Ngày 7/2, Bloomberg News dẫn lời của 4 nhân sĩ nắm rõ tình hình cho biết, trung ương Trung Quốc đã hạ lệnh tiến hành cải cách triệt để Bộ Ngoại giao, đang tiến hành thẩm tra các giao dịch ngoại thương, giám sát dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và “dùng 1 tiếng nói đồng nhất” khi quản lý gửi tiền nước ngoài.

GettyImages 476752573
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Theo bản tin, hai nhân sĩ nắm rõ tình hình cho biết, kế hoạch này yêu cầu phần lớn các cơ quan liên quan dừng việc thay đổi nhân viên công tác tại đại sứ quán trước cuối năm 2018, “để đại sứ quán có thể có quyền lực khống chế trực tiếp đối với chức trách của mình”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể có quyền phủ định quyết sách về tài chính và nhân viên đối với đại sứ quán.

Hủ bại trong hệ thống ngoại giao Trung Quốc

Ngày 2/1/2015, truyền thông Trung Quốc công bố thông tin “ngã ngựa” của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kiêm Cục trưởng Cục Lễ tân là ông Trương Côn Sinh. Ông Trương Côn Sinh là trợ lý đặc biệt của Đại sứ Trung Quốc trú tại Mỹ Lý Triệu Tinh.

Về các vấn đề liên quan đến ông Trương Côn Sinh, đến nay các tin đồn lưu truyền cho rằng ông này đã tiết lộ bí mật, thông gian, nhận hối lộ để sắp xếp cho thương nhân đi cùng lãnh đạo cấp cao trong các chuyến thăm nước ngoài, và liên quan đến “Tây Sơn hội” của quan to đã “ngã ngựa” Lệnh Kế Hoạch, v.v.

Ngày 4/1/2015, nhà bình luận thời sự Trịnh Khiết đã chia sẻ với truyền thông Hồng Kông rằng, hệ thống ngoại giao Trung Quốc dù là người đang nắm quyền hay về hưu cũng đều rất phức tạp. Không ngoại trừ sau khi ông Trương Côn Sinh bị vạch trần, sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề ra ánh sáng, bước tiếp theo sẽ liên quan đến nhiều “đại lão hổ”.

Cuối tháng 10/2015, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thủ đô Cebu, Philippines đã xảy ra vụ tấn công bằng súng gây chấn động. Trong một buổi tiệc sinh nhật tại một nhà hàng, chồng của một nữ viên chức Lãnh sự quán Trung Quốc trú tại Cebu đã nổ súng giết chết Phó tổng lãnh sự. Tổng lãnh sự Tống Vinh Hoa cũng bị thương trong vụ tấn công bằng súng này, trợ lý của ông bị trúng đạn ở cổ và tử vong. Quan chức tài vụ của Lãnh sự quán Lý Huy bị trúng đạn ở đầu và cũng tử vong.

Phía cảnh sát xác nhận, hung thủ tên Lý Khánh Lương (60 tuổi), từng là quan chức ngoại giao của Lãnh sự quán. Người vợ tên Quách Tĩnh, 57 tuổi, công tác tại Phòng thủ tục visa. SCMP (Hồng Kông) tiết lộ, cặp vợ chồng này đã dùng tiền công của Lãnh sự quán Trung Quốc và đã bị phát hiện từ 2 năm trước, nhưng không có ai xử lý. Đến khi ông Tống Vinh Hoa đến nhậm chức đã tiến hành điều tra, nên họ ôm hận trong lòng và liều mạng ra tay.

Bài viết cho rằng, cơ quan trú ở nước ngoài của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (đại sứ quán, lãnh sự quán, công ty có vốn đầu tư nhà nước) thường trở thành trại tị nạn của các quan chức hủ bại. Tệ nạn của các cơ quan trú tại nước ngoài và quan sự hủ bại trong quan trường ở Trung Quốc Đại Lục có quan hệ mật thiết với nhau.

Ngày 24/5/2016, nhiều kênh truyền thông Mỹ như tờ Richmond Times-Dispatch của bang Virginia (Mỹ) tiết lộ bối cảnh đằng sau của thương nhân Trung Quốc tên Vương Văn Lương quyên góp tiền làm chính trị ở Mỹ.

Theo tin đưa, Vương Văn Lương phát tài nhờ sự hủ bại của quan trường Đan Đông, Vương Văn Lương nhậm chức Chủ tịch hội đồng quản trị của Rilin Enterprises, là đơn vị sửa chữa công trình của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cũng là một doanh nghiệp thầu xây dựng công trình trọng điểm ở nước ngoài của Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York.

Vương Văn Lương được sự ủng hộ hết mình của cựu Đại sứ Trung Quốc trú tại Mỹ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Triệu Tinh. Để cảm ơn Lý Triệu Tinh và các quan chức ngoại giao, Vương Văn Lương đã chọn cách hối lộ gián tiếp, quyên tiền cho Đại học New York và Đại học Harvard, cứ 1 triệu đô la Mỹ quyên góp cho Đại học Harvard, thì được quyền tiến cử một sinh viên nhập học, quyên góp 800 nghìn đô la Mỹ cho Đại học New York thì được tiến cử 1 sinh viên vào trường. Vương Văn Lương trao quyền tiến cử này cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ngoài ra, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương cũng giống Bộ Ngoại giao, cùng thuộc hệ thống ngoại giao Trung Quốc, ngày 6/1 năm nay, ông Tào Bạch Tuyển – cựu Cục trưởng Cục thứ 4 thuộc Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương (Cục châu Phi) được truyền thông nhà nước thông báo các tội danh như, trong thời gian nhậm chức, đã cung cấp “dịch vụ tư vấn” và lấy tiền công của các công ty liên quan, lợi dụng chức vụ để mưu đồ chiếm lợi và thu nhận tài vật, liên quan đến tội nhận hối lộ; truyền thông Đại Lục chỉ ra Tào Bạch Tuyển “gây tổn thất to lớn tài sản quốc hữu, liên quan đến phạm tội vi phạm pháp luật”, “tính chất và tình tiết nghiêm trọng”.

Trang tin Duowei News đăng bài viết cho biết nội tình mối quan hệ thương mại qua lại gần gũi giữa Trung Quốc và một số nước châu Phi, lĩnh vực này trở thành vùng xám khó có thể đoán được. Tào Bạch Tuyển nhậm chức Cục trưởng Cục châu Phi của Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, cùng các lãnh đạo cấp cao của 45 nước nằm ở phía nam sa mạc Sahara của châu Phi đều có tiếp xúc với các nhân vật quan trọng của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có nói rõ, Tào Bạch Tuyển “ngã ngựa”, có lẽ ám chỉ về bức màn hủ bại trong giao dịch kinh tế của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhiều nước châu Phi.

Sau Đại hội 19, bố cục nhân sự cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc xuất hiện điều hiếm thấy

Cơ quan trú tại nước ngoài của chính quyền Trung Quốc từng có thời gian dài do người của phe ông Giang Trạch Dân nắm giữ. Trong thời gian ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền sau khi ông Giang Trạch Dân “thoái vị”, lượng lớn thân tín được ông Giang bố trí đã thao túng nhiều lĩnh vực. Từ năm 1993 đến 2013, có 4 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tiền Kỳ Thâm, Đường Gia Toàn, Lý Triệu Tinh, Dương Khiết Trì đều là người của ông Giang Trạch Dân, trong đó, Lý Triệu Tinh là tâm phúc cốt cán của ông Giang. Lý Triệu Tinh được Giang Trạch Dân lợi dụng để giám sát ông Hồ Cẩm Đào. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney từng kể lại trong nhật ký của mình, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ, Lý Triệu Tinh đã giám sát từng chi tiết nhỏ của ông Hồ.

Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền, đã điều chỉnh rất nhiều nhân viên trú ở nước ngoài, đồng thời bắt đầu có những hành động chống tham nhũng nhắm vào các cơ quan ở ngoài Trung Quốc. Trong đó, tháng 3/2013, ông Vương Nghị được ông Lý Khắc Cường đề cử, quay trở lại Bộ Ngoại giao giữ chức bộ trưởng, đại sứ trú tại nhiều nước cũng bị điều động thay đổi trên diện rộng.

Sau Đại hội 19, bố cục nhân sự tại Bộ Ngoại giao sẽ được tiết lộ vào tháng 3 tới tại “lưỡng hội”. Ngày 5/2, Nhật báo Tinh đảo (Hồng Kông) tiết lộ danh sách ứng cử viên chưa được chứng thực cho chức lãnh đạo các cơ quan của Trung Quốc trong khóa mới, nhưng có liên quan tới bố cục nhân sự ngoại giao trong tương lại của ông Tập Cận Bình như Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì và Vương Nghị.

Truyền thông Hồng Kông đưa tin, ông Vương Nghị sẽ thăng chức làm Ủy viên Quốc vụ thay ông Dương Khiết Trì, còn ông Dương Khiết Trì đã được vào Bộ Chính trị tại Đại hội 19, hai người này cùng phụ trách sự vụ ngoại giao. Bản tin nhận định, tương lai sẽ do một Ủy viên Bộ Chính trị (Dương Khiết Trì) và một người thuộc Ủy viên Quốc vụ (Vương Nghị) cùng chủ quản ngoại giao, đây là điều hiếm thấy trong chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đài phát thanh SOH cho rằng, nếu như thông tin trên truyền thông Hồng Kông là thật, tương lai sẽ do ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì liên thủ chủ quản sự vụ ngoại giao, không ngoại trừ ông Tập Cận Bình có ý muốn để hai người này kiềm chế lẫn nhau.

Còn Nhật báo Tinh Đảo đưa tin, ông Vương Kỳ Sơn rút lui khỏi Bộ Chính trị tại Đại hội 19 năm ngoái, sẽ giữ chức Phó Chủ tịch nước. Ông Vương Kỳ Sơn được cho là sẽ trợ giúp ông Tập Cận Bình xử lý các sự vụ ngoại giao.

Giới quan sát cũng đang chờ xem ba ông Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì và Vương Nghị cùng quản lý về ngoại giao, và việc ông Tập Cận Bình yêu cầu “dùng một tiếng nói đồng nhất”, rốt cuộc sẽ có hiệu quả thế nào?

Trí Đạt

Xem thêm: