Điểm số tín nhiệm xã hội: Trung Quốc sẽ xếp hạng công dân để hướng tới ‘xã hội thành thật’

Chính phủ Trung quốc dự tính ra mắt Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (Social Credit System – SCS) vào năm 2020. Mục tiêu là để đánh giá mức độ tin cậy của 1,3 tỷ công dân thông qua việc đo lường các hành vi trên mạng Internet của họ.

Mức độ tin cậy được thể hiện qua Điểm Công dân. Điểm số này sẽ được sử dụng để xác định mỗi công dân có đủ tư cách để thế chấp vay tiền, xin việc làm, hay có thể xin học cho con ở nơi nào – hoặc thậm chí là cơ hội để hẹn hò…

Một hệ thống hoàn hảo để hướng đến xã hội thành thật?

Ngày 14/6/2014, Quốc hội Trung Quốc công bố một tài liệu gây chú ý có tên gọi: “Phác thảo kế hoạch xây dựng Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội”. Cũng giống như các tài liệu về chính sách của Trung Quốc, nó dài dòng và sơ sài nhưng chứa đựng một ý tưởng đáng sợ: một chỉ số tín nhiệm quốc gia xếp hạng bạn thuộc loại công dân nào?

Trong thế giới hiện nay, nhiều hoạt động hàng ngày của bạn được theo dõi và đánh giá liên tục: những thứ bạn mua sắm ở cửa hàng hay trên mạng; địa điểm những nơi bạn đang có mặt; ai là bạn của bạn và bạn tương tác với họ ra sao; bạn xem video hoặc chơi game bao nhiêu giờ; bạn thanh toán hóa đơn và thuế ra sao…

Thật không khó hình dung bởi hầu hết những điều này đang diễn ra nhờ các ông lớn trong lĩnh vực Internet như Google, Facebook, Instagram hay các ứng dụng giám sát sức khỏe như Fitbit. Nhưng hãy hình dung có một hệ thống nơi mà tất cả các hành vi này được đánh giá là tích cực hoặc tiêu cực và được đúc kết vào một chỉ số duy nhất, tuân theo các quy định của chính phủ. Nó chấm Điểm Công dân của bạn và cho mọi người biết bạn có “đáng tin cậy” hay không? Thêm nữa, xếp hạng của bạn sẽ được đánh giá công khai, xếp hạng và sử dụng để xác định khả năng tín nhiệm khi đi vay, khả năng làm việc, xin học cho con, hoặc thậm chí là hẹn hò…

Liệu điều này có phải là chuyện viễn tưởng? Không, nó đang được tiến hành ở Trung Quốc. Chính phủ nước này đang phát triển Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (Social Credit System – SCS) để đánh giá mức độ tin cậy của 1,3 tỷ công dân nước này.

>> Sky Net: Hệ thống nhận diện khuôn mặt khổng lồ của Trung Quốc (video)

Chính phủ Trung Quốc viện lý do rằng hệ thống là cách lý tưởng để đo lường và nâng cao sự tin tưởng trên toàn quốc và để xây dựng một nền văn hóa “thành thật”. Như tuyên truyền trong chính sách, “nó sẽ tạo ra một môi trường công luận, nơi mà việc giữ gìn lòng tin là vinh dự”. Nó sẽ tăng cường sự thành thật trong các vấn đề của chính phủ, sự thành thật trong thương mại, sự thành thật của xã hội và xây dựng sự tín nhiệm luật pháp.

Cho đến nay, người dân Trung Quốc có quyền quyết định có tự nguyện tham gia chương trình Điểm Công dân hay không. Tuy nhiên, vào năm 2020, việc tham gia sẽ là bắt buộc. Hành vi của mỗi một công dân và pháp nhân (bao gồm cả mỗi công ty và các tổ chức khác) tại Trung Quốc sẽ được đánh giá và xếp hạng, bất kể họ có thích hay không.

Mối “lương duyên” giữa chính sách và các nhà tư bản

diem so tin nhiem xa hoi 3
Tất cả mọi hành vi mua sắm đều sẽ ảnh hưởng Điểm số tín nhiệm xã hội (ảnh qua followcn.com)

Trước khi triển khai chính thức vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cấp giấy phép cho 8 công ty tư nhân để xây dựng các hệ thống và thuật toán cho điểm tín nhiệm xã hội. Có thể dự đoán rằng ai trong các gã khồng lồ về dữ liệu ở Trung Quốc đang triển khai 2 trong số những dự án nổi tiếng nhất.

Thứ nhất là công ty China Rapid Finance, một đối tác của Tencent – nhà phát triển ứng dụng WeChat với hơn 850 triệu người dùng đang hoạt động.

Thứ hai là Sesame Credit, được điều hành bởi Ant Financial Services Group (AFSG), một công ty thành viên của Alibaba. AFSG hiện đang bán các sản phẩm bảo hiểm và cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngôi sao thực sự của AFSG là AliPay, hệ thống thanh toán trực tuyến mà người dùng không chỉ sử dụng để mua hàng trực tuyến mà còn thanh toán ở nhà hàng, taxi, học phí, vé xem phim và thậm chí là chuyển tiền cho nhau.

Sesame Credit cũng đã hợp tác với nền tảng tạo ra dữ liệu khác, như Didi Chuxing, công ty taxi công nghệ đã từng là đối thủ của Uber trước khi mua lại hoạt động của công ty Mỹ này tại Trung Quốc vào năm 2016 và Baihe, dịch vụ mai mối trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Không khó để thấy các kho dữ liệu khổng lồ mà Sesame Credit có thể truy cập để phân tích hành vi và đánh giá người dân Trung Quốc.

>> Alibaba và những nỗi lo nhãn tiền cho doanh nghiệp Việt

Vậy, người dân được đánh giá như thế nào?

Các cá nhân trên hệ thống Sesame Credit được đánh giá bằng điểm số dao động từ 350 đến 950. Alibaba không tiết lộ “thuật toán phức tạp” mà công ty này sử dụng để tính toán các con số nhưng họ tiết lộ 5 yếu tố được sử dụng:

Thứ nhất là lịch sử tín dụng. Ví dụ liệu công dân đó có trả tiền và hoặc hóa đơn điện thoại đúng thời hạn không? Tiếp theo là khả năng hoàn thành, được định nghĩa là “khả năng người dùng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình”. Yếu tố thứ 3 là đặc điểm cá nhân, xác minh các thông tin cá nhân như số điện thoại di động và địa chỉ. Yếu tố thứ thứ 4 là hành vi và sở thích, có nhiều điều phải bàn đến…

Dưới hệ thống này, những điều tưởng như vô hại như thói quen mua sắm trở thành thước đo của một cá nhân. Alibaba thừa nhận rằng họ đánh giá con người qua loại sản phẩm họ sử dụng. “Ví dụ: một người chơi game 10 giờ một ngày sẽ được coi là người nhàn rỗi”, theo Li Yingyun, giám đốc công nghệ của Sesame. “Ai đó thường xuyên mua tã sẽ có thể được coi là các cha mẹ, những người nhiều khả năng là có ý thức trách nhiệm sau khi cân nhắc các vấn đề.” Vì vậy, hệ thống không chỉ điều tra hành vi, nó còn hình dung về hành vi của người dùng. Nó lột tả các công dân thông qua các hành vi mua sắm và các hành vi mà chính phủ không thích.

Yếu tố thứ 5 là mối quan hệ giữa các cá nhân. Việc họ chọn bạn bè trên mạng ra sao và các tương tác của họ trên mạng thế nào sẽ ảnh hưởng đến Điểm Công dân. Sesame Credit đánh giá việc lên mạng “tích cực” theo tiêu chí sau: những tin nhắn nói tốt về chính phủ hoặc tin nhắn nói tốt về nền kinh tế của đất nước sẽ khiến điểm của bạn tăng lên.

>> Loạt ảnh tẩy não toàn dân tại Đại hội 19: “Người chết cũng không bỏ sót”

Hiện tại, Alibaba khẳng định rằng bất cứ điều gì tiêu cực được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội đều không ảnh hưởng tới điểm số (nhưng chúng ta không biết điều này có chính xác hay không bởi vì thuật toán là bí mật). Nhưng bạn sẽ thấy nó hoạt động ra sao khi hệ thống tính điểm công dân của chính phủ chính thức hoạt động vào năm 2020.

Trong 8 công ty tư nhân đang thực hiện các hệ thống thử nghiệm, vẫn chưa rõ bên nào sẽ chịu trách nhiệm triển khai hệ thống chính thức cho chính phủ, nhưng khó mà tin rằng chính phủ sẽ không muốn trích xuất dữ liệu tối đa cho hệ thống SCS của họ. Nếu điều này xảy ra và tiếp tục như một quy tắc mới với hệ thống SCS của chính phủ, nó sẽ làm cho các nền tảng công nghệ tư nhân về bản chất hoạt động như cơ quan gián điệp cho chính phủ.

Việc đăng các ý kiến chính trị bất đồng quan điểm hoặc các đường link đề cập đến sự kiện Thiên An Môn chưa bao giờ được coi là khôn ngoan ở Trung Quốc, nhưng bây giờ, nó có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc xếp hạng công dân. Nhưng đây mới thực sự là vấn đề chính: điểm số của một người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì bạn bè trên mạng của họ nói và làm, ngoài mối liên hệ cá nhân giữa 2 người.

Nếu bạn của bạn đăng bài hay bình luận tiêu cực, điểm của bạn cũng sẽ bị kéo xuống.

Vậy tại sao lại có hàng triệu người tham gia chạy thử một hệ thống giám sát công khai của chính phủ như vậy? Có lẽ là những lý do không thể nói ra: những người không xung phong đăng ký sợ bị trả thù. Nhưng cũng có sự cám dỗ, dưới hình thức khen thưởng và “các đặc quyền” cho những công dân chứng tỏ rằng mình “đáng tin cậy” trên Seame Credit.

Nếu điểm số của một người đạt 600, họ có thể vay một khoản lên tới 5.000 NDT (khoảng 17 triệu VNĐ) để mua sắm trực tuyến trên trang Alibaba. Đạt được 650 điểm, họ có thể thuê một chiếc xe mà không cần tiền đặt cọc. Họ cũng có quyền đăng ký nhanh tại các khách sạn và sử dụng chế độ làm thủ tục chuyến bay VIP tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Những người hơn 666 điểm có thể nhận được khoản vay tiền mặt lên đến 50.000 nhân dân tệ (170 triệu VNĐ) từ Ant Financial Services. Nếu có trên 700 điểm, họ có thể đăng ký đi Singapore mà không cần giấy tờ hỗ trợ. Nếu điểm số là 750, họ sẽ được thực hiện thủ tục nhanh khi xin cấp thị thực vào EU.

Điểm số cao trở thành một biểu tượng cho vị thế xã hội. Ví dụ, trên mạng xã hội Weibo có gần 100.000 người đang tự hào về điểm số của họ sau khi dịch vụ ra đời được 1 tháng. Điểm số của công dân thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng hẹn hò hoặc tìm kiếm bạn đời, vì điểm số Sesame cao sẽ giúp họ có hồ sơ cá nhân trên mạng hẹn hò Baihe nổi bật hơn.

Sesame Credit cũng cung cấp các gợi ý để giúp người dùng cải thiện xếp hạng của họ, bao gồm cảnh báo khi kết bạn với những người có điểm số thấp. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng của các “chuyên gia” chia sẻ thủ thuật giành điểm hay các nhà tư vấn về chiến lược cải thiện xếp hạng, hoặc thoát khỏi danh sách đen của mạng lưới.

Phương pháp giám sát được trò chơi hóa

diem so tin nhiem xa hoi 2
Điểm số tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc (ảnh: Youtube)

Sesame Credit về cơ bản là một phiên bản trò chơi hóa khổng lồ của các phương pháp giám sát của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chế độ này ghi lưu hồ sơ đối với mỗi người, theo dõi những vi phạm về chính trị và riêng tư của mỗi cá nhân. Hệ thống giám sát sẽ theo dõi mỗi công dân suốt đời, từ trường học tới nghề nghiệp.

Người dân trước đây phải báo cáo về bạn bè, thậm chí là các thành viên trong gia đình, gây nghi ngờ và giảm niềm tin xã hội ở Trung Quốc. Điều tương tự sẽ xảy ra với các hồ sơ kỹ thuật số. Người dân sẽ có động lực để nói với bạn bè và gia đình họ, “đừng đăng bài đó, tôi không muốn làm bạn làm ảnh hưởng điểm số của bạn và tôi cũng không muốn bạn làm ảnh hưởng điểm số của tôi.”

>> Chính phủ càng lớn, người dân càng nhỏ

Hệ thống mới phản ánh sự chuyển đổi mô hình rất tinh vi. Thay vì cố gắng đảm bảo sự ổn định hoặc sự tuân thủ bằng đe dọa và trừng phạt, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng biến sự tuân thủ thành trò chơi. Đó là phương pháp kiểm soát xã hội đội lốt hệ thống cho-điểm-và-khen-thưởng.

Những người trả lời phỏng vấn của BBC năm 2015 về hệ thống Sesame Credit đều nói về ưu điểm của nó. Nhưng sau đó ai dám công khai chỉ trích hệ thống? Nếu làm vậy, điểm số của họ sẽ bị giảm ngay. Đáng kinh ngạc là, rất ít người hiểu rõ một điểm số xấu sẽ ảnh hưởng đến họ và người khác tới mức nào trong tương lai. Đáng ngại hơn cả là nhiều người không biết họ đang bị đánh giá và xếp hạng.

Còn hình phạt?

diem so tin nhiem xa hoi 4
Điểm số tín nhiệm xã hội có thể làm cho một người trở thành công dân hạng 2 trong chính đất nước mình (ảnh: Shutterstock)

Hiện tại, Sesame Credit không trực tiếp phạt người vì “không đáng tin cậy” – bởi việc khen thưởng sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng Hu Tao, giám đốc của Sesame Credit, cảnh báo mọi người rằng hệ thống được thiết kế để “những người không đáng tin cậy không thể thuê xe, không thể vay tiền hoặc thậm chí không tìm được việc làm”.

Hu Tao còn tiết lộ rằng Sesame Credit đã tiếp cận Văn phòng Giáo dục của Trung Quốc, yêu cầu chia sẻ danh sách sinh viên gian lận trong các kỳ thi quốc gia, khiến cho họ phải trả giá trong tương lai.

Các hình phạt sẽ thay đổi đáng kể khi hệ thống chính phủ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Thực tế là, vào ngày 25/9/2016, Văn phòng Quốc vụ viện đã cập nhật chính sách của mình có tựa đề “Cơ chế cảnh báo và trừng phạt đối với người có độ tin cậy thấp”.

Nguyên tắc rất đơn giản: “Mất sự tin tưởng ở một nơi, bị hạn chế quyền lợi ở mọi nơi.”

Ví dụ: những người xếp hạng thấp sẽ có tốc độ internet chậm hơn; bị hạn chế trong việc tiếp cận nhà hàng, câu lạc bộ đêm hoặc sân gôn; và quyền di chuyển ra nước ngoài một cách tự do. Công dân có điểm thấp sẽ không thể làm một số công việc nhất định như viên chức, báo chí và trong ngành pháp luật.

Điểm số sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm bảo hiểm hoặc đi vay và thậm chí cả các phúc lợi xã hội. Các công dân hạng thấp cũng sẽ bị hạn chế khi tự mình đăng ký học hoặc cho con cái học ở các trường tư thục cao cấp. Đó là thực tế công dân Trung Quốc sẽ phải đối mặt.

Theo tài liệu của chính phủ, hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội sẽ “cho phép người ‘đáng tin cậy’ đi khắp nơi dưới hạ giới còn người ‘không đáng tin’ thì chỉ đi một bước cũng khó khăn.”

Những kết quả ban đầu

Hệ thống xác định mức độ tin cậy của Trung Quốc hiện tại vẫn là dịch vụ tự nguyện, nhưng nó đã có những hậu quả.

Vào tháng 2/2017, Toà án Nhân dân Tối cao của nước này tuyên bố rằng đã có 6,15 triệu công dân bị cấm tham gia các chuyến bay trong 4 năm qua vì những “hành động xấu” trên mạng xã hội. Lệnh cấm là một bước tiến tới lập danh sách đen trong Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (SCS).

Meng Xiang, người đứng đầu bộ phận hành pháp của Tòa án tối cao, nói: “Chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ… với hơn 44 cơ quan chính phủ để hạn chế những người ‘bị mất uy tín’ ở nhiều cấp độ.” Ngoài ra, có 1,65 triệu người bị liệt vào danh sách đen không thể đi tàu hỏa.

Tương lai?

Dường như chúng ta đang hướng đến một tương lai, nơi tất cả sẽ được định danh trực tuyến và bị khai thác dữ liệu? Xu hướng này chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta đang bước vào thời đại mà hành động của một cá nhân sẽ bị đánh giá theo các tiêu chuẩn mà họ không thể kiểm soát được và những phán xét không thể bị xóa bỏ.

Khi mà thuật toán đánh giá và xếp hạng khó có thể được coi là minh bạch và chính sách xếp hạng công dân chỉ là ý muốn chủ quan của chính phủ, rất khó có thể tin tưởng rằng SCS là phương án lý tưởng để đo lường và xây dựng một văn hóa thành thật ở Trung Quốc.

Theo wired.co.uk
Thiện Tâm lược dịch

Xem thêm:

Bình Luận