyển dụng nhân sự trong 09 lĩnh vực công chức với mức lương hàng năm từ 100.000 – 250.000 Nhân dân tệ. Theo báo mạng Phượng Hoàng (Ifeng) đưa tin, tháng Mười Một này chính quyền Tân Cương đã đăng tuyển hơn 30.000 người làm trong các lĩnh vực công an, chính phủ và giáo dục. Trong đó có đến 120.000 giáo viên, đa số yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng phổ thông Trung Quốc.

Điều kiện tuyển dụng lần này rất hấp dẫn, lương tháng từ 7000 – 10.000 Nhân dân tệ, ngoài ra còn có tiền trợ cấp và phụ cấp rất cao, thậm chí cung cấp nhà ở 100 mét vuông.

Trên Epoch Times, Phó giáo sư Lý Nguyên Hoa (Liyuan Hua) của Đại học Sư phạm Bắc Kinh chia sẻ, số người tuyển dụng hơn 30.000 người này không phải tuyển người Duy Ngô Nhĩ  mà là tuyển người tộc Hán ở những vùng khác. “Tại sao chính quyền ĐCSTQ chi ra nhiều tiền như thế, có phải để thu hút nhân tài? Dĩ nhiên họ cảm nhận rõ khó khăn trong lợi dụng những người Duy Ngô Nhĩ do họ đào tạo.”

Ông Ilshat cho rằng, việc chính quyền ĐCSTQ dùng tiền bạc và nhà ở để thu hút nhằm thực hiện di dân quy mô lớn, mục đích để khiến người Duy Ngô Nhĩ phía nam Tân Cương biến thành dân tộc thiểu số ngay trên lãnh thổ của họ.

Gây mâu thuẫn dân tộc

Ông Lý Nguyên Hoa cho biết, chính sách dân tộc mà ĐCSTQ thực hiện như vậy là không tôn trọng tập quán sinh hoạt, tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc thiểu số, “họ chỉ muốn thay đổi người ta, đây là cách làm xâm phạm đối với người dân tộc thiểu số.”

Ngoài ra, chính sách dân tộc mà ĐCSTQ thực hiện thường theo kiểu áp bức. Ông nói: “Áp bức sẽ khiến người tộc thiểu số phải phản kháng, khi đó họ lại bị chụp mũ là phần tử khủng bố, sau đó bị áp dụng biện pháp cai trị cứng rắn hơn, thủ đoạn tàn bạo hơn để trấn áp, cách làm này chỉ gây thù hằn dân tộc.”

Ông giới thiệu rằng, các vương triều trong lịch sử Trung Quốc luôn dùng chính sách mềm dẻo đối với người tộc thiểu số vùng biên cương, “đó là chính sách giúp dân tộc thiểu số phát triển, lấy tôn trọng họ làm tiền đề trong thực thi chính sách, vì thế mà họ luôn sẵn lòng giao lưu trao đổi với trung ương, với triều đình, vì chính sách của trung ương có lợi cho họ.”

Trong “Thanh sử kính giám” có ghi, chính sách cai trị của Trung Quốc cổ đại đối với dân tộc thiểu số biên cương là “Dựa theo phong tục mà cai trị” (Nhân tục nhi trị). Ban đầu đây là chính sách của nhà Chu (1122 TCN – 249 TCN) đối với dân tộc xung quanh. Các triều đại về sau, từ chính quyền của tộc Hán hay chính quyền của các tộc thiểu số khác đều tuân theo chính sách này.

Trong “Lễ ký chính nghĩa” của Khổng Dĩnh Đạt  (574 – 648) nhà Đường có ghi, “Tu kỳ giáo bất dị kỳ tục, tề kỳ chính bất dị kỳ nghi”, nghĩa là: Thưởng phạt và giáo hóa đối với các dân tộc xung quanh mà không thay đổi tập tục của họ, làm chính trị mà không thay đổi phong tục của họ. Người đời sau nói gọn là “Nhân tục nhi trị”.

Ông Lý Nguyên Hoa nói, “ĐCSTQ lại xem dân tộc thiểu số là đối tượng để thống trị, họ muốn dùng cách đàn áp để người ta phục tùng. Ngoài ra, vấn đề tranh quyền đoạt lợi giữa các phe phái trong Đảng cũng lấy kích thích mâu thuẫn dân tộc thành chiêu trò của họ, làm mâu thuẫn với dân tộc thiểu số luôn diễn biến phức tạp.”

Tuyết Mai

Xem thêm: